Dù chỉ là tính năng “tay trái”, những máy ảnh ống kính rời dưới đây được đánh giá là đối thủ xứng tầm của những máy quay video cầm tay chuyên dụng bởi cho video HD cũng khá nuột nà. 

Hiện nay đến các máy ảnh nghiệp dư (compact) cũng có khả năng quay video độ nét cao (HD). Tuy nhiên, dòng này có cảm biến kích cỡ khiêm tốn nên chất lượng video HD không thật ấn tượng. Đó là lý do tại sao năm ngoái Nikon tiên phong đưa tính năng này vào model D90, một máy ảnh D-SLR đầu tiên, tạo bước đột phá trong ngành công nghiệp.

Canon cũng nhanh chóng lên đời chiếc EOS 5D lên thế hệ Mark II với khả năng quay video nét nhất hiện nay, 1080p. Mặc dù ban đầu tính năng này xuất hiện ở các dòng máy D-SLR hạng trung, nhưng nay đây cũng trở thành tính năng phổ biến ở tầng D-SLR cấp thấp.

Nếu muốn sắm một máy ảnh ống kính rời với khả năng tạo các đoạn phim ngắn với chất lượng đáng nể, bạn có thể tham khảo danh mục 5 sản phẩm hàng đầu dưới đây. Do video HD khá tốn bộ nhớ nên bạn phải trang bị các thẻ nhớ dung lượng cao. Đồng thời, máy tính hỗ trợ thưởng thức và chỉnh sửa dạng video này cũng cần có tốc độ xử lý nhanh hơn cùng RAM dung lượng cao và card đồ họa tiên tiến.

Canon EOS 5D Mark II

Thế mạnh của máy là chất lượng video Full-HD (1080p) sắc nét, chất lượng ảnh ấn tượng thậm chí ở các mức nhạy sáng cao (dùng cho điều kiện thiếu sáng), cảm giác thân máy chắc chắn, công nghệ cấp nguồn (pin) thông minh.

Tuy nhiên, sản phẩm được đánh giá là nhiều cải tiến đáng kể so với bản 5D đời trước này vẫn bị phàn nàn về việc thiếu cáp HDMI kèm máy, chế độ zoom khi xem ảnh còn chậm chạp và định vị nút nguồn chưa hợp lý.

Nikon D300s

Là bản nâng cấp của chiếc D300 đã khá phổ biến, D300s có thêm khả năng quay video HD, tốc độ chụp liên tiếp nhanh hơn bậc tiền bối đáng kể (7 hình/giây) và được Nikon hỗ trợ tới hai khe cắm thẻ nhớ tương thích định dạng CompactFlash và SDHC. Dù không có khả năng quay video Full HD, D300s vẫn là lựa chọn hàng đầu ở tầng máy D-SLD hạng trung.

Canon EOS 500D

EOS 500D ghi điểm bởi khả năng video Full-HD, tốc độ thực thi nhanh, ảnh đẹp và màn hình LCD phân giải cao. Tuy nhiên, máy ảnh này có các điểm lấy nét tự động nhỏ, khó nhìn trong khi các video clip quay với tốc độ 20 hình/giây chưa thật mượt.

Nikon D5000

D5000 cho ảnh tĩnh ấn tượng, tác động nhanh, có khả năng quay video, màn hình LCD có thể lật xoay, tích hợp bộ điều khiển flash không dây. Tuy nhiên, sản phẩm có kính ngắm quang học nhỏ và hơi mờ, chất lượng video chỉ ở mức trung bình, các điểm lấy nét dễ bị thay đổi đột ngột. Dẫu vậy, Nikon D5000 vẫn là một lựa chọn đáng tiền bởi thiết kế chắc chắn, bộ tính năng tươm tất, chụp tốc độ và ảnh tĩnh chất lượng.

Pentax K7

Máy ảnh gần 15 chấm (14,6Megapixel) này có khả năng video HD khá tốt. Nó có thiết kế chắc chắn, nhỏ gọn hơn đáng kể so với các đối thủ ngang tầm, và thực thi tốc độ cả về lấy nét lẫn lên khung hình. K7 cũng có khả năng ngắm ảnh sống với 100% độ phủ. Tuy nhiên, sản phẩm cho ảnh chân dung hơi thiếu sáng, màu sắc chưa phải là tự nhiên nhất trong khi nó thiếu khả năng ghi video độ nét cao nhất - 1080p.

(Theo Tuổi trẻ online/Cnet, Ephotozine)



Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Tiền nào của nấy là chân lý thôi, càng tốt thì càng mắc. Ngoài ra chỉ còn vấn đề chọn hãng nào thì do hệ thống ống kính mà một người dùng DSLR có sẵn.

Ah, mà Nikon D90 ko phải tiên phong trong việc quay video HD mà Olympus mới là người tiên phong trong việc này.