Sự kiện GNOME Asia Summit 2009 diễn ra từ ngày 20-22/11/2009 tại Công viên Phần mềm Quang Trung, TP.HCM. Tạp chí Thế giới Vi tính (TGVT) đã có cuộc trao đổi với ông Mario Behling, trưởng ban tổ chức sự kiện.

TGVT: Ông có thể chia sẻ những đánh giá và kết quả đạt được của GNOME Asia Summit 2009?

Ông Mario Behling: Tôi chỉ nói ngắn gọn là sự kiện diễn ra rất thành công mặc dù thời gian tổ chức và sắp xếp mọi thứ là rất ngắn. Hơn 100 tình nguyện viên (trong đó có nhiều sinh viên không thuộc chuyên ngành CNTT) đã tích cực hỗ trợ. Có khoảng 600 người đã đăng ký tham dự qua website http://2009.gnome.asia. Sự kiện này tạo một sân chơi mở để các nhà phát triển, người dùng, doanh nghiệp có thể đối thoại trực tiếp với nhau và cùng đóng góp cho nguồn mở ngày càng phát triển ở châu Á.

Theo ông, cộng đồng phần mềm miễn phí và phần mềm nguồn mở (FOSS - Free and open source software) có thể mang lại lợi ích gì cho khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng?

Ở Việt Nam tôi đã nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc rằng nếu kinh doanh phần mềm miễn phí và phần mềm nguồn mở thì doanh nghiệp sẽ rất khó để thu lợi nhuận. Theo tôi, nếu các bạn biết nắm bắt công nghệ, nhờ vào kiến thức và ý tưởng của nhiều người để phát triển ứng dụng tạo ra sự khác biệt, ắt hẳn bạn sẽ biết được lợi ích kinh doanh đằng sau việc làm này.

Hiện tại, đã có khoảng 60.000 ứng dụng chạy trên nền tảng Linux, mọi người có thể dùng mà không phải trả tiền và có thể đóng góp ý tưởng để các ứng dụng vận hành hiệu quả hơn. Cộng đồng FOSS đang dự định triển khai công nghệ LXDE (Lightweight X11 Desktop Environment) ở châu Á, đây là môi trường ứng dụng miễn phí cho UNIX và các hệ điều hành tương thích với chuẩn POSIX như là Linux hoặc BSD. LXDE được thiết kế để chạy trên các máy tính có cấu hình phần cứng vừa phải như máy tính xách tay và máy tính loại nhỏ.  

Ông có nghĩ rằng phần mềm miễn phí và nguồn mở có thể dễ dàng tiếp cận với người dùng cuối trong lúc họ vẫn thích sử dụng phần mềm có bản quyền? Những trở ngại gì xảy ra khi doanh nghiệp muốn dùng mã nguồn mở trong hệ thống hiện tại?

Nếu bạn sử dụng phần mềm đóng, bạn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà phát triển ứng dụng và phải chi tiền cho những lần nâng cấp mà không thể tự hiệu chỉnh. Ngược lại, phần mềm miễn phí sẽ không cần trả tiền bản quyền, tự do chia sẻ, sao chép và góp ý; và bạn có thể tự do chọn nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ với chi phí hợp lý. Hiện nay, hai thành phố lớn của Đức là Hamburg và Munich đã chuyển sang sử dụng Linux và khoảng 80% các công ty ở Đức dùng phần mềm nguồn mở.

Theo tôi, trở ngại lớn nhất khi dùng phần mềm miễn phí và nguồn mở trong hệ thống hiện tại của doanh nghiệp chính là sự không tương thích giữa các ứng dụng và trình điều khiển. Thực tế, các hãng phát triển phần mềm bản quyền không mặn mà lắm với việc tương thích các ứng dụng nguồn mở. Ở châu Âu hiện cũng có một số quy định về việc tương thích các ứng dụng.

Với kinh nghiệm bản thân đã tham gia nhiều dự án phần mềm miễn phí và nguồn mở, ông có thể chia sẻ với sinh viên Việt Nam khi muốn xây dựng một cộng đồng FOSS?

Sinh viên Việt Nam cần cùng nhau hợp tác thành một cộng đồng nguồn mở, chia sẻ kiến thức, ý tưởng và quan trọng là cần hiểu được ý tưởng các mô hình kinh doanh phần mềm miễn phí và nguồn mở. Sinh viên cũng cần học hỏi những chiến lược thành công hay thất bại của các nước ở châu Âu hoặc Mỹ về phần mềm miễn phí và nguồn mở, để từ đó thu thập kinh nghiệm nhằm tạo ra cộng đồng mở thành công. Trong tương lai, cộng đồng FOSS sẽ tổ chức nhiều sự kiện, diễn đàn nhằm chia sẻ và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)