Ông Trần Đức Lai - Ảnh: K.H.

Trước tình trạng hỗn loạn cáp viễn thông được Tuổi Trẻ phản ánh trong các số báo vừa qua, trao đổi với PV Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trần Đức Lai cho biết Bộ khuyến khích các doanh nghiệp hoàn thành càng nhanh càng tốt, hi vọng có thể trong 3-5 năm tới sẽ “sạch” cáp trên các tuyến phố.

Ông nói:

- Thời gian qua, do nhu cầu phát triển mạnh của các loại hình dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp nên các doanh nghiệp (DN) viễn thông đầu tư triển khai nhiều hệ thống dây cáp không có quy hoạch trên nhiều tuyến đường, tuyến phố, khu công nghiệp, khu đô thị. Không chỉ viễn thông mà truyền hình cáp cũng kéo nhiều hệ thống dây nhợ lằng nhằng trên đường phố. Đến nay, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có hệ thống dây cáp lộn xộn nhất.

Thưa ông, chủ trương của bộ trong việc thúc đẩy ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình là gì?

- Từ khi chưa thành lập Bộ Thông tin - truyền thông, khi cơ quan quản lý nhà nước còn là Tổng cục Bưu điện và lúc đó DN kinh doanh viễn thông chỉ có VNPT, vấn đề ngầm hóa mạng cáp viễn thông đã được đặt ra. Khi đó Tổng cục Bưu điện đã chỉ đạo VNPT phối hợp với các địa phương khi tiến hành kéo cáp để làm sao hạn chế tối đa các loại dây trên đường phố nhằm đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Trước năm 1990, một số tỉnh thành đã thực hiện tốt việc này, tiêu biểu nhất là TP Huế. Hồi đó Tổng cục Bưu điện đã xin được một dự án viện trợ để ngầm hóa mạng dây cáp tại TP Huế, đến giờ đây vẫn là nơi tiêu biểu của cả nước về ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông. Sau đó tổng cục cũng phát động để thực hiện tại một số tỉnh, nhưng do sự phát triển của dịch vụ quá nhanh nên vấn đề ngầm hóa không được thực hiện tốt.

Mấy năm gần đây, Bộ Thông tin - truyền thông đã yêu cầu các DN khi phát triển thì một mặt vẫn tiếp tục duy trì tốc độ phát triển nhanh, một mặt phải đảm bảo mỹ quan đô thị, phải ngầm hóa hệ thống cáp. Nhưng cũng phải thừa nhận do sự phát triển quá nhanh của ngành viễn thông cùng với sự chỉ đạo chưa thật kiên quyết của bộ nên các DN vẫn kéo dây trên đường. Năm ngoái và năm nay bộ đều có chỉ thị và quyết liệt phối hợp với các tỉnh để khắc phục cho bằng được tình trạng này.

Cụ thể, bộ đã phổ biến cho tất cả các sở và DN chủ trương ngầm hóa hệ thống cáp. Vừa rồi, lãnh đạo bộ lần lượt đi một số tỉnh kêu gọi ủng hộ chủ trương này. Hiện bộ đang chỉ đạo làm điểm ở Bắc Ninh, lãnh đạo tỉnh này cũng rất ủng hộ. Vừa rồi bộ cũng làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội để triển khai trên một số tuyến phố chính phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Riêng TP.HCM sẽ làm kết hợp với các dự án cải tạo đường sá trên địa bàn TP.

Ảnh
Thu dọn, tóm gọn cáp viễn thông trên đường Trương Định, Q.3, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Chủ trương như vậy nhưng liệu các DN có mặn mà không khi việc ngầm hóa hệ thống cáp sẽ tốn kém?

- Đúng là DN sẽ phải bổ sung thêm vốn đầu tư nhưng không lớn lắm. Thật ra thời gian qua ý thức của DN về vấn đề ngầm hóa cáp chưa tốt. Chúng tôi đều có chỉ đạo, nhắc nhở nhưng các DN vẫn cho rằng chưa ảnh hưởng gì lớn. Trong khi đó, việc chế tài cũng khó vì trong quy định quản lý viễn thông chỉ khuyến khích DN ngầm hóa.

Tôi cho rằng cái DN ngại là quy trình, thủ tục thực hiện ngầm hóa vì liên quan đến chuyện đào đường sá. Chẳng hạn, nếu đào đường chôn cáp trên các tuyến đường liên tỉnh thì liên quan đến nhiều cơ quan, thủ tục phức tạp. Chính vì thế bộ đã làm việc với các tỉnh để ký thông tư liên tịch với Bộ Giao thông - vận tải, tạo điều kiện cho các DN thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông. Ngoài ra, bộ đã thống nhất với các DN đối với những khu vực đang có sự hỗn loạn cáp thì cố gắng cải tạo, còn những khu vực xây mới như các khu đô thị thì kiên quyết phải ngầm hóa.

Làm thế nào để khi các DN triển khai ngầm hóa sẽ không ảnh hưởng đến giao thông do phải đào nhiều tuyến đường, tuyến phố?

- Chúng tôi thống nhất với các tỉnh là sẽ làm theo lộ trình chứ không làm ào ào cùng một lúc. Những khu phố cũ nếu hệ thống cáp hiện tại chưa ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị thì có thể làm từ từ, còn những khu mới thì phải làm ngay, làm đồng bộ với hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước... Bộ cũng khuyến khích các DN dùng chung cơ sở hạ tầng, ví dụ dùng chung cống cáp, DN nào làm sau thì thuê của DN làm trước, tránh tình trạng mỗi DN đào một cái. Phương án đó tiết kiệm vốn đầu tư cho DN rất nhiều.

Tất nhiên trong bối cảnh cạnh tranh, trong bối cảnh DN nào cũng thích có hạ tầng riêng của mình thì có thể nảy sinh những vướng mắc. Ai cũng nhận thức rằng cần sử dụng hệ thống cống ngầm chung để vừa đẹp cho thành phố, an toàn cho mạng lưới, tiết kiệm cho đầu tư nhưng đi vào cụ thể thì có chuyện. Chính vì thế chúng tôi đã nhiều lần họp với các DN yêu cầu phải phối hợp với nhau và các DN cũng quyết tâm như chủ trương của bộ.

Liệu có tình trạng DN tăng giá cước dịch vụ do phải đầu tư thêm vốn ngầm hóa các tuyến cáp?

- Chuyện này các DN phải tính toán. Tôi cho rằng trong cơ chế cạnh tranh, DN có thích nâng giá cũng không dám nâng mà ngược lại sẽ có xu hướng giảm giá.

Theo ông, đến khi nào sẽ hết cảnh hỗn loạn cáp viễn thông như hiện nay?

- Bộ đặt quyết tâm cố gắng chỉ đạo các DN hoàn thành sớm việc ngầm hóa các tuyến cáp nhưng không ấn định thời gian hoàn thành vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các DN hoàn thành càng nhanh càng tốt, hi vọng có thể trong 3-5 năm tới sẽ “sạch” cáp trên các tuyến phố. 

Thực hiện ngầm hóa ở một số tuyến đường

Từ năm 2001, Viễn thông TP.HCM (tên cũ là Bưu điện TP.HCM) đã bắt đầu thực hiện ngầm hóa cáp viễn thông. Đến nay một số tuyến đường đã được đơn vị này cáp ngầm như: Lê Duẩn, Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Công Xã Paris.

Ông Trần Văn Thanh, phó trưởng phòng viễn thông thuộc Viễn thông TP, cho biết viễn thông TP hoàn toàn ủng hộ chủ trương ngầm hóa cáp viễn thông. Thế nhưng vấn đề lo ngại hiện nay là ở TP.HCM có quá nhiều tuyến đường không còn chỗ cho hào kỹ thuật (do lề đường hẹp, nhiều công trình ngầm khác...), các quy định yêu cầu các đơn vị viễn thông phải ngầm hóa khi có hào kỹ thuật và giá cả thuê hào kỹ thuật cũng chưa có.

Ông Thanh đề nghị để tránh tình trạng mỗi đơn vị viễn thông ngầm hóa theo mỗi kiểu thì các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Bộ Xây dựng, cần ban hành tiêu chuẩn của hào kỹ thuật để triển khai trên các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là những khu vực quy hoạch, khu vực mới phát triển.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Sùng, giám đốc Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội), chủ đầu tư của năm dự án thí điểm hạ ngầm đường dây nổi tại nội thành đang được thực hiện, cho biết: hiện 3/5 dự án thí điểm hạ ngầm đường dây nổi đã được hoàn thành sau 1 năm triển khai.

Cụ thể đã hoàn thành hạ ngầm 100% đường dây nổi tại đường Thanh Niên, Đinh Tiên Hoàng (quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm), riêng tuyến đường Hai Bà Trưng đã hoàn thành gần 90% khối lượng công việc. Còn hai dự án hạ ngầm tại các phố Kim Mã - Nguyễn Thái Học và Văn Cao - Liễu Giai - Trần Duy Hưng sẽ được triển khai trong năm 2009 và hoàn thành vào năm 2010.

(theo Tuổi trẻ online) 



Bình luận

  • TTCN (0)