Đó là tấm hình lâu đời nhất, ảnh chân dung, ảnh màu, ảnh dưới nước, ảnh chụp từ vũ trụ... đầu tiên trên thế giới, đánh dấu những bước tiến quan trọng trong sự phát triển máy ảnh qua các thời kỳ.

Bức ảnh cổ nhất (1826)

Tấm ảnh Heliographie, chụp phong cảnh nhìn từ cửa sổ, chỉ có thể được chiêm ngưỡng trong điều kiện ánh sáng đặc biệt. Tác phẩm này được Joseph Nicéphore Niépce, người đi đầu trong nghệ thuật nhiếp ảnh Pháp, chụp năm 1826.

Ảnh xuất hiện con người đầu tiên (1838)

Louis Daguerre, nhà hóa học người Pháp, được mọi người biết đến khi phát minh ra phép chụp hình dage (Daguerreotype). Bức Boulevard du Temple chụp một con phố đông đúc ở Paris cuối năm 1938, nhưng do thời gian phơi sáng quá dài (hơn 10 phút) nên các hình ảnh chuyển động đã biến mất, trừ một người đàn ông ở góc bên trái, đứng lau giày đủ lâu nên đã xuất hiện trong ảnh.

Ảnh màu đầu tiên (1861)

James Clerk Maxwell, nhà toán học và vật lý người Scotland, khám phá ra màu sắc trong ảnh có thể được hình thành khi sử dụng các bộ lọc đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Ông nhờ thợ ảnh Thomas Sutton chụp một dải caro ba lần, mỗi lần với một bộ lọc màu khác nhau cho ống kính. Sau đó, ba ảnh được xử lý thành một tấm hình màu hoàn chỉnh.

Ảnh chân dung đầu tiên (1875)

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Mathew B. Brady là một trong những người đầu tiên tự chụp chính mình. Còn việc tự vẽ chân dung đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước đó.

Ảnh chụp trên không đầu tiên (1903)

Năm 1903, kỹ sư người Đức Julius Neubronner buộc máy ảnh analog cùng đồng hồ đếm ngược vào cổ một con chim bồ câu để chụp hình từ trên cao.

Ảnh màu dưới nước đầu tiên (1926)

Tấm hình này được tiến sĩ William Longley Charles Martin và nhiếp ảnh gia Charles Martin chụp tại vịnh Mexico bằng camera với vỏ bọc chống thấm và bột magiê để phát sáng dưới nước.

Ảnh đầu tiên chụp từ vũ trụ (1946)

Không lâu sau thế chiến thứ hai, vào ngày 24/10/1946, một camera chụp ảnh động 35 mm được đưa lên tên lửa V-2 để ghi lại những hình ảnh từ khoảng cách hơn 100 km so với trái đất.

(theo VnExpress/Wikipedia)



Bình luận

  • TTCN (0)