Danh sách một số thành viên nhóm Việt hóa Facebook

Chưa hề có mặt chính thức tại VN nhưng mạng xã hội Facebook đang tạo ra một cơn sóng thần phủ lên các mạng xã hội khác khi lượng thành viên vượt qua con số 300.000 trong một thời gian ngắn ngủi. Một phần lý do thành công này đến từ cộng đồng người dùng.

Họ là những người quyết định bắt tay vào Việt hóa Facebook một cách tự nguyện, nhiệt thành, không có thù lao chỉ vì muốn có một không gian ảo thích hợp cho người Việt trên mạng sau cuộc tan rã của blog 360.

Đỗ Quang Tú, chàng trai 25 tuổi ở Đà Nẵng, nói về việc tham gia Việt hóa Facebook của mình một cách giản đơn: “Khoảng hai năm trước, Facebook đã thử nghiệm ứng dụng dịch thuật để bản địa hóa Facebook. Ở VN chưa có đội ngũ chính thức của Facebook, do đó công việc Việt hóa đều do thành viên thực hiện. Cách thức tham gia rất đơn giản và hoàn toàn tự nguyện: người sử dụng Facebook chỉ cần kích hoạt ứng dụng này là có thể tham gia ngay vào việc dịch thuật. Toàn bộ việc thống nhất về mặt từ ngữ, cách dịch thuật đều do cộng đồng dịch thuật đánh giá thông qua việc bình chọn từ các cụm từ đến câu chữ, đoạn văn. Hiện nay, việc Việt hóa Facebook đã hoàn tất, tuy nhiên vẫn cần đến cộng đồng dịch thuật để chuyển ngữ các tính năng mới, hay ứng dụng mới trong tương lai”.

Trong danh sách những người tham gia dự án dịch Facebook từ tiếng Anh sang tiếng Việt được nêu, có 208 bạn mà hầu hết là những gương mặt trẻ măng: Nguyễn Mạnh Hùng, anh chàng gốc Vũng Tàu từng là người tạo trang web về nhạc cổ điển www.classicalvietnam.info, đang là người dẫn đầu trong công tác dịch thuật với 30.410 từ và 2.385 nhóm từ đã được chuyển sang tiếng Việt. Những cái tên khác trong danh sách như Nguyễn Huy Hùng, Trần Thanh Bình, Khúc Nam Hải... đều thầm lặng đóng góp từng chút cho một cộng đồng mà họ đang tham gia.

Quang Tú cho biết thêm: “Vì công việc này hoàn toàn tự nguyện và không có thù lao nên mọi người chủ yếu sử dụng thời gian rỗi của mình để hoàn thiện Facebook tiếng Việt, góp phần làm cho người Việt dễ dàng tiếp cận mạng xã hội mới này, dù ban đầu chỉ đơn giản là tò mò”. Và thế là họ nhảy vào, dịch chữ này, sửa chữ kia, đóng góp ý kiến chữ nọ. Có những đoạn dịch khá ngây ngô của những bạn người Việt sống từ nhỏ ở nước ngoài được dân chuyên văn trong nước chỉnh lại, thế là hai người trở thành bạn thân. Cũng có những đoạn dịch khá... bậy bạ bị mọi người xông vào mắng cho tan tành.

Trang Nguyễn, một Việt kiều ở Úc, cho biết: “Tôi chưa dám dịch từ nào cả vì tiếng Việt của tôi rất yếu. Nhưng ngày nào tôi cũng vào xem, đặc biệt xem rất cẩn thận những bài chỉnh sửa, góp ý. Nó giống như một bài học tiếng Việt rất lý thú. Tôi cũng giúp một số bạn dịch ngược sang tiếng Anh một số từ tiếng Việt mà phải lý giải rất dài mới có thể hiểu nổi”. Cứ như thế, cộng đồng những tình nguyện viên cho Facebook đông dần và tạo ra một diện mạo đáng kể của Facebook tiếng Việt.

Đọc những thảo luận, chấm điểm từng cụm từ tiếng Việt một trên diễn đàn dành cho những tình nguyện viên dịch thuật mới thấy rõ sức mạnh của một cộng đồng ảo đang nỗ lực rất nhiều cho sự phát triển của một ứng dụng mà họ thấy thích hợp cho mình, khác xa với cách mà nhiều công ty bỏ tiền ra thuê người làm việc một cách ít hào hứng. Chỉ một cụm từ được dịch không chuẩn đã có nhiều người phản đối và đưa ra nhiều phương án khác nhau. Chẳng hạn một cụm từ được xem là đơn giản bậc nhất là “Thanks for signing up on Facebook!” được chỉnh từ “Cảm ơn vì đã đăng ký trên Facebook!” sang “Cảm ơn đã đăng ký tài khoản trên Facebook” rồi đến “Cảm ơn đã đăng ký Facebook” và cuối cùng dừng ở “Cảm ơn đã đăng ký trên Facebook!”.

Một chuyên gia về web đánh giá: “Thật ra mô hình sử dụng nguồn lực cộng đồng thành viên vào việc bản địa hóa các sản phẩm CNTT không phải mới, việc này cũng tương tự mô hình bản địa hóa hệ điều hành Fedora Linux, hay trình duyệt Mozilla Firefox. Nói ngắn gọn, đây là một hình thức crowd-sourcing (sử dụng nguồn lực đám đông)”.

Theo TuoitreOnline



Bình luận

  • TTCN (0)