Tuy không nằm gọn trong túi áo, nhưng dòng camera to với ống kính rời DSLR ngày càng được nhiều người chọn mua. Điều này dễ giải thích: Giá của các loại máy này ngày càng giảm nhưng lại được tích hợp thêm nhiều tính năng thời thượng như chụp live view, quay phim HD, chụp hình năm tấm liên tiếp…

Sau đây là những mẫu máy DSLR phù hợp với những người mới vào nghề để tìm hiểu, sáng tạo cho những tấm ảnh đẹp.

Sony Alpha 700

A700 có màn hình rộng 3 inch, độ phân giải 640 x 480, 920.000 pixel, có góc nhìn rộng với độ tương phản cao, hiển thị tốt ngay cả khi đứng dưới nắng trưa. Bên cạnh đó, máy còn được tích hợp bộ cảm biến CMOS Exmor 12,1 megapixel mới, cho phép chọn mức ISO 6400 ở chế độ chỉnh tay. Bộ vi xử lý mới Bionz với công nghệ khử nhiễu và chuyển đổi tín hiệu từ analog sang tín hiệu số ngay tại tế bào cảm biến giúp cho A700 tái tạo chất lượng file ảnh tốt ngay cả ở độ nhạy sáng cao.

Hệ thống lấy nét tại điểm trung tâm của A700 được hỗ trợ hai cảm biến dọc, hai cảm biến ngang và một cảm biến ngang đặc biệt có chiều dài gấp đôi cảm biến thông thường cho các ống kính có độ mở F2.8 hoặc lớn hơn. A700 thừa hưởng công nghệ chống rung hình ảnh trên bộ cảm biến nổi tiếng của Minolta. Chế độ chống rung này được tích hợp trên thân máy nên người sử dụng sẽ bớt được một khoản chi phí vì không cần mua ống kính chống rung.

Người sử dụng có thể tìm mua những ống kính Minolta với chi phí hợp lý như “Beer Can” 70-210/4, 50/1.7 AF của Minolta hoặc các ống kính Carl Zeizz Planar 85/1.4 AF, Carl Zeiss Sonnar 135/1.8 AF.

Máy cũng có cổng HDMI tương thích với chuẩn HDTV để xem trực tiếp ảnh trên các tivi theo chuẩn này và các ảnh định dạng RAW, JPEG. A700 với ống kính 16-105mm f/3.5-5.6 có giá khoảng 24,5 triệu đồng.

Canon EOS 50D

Được nâng cấp từ 40D, Canon EOS 50D sở hữu nhiều tính năng cao cấp nhưng vẻ bề ngoài thì giống hệt đời máy trước. Với màn hình rộng 3 inch, độ phân giải lên tới 920.000 điểm ảnh, hiển thị hình ảnh với màu sắc chuẩn xác và chi tiết, máy còn có thêm ưu điểm là giao diện với người dùng thân thiện, dễ sử dụng.

50D được trang bị cảm biến CMOS cỡ APS-C, có độ phân giải lên tới 15,1 megapixel cùng bộ xử lý ảnh DIGIC IV. Vì máy còn có chế độ chụp tự động Creative Auto, người dùng chỉ việc điều chỉnh độ sáng và chọn kiểu hậu cảnh là rõ hay mờ là mọi thứ sẽ tự động tinh chỉnh để có được một bức ảnh chất lượng cao. Ngoài ra, tính năng ngắm ảnh sống Live View cũng được nâng lên một bậc.

Việc lấy nét tự động trở nên dễ dàng hơn và công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng hoạt động rất tốt trong những điều kiện chụp thiếu sáng. Tuy nhiên, 50D chỉ cho phép người dùng ngắm qua màn hình ở chế độ chụp thủ công, còn ở chế độ chụp tự động và các chế độ mặc định như chụp chân dung, chụp macro… thì buộc phải sử dụng kính ngắm.

Máy có cổng kết nối HDMI bên cạnh cổng USB thông thường, cho phép xuất hình ảnh ra màn hình lớn. Tiếc rằng tính năng quay video lại không được trang bị. Giá bán của 50D kèm ống kính EF-S 17-85mm f4-5.6 IS USM có giá khoảng 25,6 triệu đồng.

Olympus E-30

Giống như những dòng DSLR truyền thống của Olympus, E-30 cũng được phát triển trên định dạng Four Thirds. Ngoài cảm biến LiveMOS có độ phân giải 12,3 megapixel, Olympus E-30 còn được trang bị màn hình LCD 2,7 inch, có khả năng xoay, lật và hỗ trợ tính năng ngắm qua màn hình Live View. Bên cạnh đó, máy còn có kính ngắm quang học có khả năng bao quát 98% khung hình.

E-30 có hệ thống lấy nét tự động tại 11 điểm, tốc độ chụp liên tiếp đạt năm khung hình mỗi giây, còn tốc độ trập có thể lên tới 1/8.000 giây. Dải ISO của máy trải dài từ 100 đến 3.200. Cùng với hệ thống chống rung được tích hợp, Olympus E-30 được trang bị cả công nghệ lọc bụi bằng sóng siêu âm.

Chiếc DSLR tầm trung này còn sở hữu khá nhiều tính năng thân thiện với người dùng phổ thông như nhận diện khuôn mặt hay Art Filters - tính năng cho phép người dùng thêm hiệu ứng vào ảnh, gần giống với các chế độ cảnh mặc định ở những mẫu máy compact, nhưng có cơ chế hoạt động thông minh hơn.

Người dùng có thể lựa chọn sáu chế độ Art Filters thông qua bánh xe được bố trí ở cạnh trên của máy. Mỗi khi lướt qua chế độ nào, trên màn hình sẽ hiện lên những lời giải thích ngắn gọn về chế độ ấy, giúp người dùng lựa chọn chuẩn xác. Olympus E-30 có giá bán khoảng 17 triệu đồng cho thân máy.

Nikon D5000

Nikon D5000 là chiếc máy kết hợp hoàn hảo giữa chức năng quay video xuất sắc của D90 và giá thành ở mức “bình dân” của D40X và D60.

D5000 sở hữu màn hình LCD 2,7 inch, 230.000 điểm, có khả năng lật xoay cực kỳ linh động. Màn hình này lấy được 100% khung hình, có chế độ mặc định giúp người dùng cảm thấy thoải mái khi xem ảnh ở điều kiện ánh sáng tốt.

Máy sở hữu hàng loạt các tính năng cao cấp như cảm biến CMOS độ phân giải 12,3 megapixel, vi xử lý đời mới EXPEED được sử dụng ở D90, đèn flash, hệ thống ổn định hình ảnh, chức năng nhận dạng khuôn mặt, chụp ảnh Live View, hỗ trợ các định dạng thẻ nhớ thông dụng SD/SDHC để lưu trữ ảnh và video. Máy còn được thừa hưởng hệ thống lấy nét tự động 11 điểm của D90, độ nhạy sáng tốt với dải ISO dao động trong khoảng 100 đến 6.400.

Chất lượng video ở D5000 cực kỳ ấn tượng, video xuất ra có màu sắc tốt, hình ảnh mịn, được khai thác đến từng chi tiết. D5000 có khả năng quay phim HD ở độ phân giải 1.280x720, 640x424 hoặc 320x216, đều được thiết lập 24 khung hình mỗi giây (tốc độ quay phim chuẩn).

Người dùng có thể sử dụng chức năng phóng to trong khi quay, hoặc quay phim ở những nơi có cường độ ánh sáng thấp. Máy còn có chức năng chống rung, thuận lợi khi phải di chuyển nhiều. Giá của Nikon D5000 với bộ lens kit khoảng 15 triệu đồng.

Panasonic Lumix G1

Là mẫu máy ảnh số ống kính rời đầu tiên được phát triển trên định dạng Micro Four Thirds do Olympus và Panasonic phát triển, Lumix G1 cũng là mẫu máy ống kính rời nhỏ nhẹ nhất thế giới hiện nay. Khác với các hệ thống DSLR thông thường, G1 không sử dụng gương phản chiếu ở bên trong, mà sử dụng hệ thống ống kính có thể hoán chuyển (Digital Interchangeable Lens System).

Máy nhỏ gọn, kích thước chỉ 124 x 83,6 x 45,2 (mm), nặng 385g. Do không có gương phản chiếu ánh sáng ở bên trong, nên người dùng máy phải ngắm chụp thông qua màn hình LCD hoặc kính ngắm điện tử (EVF) có độ phân giải 1.440.000 điểm ảnh và tốc độ refresh 60 khung hình/giây, vượt trội so với màn hình LCD 920.000 pixel mà Canon EOS 50D sở hữu. Bên cạnh đó, màn hình của G1 cũng có khả năng lật, xoay các hướng với góc xoay lên tới 180 độ, tạo thuận lợi lớn cho người chụp trong các góc máy khó.

G1 được trang bị bộ xử lý ảnh mới Venus Engine HD, cho phép người dùng kiểm soát các gam màu cơ bản là đỏ (R), xanh lam (B) và xanh lá (G), giúp tái hiện màu sắc trung thực hơn trong các bức ảnh. Máy còn có chế độ chụp tự động Intelligent Auto, giúp những người dùng phổ thông dễ dàng làm quen với loại máy ống kính rời. Hiện thân máy và ống len kit đi kèm có giá khoảng 13,5 triệu đồng.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần (T3 Magazine)




Bình luận

  • TTCN (0)