Sau khi kích hoạt, CPU Phenom II X3 710 nhận thành X4 10 với 4 lõi hoạt động liên tục.

Một khách hàng của AMD đã "kích hoạt" được nhân thứ 4 trên con chip 3 lõi Phenom II X3 720 mới ra lò. Câu chuyện lan tỏa và những con chip đặc biệt này trở nên hấp dẫn.

Đầu năm 2009, AMD công bố nền tảng máy tính mới giải trí có tên gọi Dragon thay thế cho nền tảng Spider trước đây. Theo đó, những máy tính Dragon sử dụng loại CPU Phenom II, bo mạch chủ 790GX và card đồ họa ATI 4870. Thế nhưng đợt ra mắt lại rùm beng bởi khả năng "mọc thêm đầu" của "rồng 3 đầu" Phenom II X3 7xx.

Khơi nguồn từ một bài viết trên website của Hàn Quốc Playwares.com ngày 23/2. Chủ nhân của con chip Phenom II X3 710 khi lắp vào mainboard thì nhận bình thường 3 lõi, khởi động Windows XP và chạy ứng dụng bình thường.

Tuy nhiên, sau khi kích hoạt tính năng ép xung trên BIOS bằng Advanced Clock Calibration (ACC) ở chế độ Auto, tên con chip từ Phenom II X3 710 bị chuyển thành Phenom II X4 10. Kiểm tra bằng phần mềm về các thông số về xung nhịp, bus, HT Link không có gì khác biệt, chỉ khác mỗi điểm là... thêm 1 lõi thứ 4 trên bộ vi xử lý 3 nhân này. Người dùng may mắn này đã chạy các phần mềm kiểm tra độ ổn định như Orthos và lõi thứ 4 hoạt động thực sự. Đo kiểm bằng phần mềm 3DMark 06, điểm CPU tăng thêm gần 1.000 điểm so với trước khi kích hoạt lõi thứ 4, từ 3.795 lên 4.776 điểm - tương đương với các CPU 4 nhân thực sự của AMD.

Thông tin có thể kích hoạt thêm 1 lõi của chip AMD Triple Core đề tài nóng hổi của dân đam mê máy tính trên thế giới và cả ở Việt Nam. Nhiều trang thông tin và diễn đàn công nghệ như InQuire, EnGadget hay Tom’s Hardware liên tục có những bàn tán liên quan hiện tượng này.

VOZ Forums, một trong những diễn đàn về "vọc" máy tính tại Việt Nam, đã có một số thành viên "trúng số độc đắc" cũng báo cáo unlock thành công lõi thứ 4 của dòng chip AMD Phenom II X3 710, 720 và 720BE. Những con chip sau khi mở khóa lõi mới đều vượt qua các thử nghiệm về độ ổn định. Hiệu năng tăng lên đáng kể đem lại cảm giác có thêm 1 lõi thứ 4 thực sự chứ không phải hiện tượng giả lập logic như giải pháp Hyper Threading của Intel.

Một thành viên VOZ Forums sau khi unlock thành công đã rao bán con chip 720BE của mình với giá 2,7 triệu đồng trong khi giá của 1 con chip 4 lõi AMD Phenom II X4 910 khoảng 210 USD.

Ảnh
Kết quả unlock Phenom II X3 720BE thành 4 nhân của 1 thành viên diễn đàn VOZ Forums của Việt Nam. Sau khi mở khóa, chip vẫn có thể ép xung và hoạt động ổn định.

Đúc kết từ kinh nghiệm của những người may mắn, những con chip X3 7xx có thể unlock được có mã số 0904 trên dòng thứ 2, tức là được sản xuất trong khoảng tuần thứ 4 của năm 2009. Cộng thêm vào đó là sử dụng mainboard có chipset 790GX mới nhất của AMD và cầu nam là SB750. Một số sử dụng mainboard Abit giống như trường hợp trên website Playware.com. Một vài người khác sử dụng loại main DFI cao cấp. Nhưng điều quan trọng nhất để unlock được thành công lại chính là ... yếu tố may mắn.

Chỉ dành cho dân "vọc"?

Việc có thể "mở" thêm một lõi của chip AMD Phenom II X3 là có thực. AMD chưa có trả lời chính thức nào liên quan đến hiện tượng này. Phân tích của giới ham mê công nghệ có 2 cách giải thích.

Thứ nhất, các nhà máy của AMD hiện nay chỉ sản xuất duy nhất 1 loại đế Phenom II và đương nhiên ưu tiên sản xuất các loại lõi chip X4 9xx với 6MB cache L3. Bằng phương pháp "gặt" trên mỗi đế silicon, các sản phẩm X4 không đạt tiêu chuẩn sẽ chuyển thành các dòng sản phẩm thấp hơn. Nếu hư hỏng phần cache nhưng 4 lõi vẫn hoạt động sẽ tạo ra dòng X4 810 với 4MB cache. Nếu 1 trong số 4 lõi có lỗi, lõi đó sẽ bị vô hiệu hóa và sẽ được chuyển sang dòng sản phẩm X3 7xx với 6MB cache đầy đủ. Phương pháp "gặt" trên đế silicon được nhiều hãng sản xuất chip sử dụng phổ biến nhằm tận dụng tối ưu dây chuyền sản xuất của mình. Đến khi đóng gói sản phẩm thì mới chuyển thành nhiều dạng sản phẩm ở nhiều phân khúc khác nhau.

Ảnh
Lõi chip Phenom II X4 9xx của AMD. Dựa trên lõi này, những sản phẩm không đạt X4 9xx có thể được chỉnh sửa và tái chế thành các dòng X4 8xx hoặc X3 7xx.

Điều đáng nói là có thể phát sinh từ 1 lỗi nào đó trong khâu vô hiệu hóa lõi chip lỗi và xung đột với những BIOS chưa kịp cập nhật đầy đủ khiến những lõi này trở lại hoạt động. Nếu vậy, việc kích hoạt lõi thứ tư cũng đặt người dùng vào tình huống nguy hiểm vì lỗi tính toán có thể phát sinh bất cứ lúc nào.

Một lý do khác là do nhu cầu chip X3 lên cao, AMD có thể disable 1 lõi còn tốt để có thể đáp ứng gấp nhu cầu thị trường. Hiện nay chỉ có AMD sản xuất loại chip 3 lõi và đang làm chủ phân khúc thị trường này trong khi chip 4 lõi lại phải cạnh tranh quyết liệt với 2 "gọng kìm" là sản phẩm i7 và Core 2 (lõi kép và lõi tứ) của Intel.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc khóa 1 lõi để bán X4 với giá X3 được cho là khôn ngoan và lợi ích hơn nhiều so với việc giảm giá bán X4. Chi phí sản xuất trực tiếp chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong giá bán của một con chip. Cấu thành giá bán chủ yếu là những chi phí cố định về nghiên cứu phát triển và đầu tư dây chuyền sản xuất, nhà máy, ... Việc hạ giá bán X4 xuống bằng giá X3 vẫn đảm bảo cho AMD thu lợi nhuận nhưng giải pháp đó không khôn ngoan cho các yếu tố cạnh tranh khác trên thị trường như thương hiệu, sản phẩm,... bởi không thể duy trì mặt bằng giá cả với đối thủ Intel.

Cách giải thích thứ 2 có vẻ đơn giản và ngắn gọn hơn: Đây là một "chiêu" marketing của AMD. Theo cách giải thích này, hãng cố tình sử dụng một số chip X4 "khỏe mạnh" để tạo một giải "bốc thăm trúng thưởng" cho khách hàng của dòng Phenom II X3 khi mới ra mắt. Điều này phù hợp với chiến lược marketing chung của AMD từ trước tới nay khi nhắm vào nhóm đối tượng người dùng là những game thủ và người yêu thích công nghệ. Điều này có thể thấy rõ qua việc những chip Phenom II X3 có mã ngày sản xuất "0904" gần như tuyệt chủng trên "thị trường". Giá bán lẻ tại "chợ đen" cũng được dân "vọc" săn lùng với giá không kém sản phẩm X4 thực thụ là mấy.

Cho đến nay, việc mở lõi thứ 4 trên CPU Phenom II X3 mới được 1 tháng và việc kiểm nghiệm vẫn đang được những người dùng may mắn tiến hành. Chưa có testlab nào đứng ra khẳng định thực sự một nhân vật lý nữa của dòng chip 3 lõi nói trên được kích hoạt hay không, cho dù hiệu năng và điểm số đo kiểm có tăng lên rõ rệt.

Dù sao, chip Phenom II X3 có thể mở nhân vẫn đang hấp dẫn người dùng thích tìm hiểu công nghệ và sưu tầm hàng độc. Trước đây, việc unlock những tính năng ẩn của nhà sản xuất chỉ được thực hiện trên card đồ họa, chủ yếu là khởi động lại các đường pipeline, để đạt được hiệu năng cao hơn. Điển hình là 2 sản phẩm ATI 9500 Pro và X800 GSO.

Còn đối với người dùng phổ thông nếu cần một hệ thống nghiệp vụ nghiêm túc 4 lõi vẫn nên đầu tư chip Quad Core bởi việc unlock chip X3 phụ thuộc nhiều vào may mắn. Bên cạnh đó, cũng chưa có khẳng định chắc chắn lõi thứ 4 được mở có hoạt động ổn định và lâu dài hay không.

Theo VietnamNet



Bình luận

  • TTCN (0)