Rachel được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú từ năm 2003. Sau khi phẫu thuật và bước vào giai đoạn xạ trị, chị đã lên mạng để tìm kiếm thông tin và để trốn tránh thực tại.

Nhưng những gì mà Rachel tìm thấy không chỉ bó hẹp trong các cứ liệu khoa học về căn bệnh. "Có cả một cộng đồng những người phụ nữ như tôi, đã từng trải qua cảnh ngộ này và thực sự thấu hiểu tôi. Đây thực sự là một sự cứu rỗi và liều thuốc tiên cho tinh thần suy sụp của tôi lúc ấy", chị nhớ lại.

Sáu năm sau, Rachel giờ đã là một thành viên tích cực của trang web y khoa WebMD. Mỗi ngày, chị không thể không vào đọc trang tới vài lần. Rachel cũng là tác giả của hàng ngàn bài post về thuốc, những trải nghiệm cá nhân, kinh nghiệm điều trị hoặc đơn giản chỉ là những tin nhắn riêng, tán gẫu với các thành viên khác.

Và theo nghiên cứu mới nhất của Pew Project, Rachel chỉ là một trong số 61% số người trưởng thành đã từng lên mạng để tìm kiếm lời khuyên và thông tin về bệnh tật của mình tại Mỹ.

Càng ngày càng có nhiều người Mỹ tham khảo các diễn đàn và ý kiến cá nhân về những vấn đề liên quan đến y học. Họ muốn kiểm tra xem các bệnh nhân khác đánh giá, khen chê thế nào về vị bác sĩ mà mình sắp đến khám, hoặc đón nghe các chương trình podcast có liên quan đến sức khỏe.

Bệnh nhân điện tử là một nhóm nhỏ hơn, chỉ chiếm khoảng 20% trong số này. Họ thường xuyên post các bài bình luận, đánh giá trên các diễn đàn, bảng tin và blog.

"Chúng tôi bắt đầu ghi nhận hiện tượng các bệnh nhân điện tử sử dụng tính năng tương tác một cách tích cực. Họ không chỉ tìm kiếm thông tin thỏa mãn nhu cầu của mình, mà còn có những ý kiến, đóng góp riêng cho cộng đồng và những người đi sau", bà Susannah Fox, Phó giám đốc Pew Research cho biết.

Nếu như vào năm 2000, chỉ mới có 25% người dân Mỹ trưởng thành tìm kiếm thông tin sức khỏe trên mạng, thì đến nay con số này đã tăng hơn gấp đôi. Đại bộ phận đều cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn với những gì mà họ tìm thấy. Chỉ có một thiểu số (khoảng 3%) cho biết họ, hoặc những người họ quen, đã từng bị tổn hại vì các lời khuyên trên mạng Internet.

Hiện tượng tự nhiên

Việc người dùng chuyển sang tìm kiếm thông tin sức khỏe qua mạng là một hiện tượng hết sức tự nhiên, bởi vì bản thân địa hạt y khoa cũng đang được số hóa. Các bệnh viện và công ty bảo hiểm phấn đấu gạt bỏ hết giấy tờ để sử dụng bệnh án điện tử 100%. Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã ký quyết định rót 19 tỷ USD cho các bệnh viện cải thiện hạ tầng công nghệ.

Cũng theo Pew Research, việc số hóa thông tin sức khỏe đang gắn bó rất mật thiết với các mạng xã hội ảo. "Internet thời kỳ đầu cung cấp cho các bệnh nhân điện tử một số công cụ để nghiên cứu. Nhưng ngày nay, Internet, di động và mạng xã hội ảo còn cho phép họ vừa kết nối, vừa trò chuyện với nhau".

Những cuộc trò chuyện có thể diễn ra giữa các bệnh nhân, hoặc giữa bệnh nhân với bác sĩ, dược sĩ và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế khác.

Mặc dù vậy, Internet hiện vẫn chỉ đứng thứ ba trong danh sách các nguồn thông tin trợ giúp mà người bệnh tìm đến đầu tiên. Theo như báo cáo của Pew, người Mỹ vẫn gõ cửa bác sĩ trước hết, sau đó là tham vấn người thân/gia đình.

"Họ coi Internet là một nguồn bổ trợ cho các kênh thông tin truyền thống. Sử dụng blog, podcast và các tài nguyên mạng khác sẽ giúp họ hiểu sâu hơn về bệnh tình, cũng như đưa ra các câu hỏi xác đáng hơn cho bác sĩ, chuyên gia".

Về cơ bản, đó cũng là lý do vì sao Rachel lại bị thu hút vào cộng đồng trực tuyến của webMD đến thế. "Những con người ấy đã chìa tay ra cho những lính mới như tôi. Tất cả họ là một bờ vai để chúng tôi nương tựa, khóc và chia sẻ. Họ không chỉ cung cấp thông tin như những cái máy, mà còn biết quan tâm, lắng nghe... chính điều đó đã khiến tôi không thể không quay lại".

(Theo Vietnamnet/CNET)



Bình luận

  • TTCN (0)