Gordon Moore - người đồng sáng lập Intel và là tác giả định luật nổi tiếng mang tên ông. Ảnh: AP.
Những bước phát triển "thần tốc" trong sản xuất vi xử lý từ 65 nm, đến 45 nm và hiện nay là 32 nm diễn ra trong chưa đầy 4 năm khiến Gordon Moore cho rằng khoảng một thập kỷ nữa định luật của ông phải chỉnh lại.

Nhà sáng lập Intel từng dự đoán từ năm 1965 rằng số lượng bóng bán dẫn (transistor) đặt trong mỗi chip, đồng nghĩa với khả năng xử lý, sẽ tăng gấp đôi theo chu kỳ 18-24 tháng. Đồng thời, giá sản phẩm cũng giảm đi một nửa. Một chip theo công nghệ 45 nm chứa khoảng 410 triệu bóng bán dẫn nằm cách nhau một khoảng 45 nm (45 phần tỷ của mét), còn chip 32 nm chứa 731 triệu bóng.

"Định luật này đã trở thành động lực phát triển cho ngành vi xử lý vì các đối thủ nhận ra rằng nếu họ không nỗ lực với tốc độ như vậy, họ sẽ bị tụt lùi", Gordon Moore nói.

Trong 40 năm qua, Intel đã đi theo đúng kế hoạch phát triển của họ và khiến đối thủ sừng sỏ nhất là AMD phải lao đao trong cuộc đua về công nghệ lẫn giá cả. Tuy nhiên, Moore cũng cho rằng có những giới hạn nhất định trong việc cải tiến công nghệ sản xuất chip vì đến một lúc nào đó, bóng bán dẫn sẽ không thể nhỏ hơn được nữa.

Nhưng Intel vẫn đang vượt qua các rào cản kích thước bằng cách thay chất liệu silicon dioxide bằng hafini - được coi là kim loại có hằng số điện môi cao và lưu trữ được nhiều điện hơn silicon dioxide. Nhờ đó, đến năm 2009, mỗi chip nhớ có thể chứa 1,9 tỷ bóng bán dẫn và năm 2011 sẽ chứng kiến công nghệ 22 nm phổ biến trên các thiết bị. "Chúng tôi vẫn còn nhiều không gian để sáng tạo, đây chưa phải là đoạn cuối của con đường", Moore cho biết.

(Theo Vnexpress) 



Bình luận

  • TTCN (0)