Tuy là một trận đấu nhỏ nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của 2 trường phái: Điện toán đám mây (Google) hay điện toán truyền thống (Microsoft). (Ảnh minh họa)

Ngay khi chính quyền Los Angles tuyên bố muốn thay thế hệ thống email cũ, cả Google và Microsoft đã nhảy vào và “mở một trận địa” mới ngay trong chính tòa thị chính.

Trận Waterloo

Với giá trị khoảng 7,25 triệu USD, bản hợp đồng thay thế hệ thống email của chính quyền Los Angles không phải là nhỏ nhưng thực sự, đó cũng không phải là miếng ngon quá lớn để Google và Microsoft phải “quyết một trận sinh tử”. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn hơn đằng sau bản hợp đồng đó là sự quyết định vận mệnh của 2 trường phái trong ngành công nghiệp CNTT: Điện toán truyền thống với đại diện là Microsoft và điện toán đám mây với đại diện là Google.

Không ít người đã gọi đó là một “trận Waterloo” lịch sử trong giới công nghệ. 

Để quyết tâm giành lấy chiến thắng, cả 2 đại gia này đã rất tích cực thực hiện các chiến dịch vận động hành lang với đội quân là những chuyên gia lobby từng trải và không loại trừ cả sự tác động gián tiếp của các quan chức cấp cao.

“Chiến trường đã mở ngay tại tòa thị chính Los Angles. Các quan chức của chúng tôi thường xuyên được “ghé tai nói nhỏ” rằng ông Tổng giám đốc Steve Ballmer của Microsoft hay Eric Schmidt của Google “sẽ hơn cả vui mừng” nếu được đến thăm tòa thị chính cùng với sự hiện diện của họ”, Tony Cardenas, Ủy viên hội đồng thành phố, chủ tịch ủy ban Công nghệ và thông tin nói.

“Đó sẽ là một bản hợp đồng lịch sử và dựa vào đó kẻ chiến thắng có thể nhân rộng sự ảnh hưởng của mình ra toàn nước Mỹ cũng như rộng hơn nữa là trên toàn thế giới”, Bernard C. Parks, thành viên của Hội đồng thành phố nói, “Sau này, họ chỉ cần nói chính quyền Los Angles là một trong những khách hàng của họ, rất có thể các khách hàng khác sẽ nhanh chóng đặt bút ký hợp đồng”.

Google sẽ thắng?

Nhiều người tin rằng Google đang có lợi thế lớn hơn và hoàn toàn có thể giành chiến thắng.

Hơn một thập kỷ qua, thị trường phần mềm xử lý văn bản và email trong doanh nghiệp đã gần như là sân chơi của riêng Microsoft với thị phần chiếm hơn 70% và mang về cho hãng này nguồn doanh thu khoảng 20 tỷ USD mỗi năm.

Nhưng vị thế này đang bị đe dọa dữ dội bởi bộ phần mềm văn phòng Google Apps với ưu thế là gắn bó khá chặt chẽ với dịch vụ thư điện tử Gmail. Theo công bố của Google, hàng ngàn trường cao đẳng, đại học cũng như gần 2 triệu doanh nghiệp trên khắp thế giới đã ứng dụng thành công Google Apps.

Hầu hết các trường học và doanh nghiệp nhỏ hiện vẫn được sử dụng Google Apps miễn phí nhưng một số tập đoàn lớn như hãng công nghệ sinh học Genentech, hãng điện tử Motorola hay hãng sản xuất chip Fairchild Semiconductor đã phải chuyển sang sử dụng Google Apps có trả phí để phục vụ cho nhu cầu khổng lồ của mình.

“Đây là trận chiến quyết định đến tương lai của cả thế giới công nghệ và nếu Google thắng tương lai của chúng ta sẽ là đám mây 100%”, David B. Yoffie, giáo sư trưởng khoa chiến lược kinh doanh của trường đại học kinh tế Harvard nhận định.

Lợi thế của Google là chi phí thấp và sự tiện dụng bởi các dịch vụ đều được duy trì trên nền tảng web. Tất cả các chương trình, dữ liệu sẽ được lưu lại trên các máy chủ của Google và nằm trong một hệ thống mạng toàn cầu và các tổ chức, doanh nghiệp sẽ loại bớt được mối lo về trung tâm dữ liệu hay nhân viên chuyên trách.

Microsoft cũng chẳng vừa

Nhưng Microsoft cũng đã có những “tuyệt chiêu” của riêng mình để loại bớt những ánh hào quang đang vây xung quanh Google.

Ron Markezich – một giám đốc điều hành bộ phận dịch vụ trực tuyến của Microsoft đã nổ phát súng đầu tiên bằng việc tuyên bố mô hình đám mây của Google chẳng qua vẫn chỉ là một dạng thử nghiệm dành cho khách hàng doanh nghiệp và điều quan trọng là Google thiếu hẳn một bề dày kinh nghiệm với những tập đoàn cấp cao trong các lĩnh vực quan trọng như y dược, tài chính...

Luận điểm này của Ron Markezich còn được “ủng hộ” bằng 2 lần sập mạng ngay trong tháng 9 này của Gmail khiến hàng chục ngàn người dùng không thể nào truy cập được vào hộp thư của họ. “Đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Los Angles”, Markezich nói.

Trên thực tế, Google cũng đã từng trúng thầu phát triển và ứng dụng Google Apps cho khá nhiều tập đoàn lớn hay các tổ chức chính quyền liên bang. Cách đây một năm, thủ đô Washington DC cũng đã là khách hàng của họ nhưng cũng chỉ có khoảng 4.000 trong tổng số 38.000 nhân viên của Washington chấp nhận thay thế Microsoft Outlook bằng Google Apps.

Theo tiết lộ của Ủy ban nguyên tắc, Microsoft đã tiêu tốn khoảng 40.000 USD cho các hoạt động vận động hành lang tại Los Angeles trong khi Google mới chỉ bỏ ra chưa đến 10.000 USD.

Ủy ban Thông tin và Công nghệ Los Angeles cho biết, hồ sơ của cả 2 hãng sẽ được xem xét và ngày 5/10 tới sẽ có kết quả.

Theo Dân trí (Los Angeles Times)




Bình luận

  • TTCN (0)