Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN VN): "Ứng dụng CNTT trong ngành ngân hàng vẫn còn thiếu đồng bộ và chưa đồng đều". Ảnh: VH.

Khủng hoảng kinh tế đã và đang tác động tới mọi lĩnh vực ngành nghề buộc các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy để vận hành và cung cấp sản phẩm, dịch vụ một cách hiệu quả hơn. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trong nước đã phải tìm đến sự trợ giúp của công nghệ thông tin để đổi mới chính mình nhằm mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho khách hàng.

CNTT là bài toán khó

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN VN), tuy tỉ lệ ứng dụng CNTT trong ngành ngân hàng đã cải thiện rõ rệt trong thời gian qua nhưng nói chung vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết. Phát biểu tại lễ khai Banking 2009 tại Hà Nội sáng 28/5, ông Hùng cho biết việc triển khai CNTT đã và đang được đẩy mạnh trong ngành ngân hàng, nhưng không phải ngân hàng nào cũng đủ quyết tâm và tiềm lực để thực hiện việc này, nhất là các ngân hàng nhỏ.

Ông Hùng cũng thừa nhận việc ứng dụng CNTT trong ngân hàng còn không đồng đều, chỉ những ngân hàng lớn mới đủ mạnh để thực hiện việc này. Ngoài ra, nguồn lực CNTT còn cho đáp ứng được các yêu cầu đề ra, nhất là trong bối cảnh ngân hàng Việt Nam buộc phải hiện đại hóa để hội nhập với thế giới. Với những hệ thống CNTT trong ngân hàng hiện nay, ông Hùng cho rằng chúng còn thiếu liên kết và không đồng bộ.

Vẫn biết việc triển khai CNTT trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần thời gian, quyết tâm và một số tiền đầu tư không nhỏ, nhưng việc chậm ứng dụng công nghệ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ của các ngân hàng. Hiện tại, các ứng dụng CNTT cho ngân hàng thường có mức chi phí đầu tư rất cao và ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong khi đó chính sách hướng dẫn cho lĩnh vực này còn thiếu, kể cả từ các cơ quan quản lý và bản thân các ngân hàng.

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố, số nhân viên sử dụng công cụ máy tính để làm việc tại ngân hàng này là 89%. Trong số này có 76% sử dụng dịch vụ thư điện tử để giao dịch và trao đổi công việc. Hệ thống hiện tại của NHNN được thiết kế xử lý 2 triệu giao dịch mỗi ngày, có khả năng xử lý mỗi giao dịch chỉ trong vòng 10 giây (quyết toán trong ngày).

Đầu tư cho CNTT vẫn là mũi nhọn

Suy thoái kinh tế khiến cho các khoản đầu tư hạ tầng bị cắt giảm, và ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi thực trạng này. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc đầu tư cho CNTT vẫn được coi là mũi nhọn, là giải pháp cần thực hiện để đổi mới ngành ngân hàng. Đứng trước yêu cầu hội nhập WTO, các ngân hàng trong nước đang chuẩn bị cho một dự án liên kết quy mô lớn giữa các ngân hàng thành phần nhằm tạo ra các giá trị mới cho lĩnh vực này.

Tháng 5/2008, các ngân hàng trong nước đã đạt được thỏa thuận kết nối hai hệ thống thanh toán thẻ ATM BankNet và ATM SmartLink. Đây là mốc thay đổi quan trọng đối với thị trường thẻ ATM nói chung, đánh dấu việc ứng dụng CNTT theo chiều sâu trong ngành ngân hàng. Sự hợp nhất này ngoài việc tạo thêm nhiều giá trị thặng dư cho ngân hàng, nó còn đem lại nhiều tiện ích thiết thực hơn cho người sử dụng.

Trong khuôn khổ chiến lược phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2006-2010 của Chính phủ Việt Nam, tháng 2/2009, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố hoàn thành hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong dự án Hiện đại hóa ngân hàng giai đoạn 1, khai trương giai đoạn 2. Hệ thống này sẽ giúp thay đổi căn bản phương thức thanh toán của ngân hàng, tổ chức tín dụng và cá nhân hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của người dùng.

Ảnh
Vietcombank giới thiệu dịch vụ Ngân hàng điện tử - VCB-iB@nking. Ảnh: VH.

Cũng theo NHNN, cho tới nay đã có 25/49 tổ chức tín dụng trong nước có dịch vụ Internet Banking, Home Banking, SMS Banking, Mobile Banking và Ví điện tử. Bản thân Ngân hàng Vietcombank cũng đang ráo riết triển khai dịch vụ Ngân hàng điện tử - VCB-iB@nking. Dịch vụ này cung cấp cung cấp các dịch vụ thanh toán và truy vấn online cho các khách hàng tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế có quan hệ thanh toán và tài khoản với Vietcombank. Theo một đại diện của Vietcombank, hiện VCB-iB@nking mới chỉ được cung cấp trong nội bộ ngân hàng này; và sẽ được mở rộng và liên kết với các ngân hàng khác trong tương lai.

Banking Vietnam 2009

“Hội thảo & Triển lãm về ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin trong hoạt động Ngân hàng năm 2009 tại Hà Nội - Banking Vietnam 2009” diễn ra trong 2 ngày (28, 29/5/2009) tại khách sạn Melia, 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Việt Nam. Chủ đề của Banking 2009 là: “Công nghệ Ngân hàng hiện đại với sự phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.

Có 3 chủ đề chính và mang tính thời sự được đề cập tới trong cuộc hội thảo năm nay, đó là: Cở sở hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng; An toàn, bảo mật công nghệ ngân hàng trong thời kỳ khó khăn hiện nay; và Đầu tư cho công nghệ nhằm hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng, thanh toán ngân hàng. Đây là những mối quan tâm lớn nhất của toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm tăng cường tính liên kết toàn hệ thống, hiện đại hóa dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hẹp khoảng cách với các ngân hàng quốc tế.

Cũng liên quan tới việc đổi mới ngành ngân hàng, Financial Insights (IDC) dự báo rằng tăng cường đầu tư cho công nghệ nhằm phát triển những dịch vụ ngân hàng mới, hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí vận hành vẫn sẽ là một xu hướng nổi bật trong năm 2009. Theo đó, 10 xu hướng phát triển chiến lược của ngành ngân hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2009 sẽ là:

+ Quản lý Rủi ro và Đảm bảo Tính tuân thủ

+ Xây dựng Kiến trúc Kinh doanh lấy Khách hàng làm trọng tâm

+ Thúc đẩy các phương tiện Thanh toán hiện đại

+ Thu hút tiền gửi ngân hàng

+ Phát triển dịch vụ trên nền Ngân hàng lõi

+ Dịch vụ thuê ngoài

+ Quản lý Tiền mặt và Thanh khoản

+ An toàn Bảo mật và Tích hợp Hệ thống Thông tin

+ Dịch vụ Tài chính trên nền tảng Di động

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)