Ngoài kinh phí đầu tư cao, những thủ tục nhiêu khê cũng góp phần lý giải tại sao công việc ngầm hóa các loại cáp viễn thông gặp phải trở ngại như hiện nay. 

Đó là tình cảnh của một doanh nghiệp viễn thông khi hạ ngầm cáp ở một quận vùng ven TP.HCM. Khi nộp hồ sơ doanh nghiệp này còn phải tự đi lấy ý kiến của bảy ngành khác nhau như giao thông, cây xanh, điện…

Tại một hội nghị về phát triển hạ tầng viễn thông được tổ chức vừa qua ở Bộ Thông tin và truyền thông, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến mạng cáp rối rắm thời gian qua không chỉ nằm ở năng lực tài chính của doanh nghiệp (DN), mà còn có vấn đề trong khâu quản lý nhà nước. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông (DNVT) kêu rằng “cả hai thứ trên đều khó”.

Ít vốn nhưng nhiều “cửa”

Ông Trương Hoài Trang, phó tổng giám đốc FPT Telecom, cho biết về năng lực tài chính, nếu đầu tư để xây dựng một hệ thống cống bể sử dụng cho 50 năm của một DNVT hoặc của tất cả DN cộng lại chắc chắn phải là con số khổng lồ. Việc xin giấy phép cũng gặp muôn vàn khó khăn vì qua rất nhiều “cửa”. Kết hợp cả hai điều này thì vấn đề chỉ được giải quyết khi có can thiệp của Chính phủ. Theo ông Trang, để được phép thiết lập hạ tầng viễn thông DN phải có vốn chi phối của Nhà nước, còn để xây dựng được hạ tầng ngầm dùng chung cho cả điện lực, cấp thoát nước, viễn thông đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của rất nhiều bộ, ngành và UBND các tỉnh thành.

Theo ông Lê Quang Triệu (phó tổng giám đốc SPT), thông thường khi triển khai mạng hạ tầng các DNVT có hai lựa chọn: hoặc kéo dây (trên cột điện) hoặc ngầm hóa. SPT cũng như nhiều DNVT khác chưa đủ điều kiện để triển khai ngầm hóa toàn bộ nên phải mượn hệ thống cột điện lực để treo.

Ông Triệu nói: “Nhưng thuê treo thì vấn đề gì xảy ra? Quy định của ngành điện lực về an toàn buộc chúng tôi phải hạ cáp xuống, còn theo quy định của ngành giao thông thì chúng tôi phải nâng cáp lên. Trong điều kiện như vậy, các DNVT có treo cáp trên cột điện đều vi phạm là điều dễ hiểu”.

Ông Triệu cho biết thêm ở TP.HCM, muốn ngầm hóa tuyến cáp chính trên một đường nào đó phải xin phép Sở Giao thông vận tải, mỗi lần xin sở này chỉ cấp phép cho hồ sơ dự toán được duyệt là 300m. Khi hoàn thành toàn bộ thủ tục từ thi công, quyết toán, nghiệm thu 300m đó, DNVT mới được xin hồ sơ cho 300m kế tiếp.

Ông Triệu kể: “Chúng tôi hạ ngầm tuyến cáp chính ở một con đường thuộc quận ven TP chứ không phải trung tâm, có 2km mà làm gần ba năm mới xong thủ tục. Khi chúng tôi nộp hồ sơ còn phải tự đi lấy ý kiến của bảy ngành khác nhau như giao thông, vỉa hè, cây xanh, điện, thoát nước... Có khi gần một năm lấy ý kiến không xong bởi ngành nào thích thì họ cho ý kiến, không thì thôi”.

Theo ông Lê Quang Triệu, hiện nay ở các quận trung tâm Hà Nội và TP.HCM đã quy định cấm đào đường vì bất cứ lý do gì. Dù SPT đã có thỏa thuận nguyên tắc từ cuối năm 2006 với Bưu điện TP.HCM về hợp tác chia sẻ dùng chung hạ tầng, nhưng mới đây khi SPT xin thuê lại hệ thống cống ngầm ở các quận trung tâm thì Bưu điện thành phố trả lời là không sẵn sàng cho thuê. “Như vậy chúng tôi muốn thuê không được, đào không được, treo cũng không được” - ông Triệu bức xúc. 

Ảnh
Cáp viễn thông giăng mắc trên trụ điện như mạng nhện, nhưng một đơn vị viễn thông vẫn tiếp tục kéo dây mới, treo mắc thêm (ảnh chụp trên đường Phan Đình Phùng, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM sáng 21-5) - Ảnh: N.C.T.

Chưa sử dụng chung hạ tầng

Theo một lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông, cũng như tìm hiểu từ các DNVT, việc sử dụng chung hạ tầng giữa các DNVT hiện hầu như chưa có. Một phần do quan niệm cạnh tranh chưa thật sự cởi mở, phần khác cũng do tốc độ phát triển của các DNVT quá nhanh so với tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng nên các DNVT không chia sẻ được nhiều cho nhau. Bên cạnh đó có một số DN đã đầu tư cáp quang song chỉ sử dụng một phần nhỏ dung lượng, xét trên góc độ tài nguyên quốc gia thì đây là điều hết sức lãng phí.

Đối với ý kiến cho rằng định hướng sử dụng chung và chia sẻ cơ sở hạ tầng khó khả thi vì thực tế mỗi doanh nghiệp thường sử dụng công nghệ và có kế hoạch phát triển kinh doanh khác nhau, ông Trương Hoài Trang có ý kiến ngược lại: “Nói về công nghệ khác nhau chủ yếu trên phần thiết bị, các phần sử dụng chung như cột ăngten, cống bể, cột kéo, cáp quang, cáp đồng thì chẳng khác nhau mấy, phần này hoàn toàn có thể dùng chung được…

Hiện chúng ta có tám DNVT và nếu mỗi DN tự xây cho mình một hệ thống hạ tầng thì chắc rằng suốt ngày các DN này chỉ lo việc xin cấp phép đào đường, xây cột... Việc này tốn kém và mất thời gian hơn nhiều nếu sử dụng chung”.

“Xí phần” phát triển hạ tầng viễn thông

Khi được hỏi phải chăng đang có chuyện “xí phần” phát triển hạ tầng viễn thông vào các khu công nghiệp, khu đô thị mới và đây cũng là một cách làm đi ngược lại chủ trương sử dụng chung hạ tầng viễn thông, ông Trương Hoài Trang cho rằng: “Đúng là hiện nay các khu công nghệ, khu đô thị mới đang có trào lưu mời các DNVT tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông với cam kết cho phép DN đó được sử dụng lâu dài và được độc quyền. Chính sách này nghe qua tưởng cởi mở song người tiêu dùng sẽ lãnh đủ vì không có lựa chọn nào khác ngoài DNVT đã cung cấp hạ tầng (dù chất lượng và giá cả ra sao)...

Nếu các nhà cung cấp khác muốn vào sẽ phải trả một khoản phí đủ để làm nản lòng họ mà khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là một điển hình. Chẳng có cơ quan nào đứng ra phân xử và kết luận vấn đề này, sắp tới việc định hướng dùng chung hạ tầng cũng sẽ gặp khó khăn vì tình trạng đó”.

Dễ dàng nhận thấy chỉ các DNVT đang cạnh tranh nhau nên phải chấp nhận chuyện đầu tư “vốn nằm” kiểu này, còn các DN hạ tầng khác như điện, nước do chưa có cạnh tranh nên các chủ đầu tư vẫn ung dung “đào đường” xông vào kể cả khi các khu này đã xây dựng xong.

Theo ông Trương Hoài Trang: “Giải pháp ở đây cần được nhìn từ góc độ lợi ích người dùng để họ được tự do lựa chọn dịch vụ và nhà cung cấp họ ưa thích. Cần có quy định các khu công nghiệp, khu đô thị, tòa nhà cao tầng phải có hệ thống hạ tầng đầy đủ cho cả điện, nước, viễn thông, ăngten với dự kiến sử dụng cho vài chục năm sau để dùng chung cho tất cả các DN”.

Không riêng đại diện của FPT Telecom mà lãnh đạo nhiều DNVT khác cũng nhìn nhận khi nào chưa có hạ tầng dùng chung thì các DN sẽ phải tự “bơi” để tồn tại và phát triển. Trong khi đó hệ thống cột điện của EVN có ở hầu hết các đường phố và khu dân cư. “Đây là lý do chính để DNVT phụ thuộc nhiều vào hệ thống cột của EVN, EVN tăng giá thuê lên tới tám lần thì thử hỏi các DNVT có cách gì khác thay thế, hạ xuống cống bể thì gặp áp lực giá còn cao hơn”- ông Trang cho biết.

Bốn ngày mới xử lý xong cáp trên một cột điện

Ngày 14-5, đến tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM), tình trạng “nhện giăng tơ” đã cải thiện hơn so với trước. Đoạn từ Phan Đăng Lưu đến gần siêu thị Co.op Mart, cáp viễn thông đã gọn gàng hơn. Trên các cột điện hiện chỉ còn lại khoảng vài chục sợi cáp lớn (được đưa vào giá đỡ) so với hàng trăm sợi nhùng nhằng như trước đó. Theo ông Hoàng Đình Ấn, trưởng phòng kỹ thuật Điện lực Gia Định, trước đó “đã tiến hành cắt 60-70% cáp viễn thông vô chủ (không gắn thẻ ngành) với hơn 100 sợi cáp lớn nhỏ”. Cũng theo ông Ấn, do có quá nhiều loại dây cáp nên việc thu gọn dây thông tin trên đường Đinh Tiên Hoàng dài hơn 1km đến ngày 30-5 mới hoàn tất. Chỉ riêng trụ điện trước nhà 172 Đinh Tiên Hoàng các nhân viên Điện lực Gia Định phải xử lý cắt cáp, bó gọn trong bốn ngày mới hoàn tất.

(theo Tuổi trẻ online) 



Bình luận

  • TTCN (0)