Khách hàng đang tư vấn hỏi mua điện thoại di động 2 SIM. Ảnh: H.Đ.

Nhu cầu cân bằng các mối quan hệ giữa công việc và cá nhân khiến nhiều người bắt đầu quan tâm đến một chiếc điện thoại có khả năng sử dụng hai SIM hơn là giải pháp sử dụng cùng lúc hai máy điện thoại như trước đây. Hiện nay, tại thị trường chính hãng có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ hai SIM, tuy nhiên, hầu hết đều có nguồn gốc từ những thương hiệu nhỏ.

Sân chơi của thương hiệu nhỏ

Trước đây, khi có nhu cầu mua máy điện thoại hai SIM để tiện việc liên lạc, người tiêu dùng không khỏi lo ngại vì hầu hết các điện thoại này đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc là các mặt hàng trôi nổi. Cho đến thời điểm này, dù hầu hết các sản phẩm điện thoại hai SIM vẫn có “lý lịch” từ Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng có thể tạm yên tâm hơn vì chất lượng và chế độ bảo hành của các sản phẩm này khi mua tại các hệ thống siêu thị lớn và uy tín.

Hiện nay, trên thị trường chính hãng, hơn 90% sản phẩm điện thoại di động hai SIM có nguồn gốc từ các thương hiệu nhỏ như: K-Touch, Bavapen, Mobell, WellcoM, Cayon, I-Talk,... Tuy nhiên, không phải các model điện thoại nào được quảng cáo là hai SIM đều có thể hoạt động hai SIM song song cùng một lúc. Thực tế vẫn có những model tại mỗi thời điểm chỉ sử dụng được một SIM duy nhất, để sử dụng SIM thứ hai đòi hỏi người dùng phải thực hiện thao tác chuyển trạng thái hoạt động giữa hai SIM.

Một trong những những ưu điểm của dòng sản phẩm này là kích thước nhỏ gọn, kiểu dáng bắt mắt, đặc biệt là giá cả rất cạnh tranh. Chỉ khoảng 1 - 2,5 triệu đồng người dùng đã có thể sở hữu một máy điện thoại hai SIM với những tính năng giải trí đi kèm như: nghe nhạc, xem phim, chụp ảnh, màn hình cảm ứng,... 

Số liệu kinh doanh của hệ thống Thegioididong.com cho thấy, sản phẩm hai SIM của các thương hiệu nhỏ đang chiếm một thị phần khá lớn, hơn 30% số lượng máy bán ra toàn hệ thống, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Những sản phẩm có thiết kế thanh lịch, đẹp, tính năng đa dạng, giá mềm (dưới 1,5 triệu),… là những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Những sản phẩm bán chạy nhất hiện nay bao gồm: Cayon C308, E520, C350; Mobell M220, M210; K-Touch B858, A665, B2202, A610,… Theo một nhân viên bán hàng, các sản phẩm điện thoại hai SIM như Mobell, K-Touch, WellcoM, Q-mobile,... luôn thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng nhờ vào kiểu dáng thời trang, tính năng giải trí đa dạng, giá mềm. Do các thương hiệu này còn tương đối mới nên tất cả những sản phẩm nhập về đều được kiểm tra và dán tem trước khi đem ra bán cho khách hàng. 

Trong khi các thương hiệu nhỏ “làm mưa làm gió” trên thị trường với hàng trăm mẫu mã đủ chủng đủ loại thì các thương hiệu lớn lại hầu như không có bất kỳ sản phẩm hai SIM nào trừ một số model ít ỏi của Samsung, Acer,... Tuy nhiên, những sản phẩm này có giá thành khá cao, từ 3 triệu đồng trở lên, do đó rất kén khách.

Ảnh
Một mẫu điện thoại 2 SIM. Ảnh: H.Đ.

 

Chất lượng: tiền nào của đó!

Dùng được hai SIM với giá rẻ, đó là đặc điểm duy nhất thu hút khách hàng của những dòng máy này. Tuy nhiên, nhiều người dùng sau khi mua và sử dụng rồi mới vỡ lẽ nhiều điều. “Trước đây, tôi có dùng điện thoại của hãng Malata, nhưng chỉ sử dụng được 6 tháng thì nguồn hay chập chờn. Mặc dù có đi bảo hành nhiều lần nhưng ‘bệnh cũ’ vẫn tái diễn. Tôi quyết định chuyển sang dùng thử điện thoại 2 SIM của hãng khác thấy chất lượng tạm ổn. Tuy nhiên, việc sử dụng một điện thoại hai SIM dễ làm tôi bị lộn tin nhắn giữa người này và người khác do thiết lập trong máy khá rắc rối.”- anh Dũng, Giám đốc Công ty bất động sản Mỹ Hào cho biết.  

Chia sẻ kinh nghiệm dùng điện thoại hai SIM khá “xương máu” của mình, một người dùng tên Quang kể: “Sử dụng điện thoại 2 SIM đôi khi còn mang tính may rủi. Tôi có dùng thử điện thoại K-Touch vì thấy máy có nhiều tính năng giải trí, màn hình cảm ứng lớn, đặc biệt là máy ảnh số lên đến 5 ‘chấm’ mà giá thành tương đối rẻ. Tuy nhiên, vừa mua về được vài ngày máy đã bị lỏng phần khớp nắp đậy pin phía sau nên phải đem đi bảo hành”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết các lại máy này đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Các nhà phân phối tại Việt Nam sang mua linh kiện giá rẻ từ các cửa hàng ở Trung Quốc rồi in thương hiệu của mình lên sản phẩm, sau đó nhập về Việt Nam và bán ra thị trường.

Một số thương hiệu có nhà phân phối rõ ràng, có chế độ bảo hành và hậu mãi. Với các thương hiệu này, để cạnh tranh, họ đều phải chạy theo số lượng và mẫu mã nhằm thu hút khách hàng, hơn là nâng cao chất lượng máy. Nhân viên bảo hành tên Ánh của một hãng điện thoại tại Q1, TP.HCM cho biết: “Các máy đem đến bảo hàng thường rơi vào các ‘bệnh’ như: hư dây nguồn làm ảnh hưởng đến màn hình, loa, bộ rung. Chất lượng màn hình chưa được tốt lắm, thường xảy ra tình trạng bể màn hình do bị cấn. Bệnh không nhận hai SIM cũng khá nhiều...”.  

Vòng đời của những chiếc máy này cũng khá ngắn, chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, bán hết lô hàng, nhà phân phối liền bỏ mẫu và giới thiệu những mẫu điện thoại mới, đẹp hơn với giá rẻ hơn. Vì vậy, thực khó mà tìm mua linh kiện thay thế hay sửa chữa khi bị hư hỏng. Tuy nhiên, người dùng cũng không mấy quan tâm vì giá thành quá rẻ, chỉ cần sử dụng trung bình khoảng một năm rồi bỏ cũng không tiếc.  

Theo phân tích của Giám đốc kinh doanh một siêu thị bán lẻ ĐTDĐ, người dùng hiện nay dễ dàng nhận thấy thị trường Việt Nam xuất hiện tràn lan các mẫu điện thoại hai SIM của những thương hiệu rất lạ. Trong khi đó, những thương hiệu quen thuộc như Nokia, Motorola, Sony Ericsson,… gần như vắng bóng. Điều này dễ hiểu bởi mức chênh lệch giá giữa các thương hiệu này khá lớn, có khi một chiếc ĐTDĐ hai SIM của Samsung có giá gần bằng 3 chiếc ĐTDĐ hai SIM của một thương hiệu lạ.

Hơn nữa, đa số người dùng lại ham rẻ, thậm chí có người biết chất lượng không bền nhưng vẫn mua dùng vì “để xài SIM khuyến mãi của các nhà mạng” hay “xài một thời gian rồi đổi điện thoại mới, không mất bao nhiêu tiền”. Thương hiệu của những chiếc điện thoại hai SIM hiện nay đều rất lạ tai, người dùng chỉ mới nghe đến lần đầu, không mấy ai rành về xuất xứ của nó. Thế nhưng người dùng chỉ cần biết giá rẻ, nhiều tính năng và mua. Chất lượng của nó thì chẳng ai quan tâm và có lẽ cũng không cần quan tâm bởi “tiền nào của nấy”!

Theo eChip Mobile.




Bình luận

  • TTCN (0)