Các nhà khai thác di động đang áp dụng chính sách tái sử dụng lại sim cũ. Ảnh: CNTT.

21 đầu số tương đương với trên 168 triệu thuê bao di động đã được các nhà khai thác di động xài gần hết. Dù áp dụng hình thức tái "sim rác", song 3 ông lớn di động đang đối mặt với nguy cơ không còn số để phát triển.

Cả 3 nhà khai thác di động lớn nhất VN là Viettel, MobiFone và VinaPhone đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thêm đầu số mới để cứu nguy cơ "cháy" số trong thời gian tới. Trong đó, Viettel đề nghị xin thêm đầu số 0164, MobiFone xin đầu số 0120 còn VinaPhone xin 4 triệu số còn lại trong dải 0129 (4 triệu số trước đó, Bộ đã cấp cho VinaPhone để phát triển mạng 3G).

Các mạng di động nhẩm tính, với số lượng thuê bao phát triển mới lên tới 100.000-130.000 mỗi ngày, gạn lắm, số sim trong kho chỉ phát triển được tối đa từ hai đến ba tháng nữa. Trong khi đó, để một thẻ sim đến tay người sử dụng, nhà mạng thường phải xuất cho các đại lý, cửa hàng ít nhất là trước khoảng một tháng. Chưa kể, với giá bán sim đang xếp vào diện "rẻ như bèo" như hiện tại, các mạng di động đang đối mặt với nạn sim rác. Nghĩa là cứ 5 sim, thậm chí 7-9 sim bán ra thị trường mới thu về được một thuê bao thực.

Viettel cho biết trong lúc chờ Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thêm đầu số mới hãng đang tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống, thu hồi những thẻ sim bị khóa 2 chiều để tái sử dụng lại. Các mạng di động khác như MobiFone, VinaPhone và S-Fone cũng áp dụng chính sách tái sử dụng sim cũ để đối phó với nguy cơ cháy số. Tuy nhiên, lượng sim chết được khôi phục theo kiểu "xác ướp trở lại" này chỉ cứu cho nhà mạng khoảng 30-40% trên tổng số thuê bao phát triển.

Đại diện của cả 3 mạng di động lớn VinaPhone, MobiFone và Viettel đều cho rằng tình hình đã rất căng và họ đang chờ Bộ xem xét cấp thêm đầu số mới để tạo điều kiện cho hãng phát triển thuê bao.

Như vậy, với mỗi đầu số cho phép phát triển 8 triệu số, thì với 21 đầu số đã cấp đủ cho 7 doanh nghiệp phát triển khoảng 170 triệu thuê bao. Trong khi đó, số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy cả nước hiện có trên 100 triệu thuê bao song khoảng một nửa bị xếp vào danh sách chết, bị khóa 2 chiều và không phát sinh cước.

Giới chuyên gia nhìn nhận khoảng 170 triệu số không đáp ứng đủ nhu cầu của một quốc gia có dân số 80 triệu dân như vậy là không ổn. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải xem xét hiệu suất sử dụng thực tế của các mạng di động để cấp thêm đầu số, nhằm tránh lãng phí không cần thiết.

Trong các lần trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông - Lê Nam Thắng cũng khẳng định: "Nguyên tắc của chúng tôi là thị trường cần đến đâu thì cấp đầu số đến đấy".

Theo ông, ở các nước phát triển hiệu suất sử dụng kho số điện thoại di động thường đạt 70-75% trong khi ở Việt Nam con số này chỉ khoảng 58-59%. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "cháy" kho số di động ở 3 mạng sử dụng công nghệ GSM - VinaPhone, MobiFone và Viettel hiện nay. Do đó, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra và xem xét nhu cầu thực tế để xem xét mở thêm đầu số cho nhà mạng.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 17/11 về vấn nạn thuê bao di động ảo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cũng thừa nhận hiện tượng ở VN chỗ nào cũng bán sim điện thoại, thậm chí mua sim điện thoại còn dễ hơn mua rau muống. Theo ông, số lượng phát triển thuê bao của VN chưa thực chất và không nên quá chạy theo số lượng. Do đó, Bộ đang bàn các giải pháp quyết liệt để quản lý chặt hơn các thuê bao di động trả trước, đồng thời yêu cầu các đại lý bán sim phải quản lý chặt chẽ bằng chứng minh thư.

"Có một cán bộ của Bộ tôi đi học ở Hàn Quốc, hai tháng vẫn phải ra bưu điện gọi điện về, hỏi tại sao không mua sim để điện thoại thì đồng chí đó bảo sang đây phải làm thủ tục nhập học, sau đó mới có thẻ sinh viên, đưa thẻ sinh viên ra mới mua được sim, chứng tỏ người ta quản lý chặt hơn mình. Ta thì chỗ nào cũng có thể bán sim được, bán sim như rau muống...”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nêu một thực tế.

VN hiện có 7 mạng di động khai thác hơn 20 đầu số. Trong đó VinaPhone có 091, 094, 0123, 0125, 0127 và đang đề nghị cấp thêm đầu số 0129.

MobiFone với các đầu số gồm 090, 093, 0121, 0122, 0126, 0128 và đang đề xuất xin thêm đầu số 0120.

Viettel với đầu số 098, 097, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169. Mạng di động này đang đề xuất xin thêm mã số 0164.

S-Fone với đầu số 095, EVN Telecom - 096, Vietnamobile - 092 và Beeline với 0199.

(Theo vnexpress)



Bình luận

  • TTCN (2)
T.D.Định

Bàn về vấn đề cháy kho số.

Trích:
"Hiện nay 7 nhà mạng di động tại Việt Nam đang khai thác tới 21 đầu số di động. Trong đó, Viettel có 8 đầu số, MobiFone có 7 đầu số và VinaPhone có 6 đầu số. Còn lại là S-Fone với đầu số 095, EVN Telecom - 096, Vietnamobile - 092 và Beeline với 0199.
Như vậy, với mỗi đầu số cho phép phát triển 8 triệu số, thì với 21 đầu số đã cấp đủ cho 7 doanh nghiệp phát triển khoảng 170 triệu thuê bao. Trong khi đó, số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy cả nước hiện có trên 100 triệu thuê bao song khoảng một nửa bị xếp vào danh sách chết, bị khóa 2 chiều và không phát sinh cước.
Giới chuyên gia nhìn nhận 170 triệu số mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của một quốc gia chỉ có 80 triệu dân là điều bất hợp lý."

Rõ ràng với 80 triệu dân mà sử dụng 170 triệu số thuê bao di động vẫn không đủ là điều bất hợp lý.
Giả sử toàn dân Việt Nam gồm: trẻ sơ sinh, thiếu niên, nhi đồng; thành phần dân số trong độ tuổi lao động từ người tàn tật đến người bình thường, từ ăn mày đến đại gia; các cụ ông, cụ bà hay lãng tai trên khắp mọi miền đất nước: từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến các miền sơn cước, từ đất liền đến các hải đảo xa xôi đều dùng điện thoại di động và quan trọng là mỗi người 2 tay 2 chiếc điện thoại thì cũng chỉ sử dụng hết 160 triệu số, vẫn còn thừa 10 triệu số.
Nhưng thử hỏi trẻ sơ sinh, nhi đồng có thể nào dùng điện thoại không? Các cụ ông, cụ bà hay lãng tay có cần dùng điện thoại không? Giới ăn mày có thể nào dùng 2 tay 2 chiếc điện thoại không? Rõ ràng là không thể.
Vậy vấn đề không đủ số điện thoại để dùng là do đâu?
Có phải do các chương trình khuyến mãi bất hợp lý đối với thuê bao di động trả trước của các nhà mạng dẫn đến tình trạng này?
Rõ ràng đối với thuê bao di động trả trước hoà mạng mới bộ kit 65.000đ nhưng bán cho khách hàng chỉ khoảng 50.000đ trong khi tài khoản lên đến 160.000đ (chiếm 320% số tiền bỏ ra) thì việc sử dụng tài khoản sim hoà mạng mới thay cho việc nạp card là điều dễ hiểu, khách hàng được lợi gấp 3,2 lần so với nạp card số điện thoại chính của mình.
Chính những con sim khi sử dụng hết tài khoản rồi bỏ đi này đã góp phần vào việc làm cháy kho số.
Các Quan chức Bộ TTTT và Lãnh đạo các nhà mạng đều gồm những cái đầu Thạc sĩ, Tiến sĩ, hơn ai hết họ đều hiểu rõ vấn đề này nhưng tại sao họ để điều đó xảy ra dẫn tới tình trạng cháy kho số? Họ có thể vãn hồi tình trạng cháy kho số bằng cách tái sử dụng trên 100 triệu thuê bao khóa 2 chiều kia, vậy tại sao họ không làm hay chỉ làm lấy lệ? Còn vấn đề hạn chế thuê bao ảo bởi những con sim được xài một lần rồi bỏ, họ có thừa khả năng, thừa giải pháp để hạn chế thuê bao ảo ; ví dụ như đồng lọat các nhà mạng đều phát hành thuê bao di động trả trước bộ kit 65.000đ trong đó gồm 15.000đ chi phí cho chiếc sim và 50.000đ trong tài khỏan, thử hỏi khi đó có mấy ai xài sim thay card, nhưng tại sao họ không làm như vậy? Họ có mưu đồ gì trong việc kéo dài đầu 10 số thành đầu 11 số? Hay họ có những ý tưởng cao siêu nào đó mà dân thường không hiểu được?
Câu trả lời dành cho những nhà thông thái......
------------------
Viết thêm:
Việc kéo dài đầu 10 số thành 11 là một giải pháp không mang tính hợp lý ; không những gây khó khăn trong vấn đề giao dịch đối với các chủ thuê bao di động đầu 10 số hiện tại mà còn gây lãng phí rất lớn trong việc thay đổi danh thiếp ; in ấn văn bản ; làm lại bảng hiệu, bảng quảng cáo, v.v....

N.Q.Huy- HN

Đồng tình

Tôi đồng tình với y kiến của độc giả T.D.Định với những nhận xét tuy có phần hơi gay gắt nhưng chính xác.Thiết nghĩ nếu các quan chức bộ tt&tt cho phép nâng số thuê bao tứ 10 lên 11 số thì họ đã không tôn trọng quyền sở hữu tài sản của mỗi cá nhân hay doanh nghiệp, vì đối với một số doanh nghiệp hay cá nhân số điện thoại là một tài sản lớn gắn liền với sự phát triển không thể tùy tiện thay đổi được.Hoặc nếu có nghiên cứu thay đổi thì các thuê bao 10 số đang hoạt động phải được tự chọn số cần thêm vào dãy số thuê bao của mình,nhưng điều đó cũng chưa chắc mọi người đã đồng tình nếu nhà mạng cho phép vì nhiều sự bất cập và tốn kém khi chuyển thuê bao từ 10 lên 11 số.