Tên lửa Ariane 5 ECA mang theo vệ tinh VINASAT-1 rời bệ phóng vào 5h17p sáng 19/4/2008 (theo giờ Hà Nội), mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành viễn thông Việt Nam.

Không lễ lạt ồn ào, không họp báo hoành tráng, nhưng để ghi nhớ thời khắc trọng đại của đúng một năm trước, vào 5h17phút sáng ngày 19/4/2008, những con người đã cống hiến hết mình cho vệ tinh VINASAT-1 đã cùng ngồi lại để chia sẻ kỷ niệm khó quên ấy.

 Để làm nên sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 một năm trước, có sự cống hiến và tham gia của rất nhiều cá nhân, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và tất cả những đóng góp đó đều rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, vào thời điểm vệ tinh VINASAT-1 sắp tròn một tuổi trên quỹ đạo trái đất, khi đúng giờ này 1 năm trước, rất nhiều người dân Việt Nam đang thức trắng đêm để hồi hộp chờ theo dõi sự kiện lịch sử của ngành viễn thông nước nhà, tôi mong muốn được kể thêm về họ, những "người hùng" đã luôn cống hiến hết mình một cách thầm lặng để có được thành công ấy.

Những người theo VINASAT-1 từ khi "thai nghén"

Ảnh
Phó GĐ Trung tâm thông tin vệ tinh VINASAT-1 Kiều Nguyễn với chiếc áo phông in hình tên lửa Ariane 5 ECA. Ảnh: B.M.

Hiếm khi xuất hiện trên mặt báo hay trả lời phỏng vấn về VINASAT-1, rất ít nói và luôn tránh xuất hiện tại các buổi hội nghị, họp báo... nhưng người hiểu biết rõ nhất về từng bộ phận cấu tạo bên trong của quả vệ tinh đầu tiên của Việt Nam chính là chuyên gia vệ tinh Kiều Nguyễn.

Ngay từ khi hợp đồng sản xuất vệ tinh vừa được VNPT ký với tập đoàn Lockheed Martin vào năm 2006, anh Kiều Nguyễn đã lên đường sang phối hợp triển khai dự án tại nhà máy của Lockheed Martin tại Mỹ. Đằng đẵng 2 năm trời để vợ con ở nhà, liên tục cuốn theo công việc với cường độ cao của các chuyên gia vệ tinh Lockheed, đó là khoảng thời gian khó khăn nhất mà anh Nguyễn phải trải qua, nhưng cũng là những kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Tuy phải trải qua nhiều khó khăn nhất, nhưng anh Nguyễn là người ít khi nói về mình.  Trong một lần tình cờ gặp nhau khi transit tại sân bay Hong Kong (sau khi VINASAT-1 đã phóng thành công -NV), anh mới chia sẻ với tôi về những ngày tháng ấy. "Áp lực công việc thì luôn nhiều vì chuyên gia Mỹ làm việc rất chuyên nghiệp, nên mình cũng quen dần. Nhưng cũng có lúc thấy nhớ nhà, nhớ vợ con lắm chứ. Biết vậy thôi, chứ có nhớ mấy thì cũng làm sao mà bỏ dở công việc để bay về Việt Nam được."

Khi VINASAT-1 được bàn giao cho phía đối tác phóng là Ariane Space vào tháng 3/2008, anh Nguyễn lại bay theo từ Mỹ về Kourou (French Guiana) ở Nam Mỹ để tiếp tục theo sát tiến độ lắp ráp và hoàn thiện vệ tinh, đưa vào thân tên lửa và ra bãi phóng.

Cùng sang tham gia triển khai dự án sản xuất vệ tinh tại Mỹ từ những ngày đầu cùng anh Nguyễn còn có anh Nguyễn Văn Hoan, một chuyên gia viễn thông cũng khá trẻ. Tuy nhiên, tôi không có cơ hội được gặp anh Hoan nhiều, ngoài một lần bắt tay duy nhất khi vừa tới sân bay Cayenne, thủ phủ của French Guianna.

Ngay khi vừa đón đoàn nhà báo Việt Nam sang Kourou để tường thuật phóng vệ tinh, anh Hoan lại phải bay từ Cayenne về Pháp để bay trở lại Mỹ, nơi anh phải tiếp tục phối hợp với các chuyên gia Lockheed Martin để thực hiện công đoạn truyền phát tín hiệu với VINASAT-1 ngay sau khi vừa được phóng lên.

Hiện tại, anh Hoan cùng một số cán bộ trẻ khác trong ban điều hành dự án VINASAT-1 đã chuyển tiếp sang một dự án ODA trong tập đoàn VNPT. Rất tiếc là trong dịp gặp mặt nhân tròn 1 năm, anh Hoan đang đi công tác nước ngoài nên không thể tham dự được cùng chúng tôi.

Ảnh
Bốn cán bộ của ban dự án VINASAT-1 chụp lưu niệm trước quả vệ tinh đã lắp ráp hoàn thiện tại khu nhà S5, Trung tâm vũ trụ Kourou. Từ trái sang: Kiều Nguyễn, Vinh, Hoan, Tuấn.

Sau 1 năm, VINASAT-1 đã ký kết khai thác 70% dung lượng

Gặp chúng tôi tại một quán bia hơi nhỏ vào cuối ngày 18/4/2009 để cùng  nhau ôn lại những kỷ niệm, anh Nguyễn vẫn ít nói, nhưng rất tâm đắc với chiếc áo phông in hình tên lửa Ariane 5 ECA đang mặc vì mua trực tiếp tại Trung tâm vũ trụ châu Âu. Anh nói vui: "Đấy, cánh nhà báo sang còn được Ariane Space tặng ba lô, áo mũ, chứ mình làm ở đấy lâu quá, họ coi như người trong nhà, thành ra chẳng có vật kỷ niệm gì mang về. Hôm ra sân bay về vội quá, phải nhờ mua ở shop lưu niệm cái áo này  tới hai mấy euro đấy".

Hiện tại, sau khi VINASAT-1 được phóng thành công, anh Kiều Nguyễn được chuyển về làm Phó Giám đốc Trung tâm thông tin vệ tinh VINASAT-1 của Công ty viễn thông quốc tế VTI (trực thuộc VNPT). Anh Nguyễn cho biết tiến độ ký kết khai thác dung lượng vệ tinh đầu tiên của Việt Nam nhanh vượt dự kiến, hiện sau 1 năm đã đạt tới khoảng 70%. Tín hiệu kênh truyền của VINASAT-1 đạt chất lượng rất cao, khiến các khách hàng quốc tế cũng phải bất ngờ.

Sau khi VINASAT-1 được chuyển tới trung tâm vũ trụ châu Âu ở Kourou, hai cán bộ trẻ của ban điều hành dự án VINASAT-1 tiếp tục được điều từ Việt Nam sang Kourou là Nguyễn Quốc Tuấn và Đỗ Văn Vinh. Cùng anh Kiều Nguyễn, hai cán bộ trẻ này hỗ trợ các công việc giám sát tiến độ lắp ráp VINASAT-1 theo đúng kế hoạch đề ra từng ngày. Quốc Tuấn hiện cũng chuyển sang dự án ODA cùng anh Hoan, còn Vinh chuyển về một ban khác cũng thuộc VNPT. Họ cũng không tham gia được buổi gặp gỡ các "cựu binh" VINASAT-1 vì bận đi công tác.

Gặp lại "người nhạc trưởng sau cánh gà"

Ảnh
Nguyên Phó ban điều hành dự án VINASAT-1 Nguyễn Hồng Thao. Ảnh: B.M.

Đó là Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó ban điều hành dự án VINASAT-1. Trước khi VINASAT-1 được phóng, anh thường xuyên từ chối trả lời phỏng vấn báo chí về tiến độ triển khai dự án VINASAT-1 và "đẩy hạ" cho cấp trên là Trưởng ban Hoàng Minh Thống. Tuy nhiên, mọi hoạt động điều phối tiến độ, quá trình hợp tác với các đối tác Lockheed Martin, Ariane Space, anh đều là người phải trực tiếp triển khai.

Vì nói tốt được cả tiếng Anh và tiếng Pháp nên anh là đầu mối làm việc với các đối tác đang ở Mỹ và Pháp qua các cuộc họp teleconference từ khi triển khai dự án. Anh Thao đồng thời là người trực tiếp điều phối hoạt động của các chuyên gia đang bám sát tiến trình thực hiện dự án gồm các anh Nguyễn, Hoan, Tuấn, Vinh khi họ ở Mỹ và French Guiana.

Tham gia dự án VINASAT-1 từ những ngày đầu và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng nhất, nhưng đến khi vệ tinh được hoàn tất những công đoạn cuối tại Kourou, anh Thao lại không có được vinh dự chứng kiến tận mắt VINASAT-1 rời bệ phóng bay lên bầu trời Nam Mỹ. Đến phút chót, anh vẫn phải gách một trọng trách "sau cánh gà" nặng nề là tổ chức chuẩn bị cho sự kiện tường thuật trực tiếp phóng VINASAT-1 Tại trung tâm hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Gặp lại chúng tôi trong bữa bia nhỏ kỷ niệm tròn 1 năm trôi qua, anh Thao kể lại kỷ niệm vui ít người biết ngay trước giờ tường thuật trực tiếp phóng vệ tinh. Khi chỉ còn 3 tiếng nữa là tới giờ phóng, mọi công đoạn chuẩn bị hậu kỳ đã hoàn tất, đường tín hiệu video trực tiếp từ Trung tâm điều hành phóng Jupiter tại Kourou đã được truyền thành công qua 2 vệ tinh để từ Nam Mỹ qua Pháp về tới Việt Nam.

Bỗng nhiên tín hiệu từ Trung tâm vũ trụ ở Kourou bị mất. Đầu mối nhận tín hiệu tại Việt Nam là công ty VTI cuống lên vì nếu mất tín hiệu là vỡ toàn bộ kịch bản tường thuật trực tiếp và gọi anh Thao liên lạc gấp sang đối tác Ariane Space. Rất may, phía Ariane Space báo đó chỉ là một sự cố nhỏ ở bộ phận phát tín hiệu vệ tinh, bị mất nguồn do nhảy automat, nhưng phải đúng 1 tiếng sau automat mới tự đóng lại được.

Khoảng thời gian 1 tiếng đó là thời khắc đầy áp lực của anh Thao, do phía VTI giục liên tục vì sợ mất tín hiệu, xác suất rủi ro vẫn có thể xảy ra nếu automat không tự đóng lại được hoặc lại bị nhẩy tiếp. Nhưng rất may là cuối cùng tín hiệu vệ tinh đã có trở lại và được truyền thông suốt trong toàn bộ quá trình phóng VINASAT-1.

Hiện tại, sau khi ban điều hành VINASAT-1 hoàn thành nhiệm vụ, anh Thao cũng chuyển sang dự án ODA tại VNPT cùng anh Hoan và Tuấn.

Những người hùng thầm lặng

Gặp lại những con người đã cùng sát cánh và cống hiến hết mình cho dự án VINASAT-1, tôi thấy ở góc độ nào đó, họ thực sự đáng được ghi nhận như những người hùng của thành công này. Dù chỉ luôn thầm lặng đứng đằng sau những cuộc họp báo, công bố sự kiện và cũng chẳng mấy khi xuất hiện trên báo đài, nhưng họ là những người không thể thiếu để có được sự thành công của VINASAT-1.

Còn vài phút nữa thôi, là thời điểm VINASAT-1 được phóng lên đúng 1 năm trước sẽ đến, tôi chỉ còn một mong muốn nhỏ là bài viết của mình sẽ đến với độc giả đúng vào thời khắc đó, để nhiều người có thể biết thêm về những đóng góp to lớn của họ, những người hùng thầm lặng của VINASAT-1.

(theo VietNamNet)




Bình luận

  • TTCN (1)
quoc tuan  36

bình luận

đúng là những người hùng của Việt Nam. Sao báo chí nói nhiều về VINASAT-1 ít khi nhắc tới họ.