Chiều 24/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật viễn thông.

Dự án Luật Viễn thông sau khi chỉnh sửa, trình xin ý kiến Quốc hội gồm 10 Chương, 63 Điều (gộp một số điều, bỏ 1 điều và bổ sung 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5). Luật Viễn thông quy định về hoạt động viễn thông bao gồm: đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quảnlí viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông quản lí, bảo vệ quyền lợi người dùng dịch vụ viễn thông

Tại kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội đã nghe tờ trình về dự thảo Luật viễn thông và tiến hành thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Luật này. Sau kỳ họp đó cơ bản đã có 3 ý kiến khác nhau đối với dự thảo Luật viễn thông. Đó là: Điều 10 quy định "Cơ quan quảnlí nhà nước chuyên ngành về viễn thông"; Điều 11 quy định về "Thanh tra viễn thông"; Điều 25 quy định về "Quỹ dịch vụ viễn thông công ích”.

Các đại biểu nhất trí về việc quy định cơ quan quản lí chuyên ngành về viễn thông, vì hoạt động quản lí viễn thông không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn liên quan đến an ninh, quốc phòng và bảo vệ quyền lợi quốc gia về viễn thông và cũng là hình thức thực hiện những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và phù hợp với tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU). Cơ quan quảnlí chuyên ngành về viễn thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, do Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn.

Xung quanh quy định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đại biểu cho rằng, hiện nay, dịch vụ viễn thông tuy nhiều, nhưng chất lượng chưa cao. Người sử dụng dịch vụ viễn thông, nhất là dịch vụ điện thoại không nhận được sử bảo vệ quyền lợi từ các cơ quan chức năng. Vì vậy, dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể hơn về chất lượng dịch vụ, quy chuẩn của cơ quan kiểm định để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Luật quy định rõ chế tài đối với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kém chất lượng, sai các tiêu chuẩn đã cam kết.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này đã đưa vào nội dung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi đưa vào, lưu trữ, truyền đưa thông tin thuộc loại bí mật nhà nước, yêu cầu doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi….

Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông như thế nào?

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm đến việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành giao thông, điện lực, cấp nước, thoát nước, viễn thông Ông cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến việc khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng và tính cạnh tranh trong kinh doanh, vì thế Chính phủ phải có quy định cụ thể, chi tiết.

Trong thời gian qua, việc phát triển và quản lí hạ tầng viễn thông, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, trong Luật Viễn thông được chỉnh lí lần này, các quy định tại Điều 45 đã bắt buộc chia sẻ cơ sở hạ tầng đối với các phương tiện viễn thông thiết yếu, nếu các doanh nghiệp không đạt được thỏa thuận về sử dụng chung, trong một số trường hợp khẩn cấp phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh. Đồng thời Luật cũng quy định các doanh nghiệp viễn thông phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là cột antenna, nhà trạm, cống bể cáp… nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai và bảo vệ cảnh quan, môi trường, tránh lãng phí. Luật cũng giao Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành.

Về quy định phí quyền hoạt động viễn thông, các đại biểu nhất trí với quy định Dự thảo Luật: tài nguyên viễn thông là loại tài sản đặc biệt, tài nguyên vô hình là tài sản quốc gia, vì thế không áp dụng theo Luật Thuế tài nguyên. Tuy nhiên, Luật cần có những quy định cụ thể hơn về cơ quan quảnlí phí, cách tính phí và sử dụng nguồn tài chính thu từ phí quyền hoạt động viễn thông.

Theo kế hoạch, Luật viễn thông cũng sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Theo VnMedia.




Bình luận

  • TTCN (0)