Điện thoại truyền hình, một chức năng của máy ĐTDĐ phổ biến Sony Ericsson 880i, nhưng phải đến sau tháng 8-2009 mới sử dụng được khi có mạng 3G - Ảnh: Thanh Đạm.

Chỉ vài tháng tới người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) mạng 3G ở VN sẽ sử dụng được các dịch vụ ưu việt hơn mạng hiện tại (2G) như điện thoại truyền hình, truy cập Internet, xem truyền hình trực tiếp hay xem phim, thanh toán phí qua ĐTDĐ…

Tháng 8-2009 sẽ có 3G?

Theo Bộ TT&TT, trong thời gian ba tháng kể từ ngày công bố kết quả trúng tuyển, các doanh nghiệp phải hoàn tất các thủ tục có liên quan. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ kiểm tra và chính thức cấp giấy phép thiết lập mạng và cấp phép tần số. Thời điểm các nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ đến người dùng nhanh nhất là một tháng kể từ ngày được cấp phép và chậm nhất là chín tháng phải triển khai. Như vậy, trong vòng từ tháng 8 năm nay đến tháng 4-2010 các mạng phải ra mắt dịch vụ. 

Đại diện Viettel cho biết: “Viettel sẽ thiết kế những gói cước riêng cho từng nhóm đối tượng khách hàng dựa trên cơ sở nhu cầu sử dụng, khả năng chi trả của từng lớp khách hàng trên tinh thần đảm bảo mức giá của Viettel luôn tốt hơn các đối thủ cạnh tranh.

Cụ thể, giá cước dịch vụ cơ bản (thoại và SMS) sẽ tương đương giá cước của mạng 2G như hiện tại. Giá cước các dịch vụ gia tăng sẽ giảm 10 - 15 lần so với giá cước truy cập qua giao thức GPRS như hiện tại. Với dịch vụ truy cập Internet bằng máy tính qua mạng di động sẽ gần với giá cước của ADSL”.

Theo ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của VNPT, ngay trong năm nay những dịch vụ 3G cơ bản mà Vinaphone, MobiFone sẽ cung cấp sau khi có giấy phép 3G là: điện thoại truyền hình, dịch vụ truyền tải đồng thời cả âm thanh và dữ liệu, tải phim ảnh, video trực tuyến, tải nhạc, thanh toán phí qua thiết bị di động, truy cập WAP/Mobile Internet...

Trong khi đó, liên danh EVN telecom và Hanoi telecom cũng cố gắng từng bước cung cấp những dịch vụ hoàn chỉnh nhất của công nghệ 3G cho khách hàng trong năm 2009.

Nội dung mới là quyết định

3G hứa hẹn kéo theo sự phát triển mạnh mẽ công nghiệp nội dung số như sự bùng nổ Internet ở VN hiện nay. Nhận định về cung cấp nội dung 3G, ông Việt cho biết: “Cần phải có nhiều nhà cung cấp nội dung dịch vụ giá trị gia tăng cùng tham gia thì 3G mới có một tương lai tươi sáng và người dùng mới thật sự có nhiều sự giải trí hơn”.

Còn đại diện Viettel khẳng định: “Đối với 3G thì không có dịch vụ nào là dịch vụ chủ chốt, các doanh nghiệp khi triển khai phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp nội dung thông tin. Có thể hình dung sự thay đổi về giá trị: với 2G thì nhà khai thác mạng chiếm đến 90% doanh thu còn nội dung chỉ chiếm 10% doanh thu. Nhưng đến 3G thì nội dung lại là yếu tố quyết định”.

ĐTDĐ 3G mới sử dụng được

Đây có thể là khó khăn lớn nhất với đa số người dùng VN vì hầu hết ĐTDĐ đang sử dụng đều chỉ hỗ trợ 2G. Do đó, khi người dùng muốn sử dụng những tính năng mới của 3G thì phải mua điện thoại mới hỗ trợ 3G. Tuy nhiên, vẫn có một lượng không nhỏ người dùng đã có ĐTDĐ hỗ trợ 3G.

Ông Việt phân tích: “Trong thời gian đầu triển khai 3G, kinh nghiệm các nước cho thấy số lượng người sử dụng có máy đầu cuối tương thích với mạng 3G chưa nhiều, vùng phủ sóng còn hạn chế và các dịch vụ tiện ích cần có thời gian phát triển. Tuy nhiên, ở VN, với lượng ĐTDĐ 3G hiện có cũng đủ một lượng khách hàng có thể sử dụng. Vinaphone cũng đã dự kiến hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối nhằm mang lại cho khách hàng các dịch vụ trọn gói, phù hợp với lớp khách hàng tiêu dùng bình dân”.

Làn sóng thiết bị di động 3G đã tràn vào VN từ vài năm trước dù người dùng chưa thể chính thức sử dụng các tiện ích của 3G… Điều này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường VN đối với dịch vụ 3G. Hiện tại, nhiều mẫu điện thoại hỗ trợ 3G phổ biến trên thị trường là: Nokia 8800, E90, N96, N85, E71, E66; Sony Ericsson XPERIA X1, W980, G900; Samsung i8510 INNOV8, i900… 

Các công nghệ ĐTDĐ

3G (Third Generation) là công nghệ di động thế hệ thứ ba, cho phép truyền cả dữ liệu thoại và dữ liệu ngoài thoại (tải dữ liệu, gửi email, hình ảnh...). Trong khi đó, 2G là công nghệ di động thế hệ thứ 2, khác biệt nổi bật với mạng điện thoại thế hệ đầu tiên (1G) là sự chuyển đổi từ điện thoại dùng tín hiệu tương tự sang tín hiệu số. Công nghệ 3G được nhắc đến như là một chuẩn của Tổ chức Viễn thông thế giới. Lúc đầu 3G được dự kiến là một chuẩn thống nhất trên thế giới, nhưng trên thực tế thế giới 3G đã bị chia thành bốn chuẩn: UMTS, CDMA 2000, TD-SCDMA, W-CDMA.

Trong khi các công nghệ 2G và 3G được chính thức định nghĩa thì 2.5G không được như vậy. Từ này chỉ được dùng cho mục đích tiếp thị. 2.5G cung cấp một số lợi ích của mạng 3G và có thể dùng cơ sở hạ tầng của 2G.

GPRS là công nghệ dùng cho mạng GSM. Một vài giao thức, chẳng hạn như EDGE cho GSM và CDMA2000 1x-RTT cho CDMA có thể đạt được chất lượng như các dịch vụ 3G (vì có thể truyền dữ liệu với tốc độ144 Kbps), nhưng vẫn được xem như là dịch vụ 2.5G (hoặc là nghe có vẻ phức tạp hơn là 2.75G) bởi vì chậm hơn vài lần so với dịch vụ 3G thật sự (tốc độ trung bình khoảng 2 Mbps). Trong khi đó, chuẩn HSPA (High Speed Packet Access) hay còn được gọi là công nghệ 3.75G lại cho tốc độ đường truyền lên tới 7,2 Mbps, hơn hẳn 3G nhiều lần.

Lựa chọn duy nhất

Năm 1997, công nghệ 2G chính thức qua mặt mạng analog. Và 11 năm sau, số người sử dụng công nghệ 3G đã vượt qua số người sử dụng công nghệ 2G. Như vậy chỉ cần 10 năm kể từ khi có mặt, 3G đã giành chiến thắng trước 2G, ít hơn năm năm so với cuộc “trường chinh” của 2G với mạng analog. 

Ảnh
Một thiếu nữ sử dụng ĐTDĐ 3G tại Lào, năm 2008 - Ảnh tư liệu

Perry LaForge, giám đốc điều hành của nhóm phát triển CDMA (CDG), nhận định: “Trên toàn thế giới, ở những nước phát triển hay các thị trường mới, các nhà cung cấp buộc phải ứng dụng công nghệ 3G để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về âm thanh cũng như tốc độ truyền dữ liệu cao”.

LaForge còn cho biết thêm cơ sở hạ tầng 3G đang tiếp tục phát triển mạnh. Những thiết bị sử dụng công nghệ 3G sẽ dần vượt qua các thiết bị sử dụng công nghệ khác với giá thấp hơn.

Hiện nay trên toàn thế giới có hơn 350 triệu người sử dụng công nghệ 3G và mỗi quý có thêm khoảng 30 triệu đăng ký mới. Các nhà phân tích tiên đoán vào năm 2010 sẽ có 1,2 tỉ người sử dụng hai công nghệ 3G chủ đạo là CDMA2000 và WCDMA, chiếm 41% tổng số người sử dụng toàn cầu.

Những nhà cung cấp công nghệ 3G đã được đền đáp xứng đáng. Trong vài năm, lợi nhuận và lợi thế của công nghệ 3G đem lại cho các nhà cung cấp là rất rõ ràng so với những nhà cung cấp công nghệ 2G.

Trong một cuộc khảo sát do Công ty tư vấn iGR thực hiện, có 84% trong tổng số 100 công ty trong danh sách của Fortune cho biết họ thích hoặc rất thích những laptop có tích hợp modem 3G tốc độ cao.

Điều này đã được kiểm chứng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tại Hàn Quốc gần như 100% người sử dụng công nghệ 3G, trong khi đó tỉ lệ này tại Nhật Bản là 60%.

Xu hướng này cũng đang tăng mạnh tại những quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Úc, New Zealand, đặc khu Hong Kong, đảo Đài Loan hay Singapore…

Tương tự, xu hướng không thể thay đổi này cũng đang diễn ra tại châu Âu. Jean-Pierre Bienaime, chủ tịch diễn đàn UMTS các nhà cung cấp cả công nghệ 2G lẫn 3G, cho biết: “Ngày nay, không cần phải khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn công nghệ 3G. Họ tự động biết rằng công nghệ thế hệ thứ 3 là lựa chọn duy nhất phù hợp với những yêu cầu trong cuộc sống”.

(Theo Tuổi trẻ online) 



Bình luận

  • TTCN (0)