Các loại dây cáp được giăng chung trên một cột điện tại đầu phố Ấu Triệu - Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: CÙ ZAP.

Mất mỹ quan, nguy hiểm là điều thấy rõ trước mắt về tình trạng cáp viễn thông mắc chằng chịt trên cột điện. Và đằng sau những “mạng nhện” này cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt...

Hàng trăm dây cáp trên một cột điện và mỗi ngày một nhiều hơn. Đó là hình ảnh có thể gặp bất kỳ nơi đâu ở TP.HCM hay Hà Nội. “Lưới nhện” dày đặc này không những gây mất mỹ quan mà còn gây ra nhiều tai nạn.

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết hiện trên toàn quốc có gần 1 triệu cột điện có treo cáp thông tin (khoảng 30% là cáp hỏng, cáp vô chủ), đồng thời cho rằng trên các cột điện của mình phải “cõng” dây cáp của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông đang hoạt động trên thị trường.

TP.HCM: đâu có cột điện nơi đó có “mạng nhện” 

Từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) hướng về trung tâm các quận 1, 3… đâu đâu cũng thấy hình ảnh cáp viễn thông mắc chằng chịt trên các tuyến đường. Dọc hai bên đường Trường Sơn dẫn vào sân bay - nơi thường xuyên có du khách quốc tế qua lại - đoạn từ đường Hồng Hà ngược về công viên Hoàng Văn Thụ chi chít cáp viễn thông treo trên cột điện không theo thứ tự và cũng không được bó gọn, có nơi cáp viễn thông võng xuống chỉ cách mặt đất hơn 1m như trước Trung tâm mua sắm Sài Gòn Super Bowl.

Anh Tô Thanh Dũng, nhân viên bảo vệ ở đây, nói: “Cáp võng xuống thấp như vậy đã có từ trước năm 2008 đến nay nhưng chẳng thấy ai quan tâm. Tôi cũng không biết đơn vị nào quản lý để gọi họ thu gọn lại”.

Dọc các tuyến đường thông với đường Trường Sơn, tình trạng “nhện giăng tơ” còn dữ dội hơn. Như đường Tiền Giang (P.2, Q.Tân Bình), hàng trăm sợi cáp viễn thông lớn nhỏ nằm uốn lượn trên các trụ điện. Tại các ngã ba, ngã tư, những bó cáp viễn thông băng ngang dọc trên trụ điện. Trước nhà số 4 Tiền Giang, bó cáp thòng xuống gần tới đầu người, có sợi bị đứt được cuốn lại thành những khoanh tròn nhỏ.

Anh Huỳnh Văn Nhường, một người dân gần đó, bức xúc: “Đã nhiều lần tôi dùng dây buộc bó dây cáp gọn hơn nhưng cứ vài ngày có người tới kéo mắc thêm dây cáp. Lâu ngày bó dây cáp nặng, chùng xuống, có dây bị đứt lòng thòng, người dân phải quấn lại”.

Khi mở rộng đường Trường Chinh, các đơn vị liên quan đã tính toán ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông. Tuyến đường này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ba năm qua nhưng vẫn không xóa được tình trạng “nhện giăng tơ”. Trước đó, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án nâng cấp và mở rộng đường Trường Chinh) cho biết đã yêu cầu các đơn vị viễn thông ngầm hóa. Tuy nhiên các đơn vị này đề nghị cho di dời tạm, treo đỡ dây cáp lên các trụ bêtông nhưng để luôn đến nay.

Hà Nội: treo cả lên cây xanh

Phố cổ Hà Nội, những con đường chạy quanh hồ Hoàn Kiếm, khu buôn bán sầm uất và tập trung du khách nước ngoài cũng là nơi dây cáp giăng đầy trời. Từ phố Tràng Thi chạy sang phố Hàng Khay chằng chịt dây treo lơ lửng trên cột, vắt vẻo qua các cành cây xà cừ, cây sấu. Còn dọc phố Lương Văn Can, từng búi cáp vắt vẻo trên bancông, đu sát xuống vỉa hè dành cho người đi bộ. Từ Hàng Ngang qua Hàng Đào, không còn hệ thống cột điện (đã được ngầm hóa) thì hệ thống dây cáp tìm cách đeo bám “cộng sinh” lên các cột đèn chiếu sáng. Ngay đầu phố Hàng Đào, một cột đèn yếu ớt phải oằn mình gánh búi dây cáp nặng trịch là giao điểm đến từ bốn hướng.

Ông Trần Ngọc Minh, nhà ở phố Lương Văn Can, than mấy năm nay cả nhà ông không ai dám ra bancông hóng mát hay phơi đồ vì sợ điện giật. Ông Minh nói hệ thống dây cáp chạy dọc phố này như những cái thòng lọng bẫy người đi đường. Ông Minh kể từng có một ông Tây cao lêu nghêu mải mê nhìn ngắm phố phường đã vướng cổ vào sợi dây cáp, sự cố này khiến vị du khách hết hồn. 

Ảnh
“Mạng nhện” chằng chịt ở một cột điện tại ngã tư Huỳnh Văn Bánh - Trần Huy Liệu (TP.HCM) - Ảnh: QUANG KHẢI.

Dây cáp nhiều hơn dây điện

Theo báo cáo của EVN, trong năm 2008 số tiền thu được từ việc cho thuê treo cáp khoảng 81 tỉ đồng. EVN còn cho biết các đơn vị sử dụng nhiều cột điện là Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Viettel, FPT, SPT, Hanoi Telecom, các đơn vị kinh doanh truyền hình cáp... Ông Nguyễn Thanh Lâm, trưởng ban viễn thông & công nghệ thông tin của EVN, khẳng định hiện số lượng cáp thông tin nhiều hơn hẳn cáp điện, trong khi đó mục đích của hệ thống cột điện là để truyền tải điện chứ không phải truyền cáp. “Có doanh nghiệp ký hợp đồng với ngành điện để treo 1-2 sợi cáp, nhưng thực tế trên cột xuất hiện đến hàng chục dây cáp. Cáp họ treo trong 5-10 phút là xong, nên nhiều khi được thực hiện theo kiểu du kích, kể cả treo cáp vào ban đêm” - ông Lâm nói trong cuộc họp báo gần đây.

Tháng 9-2008, EVN phát văn bản yêu cầu các công ty thành viên tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các loại cáp thông tin treo trên cột điện. Bà Minh Huệ, phó trưởng phòng thi đua tuyên truyền Điện lực Hà Nội, cho rằng việc thống kê này gặp rất nhiều khó khăn, lý do đơn giản là cáp thông tin giăng mắc tứ tung trên các cột điện. “Bản thân nhân viên ngành điện đi kiểm tra đường dây cũng rất vất vả, không thể phân biệt đâu là dây điện, đâu là cáp thông tin, càng không thể phân biệt được cáp của doanh nghiệp nào” - bà Huệ nói.

Theo phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, quá trình thí điểm hạ ngầm hệ thống cáp tại năm tuyến trên địa bàn TP này cho thấy có quá nhiều loại dây dẫn được treo mắc thành từng búi lớn nhưng không có chủ quản lý. “Nhiều dây tồn tại 20-30 năm nhưng thông báo tới vài lần vẫn không có đơn vị nào nhận. Có tuyến phố phải đem mấy ôtô đến chở cáp thông tin bị cắt nhưng cũng không có đơn vị nào lên tiếng” - ông Dục nói. Bà Huệ bổ sung: “Nhiều tuyến phố Điện lực Hà Nội đã hạ ngầm (không cần dùng đến cột điện) như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngọc Hà, Cửa Nam… nhưng vẫn không dỡ bỏ được cột điện vì vướng hệ thống dây cáp treo trên đó. Với những tuyến phố ngành điện kiên quyết dỡ cột thì các doanh nghiệp viễn thông lại treo dây trên mái nhà hoặc cành cây”. 

Kéo cáp chui 

Ảnh
“Mạng nhện” giăng trên đường Tiền Giang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Q.Khải.

Anh P. - nhân viên của một công ty điện thoại - cho biết do nhu cầu của khách hàng phát triển nhanh nhưng quá trình xin thủ tục để được kéo cáp mất thời gian nên có nhiều lúc phải kéo cáp chui. Anh P. kể: “Có lần kéo cáp bên khu vực P.2, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bị công an phường bắt vì chưa có giấy phép và phạt hết mấy triệu đồng. Cuối cùng phải đi kéo lén mấy trăm mét dây vào ngày tết tây”.

Một khách hàng cho biết quá trình lắp Internet Viettel của mình như sau: “Sau khi ký hợp đồng, chỉ hai ngày sau đã có người tới kéo cáp. Nhà tôi trong một con hẻm trên đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh. Sau khi khảo sát, nhân viên Viettel leo lên cột điện cách con hẻm khoảng vài chục mét và kéo dây máng vào những cột điện. Kéo cáp vậy có phải xin phép không? Nhân viên Viettel cho biết việc kéo cáp lẻ như vậy không cần phải xin phép ai cả”.

(theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (0)