Người dùng di động hầu như không thể so sánh nổi sự khác nhau giữa các gói cước. Ảnh: Viewimage.

Kể từ năm ngoái, SK Telecom, LG Telecom và KTF đã tung ra các gói cước khác nhau. Tuy nhiên, người dùng di động Hàn Quốc bối rối và hoài nghi bởi họ nhận thấy các gói cước quá phức tạp và hầu như không thể so sánh sự khác nhau giữa các gói cước.

Nguyên nhân là nhà cung cấp dường như không thuyết phục được khách hàng về lợi ích thực của các gói cước và gói cước nào phù hợp nhất với từng khách hàng.

Cuộc chiến giá cước được SK Telecom, hãng di động lớn nhất Hàn Quốc, thắp ngòi tháng trước khi họ công bố kế hoạch giảm giá 50% cước gọi giữa các thuê bao nội mạng với mức phí thuê bao thêm 2500 won. LG Telecom và KTF cũng tham gia vào cuộc chiến với các chính sách tương tự.

"Tôi không nghĩ có nhiều ý nghĩa lắm. Không thể so sánh tất cả gói cước, hơn nữa tôi không muốn hỏi ai dùng mạng của công ty mỗi lần gọi điện", Choi Yun-jung, 26 tuổi ở Seoul nói. "Lại còn phải đóng thêm phí nữa. Tôi nghĩ tốt hơn là không chọn giảm giá".

Những người khác lại nghi ngờ động cơ các hãng đưa ra các mức cước "rối rắm" thay vì đơn giản chỉ giảm giá cước cơ bản.

"Tôi muốn các hãng hạ thấp giá cước dịch vụ tin nhắn và phí thuê bao cơ bản, bởi tôi hầu như dùng điện thoại văn phòng mỗi khi gọi điện", Kim Young-sook, 31 tuổi, nói.

Với các gói cước hiện nay, số tiền tiết kiệm mà mỗi người có được sẽ tuỳ thuộc vào cuộc gọi mà họ thực hiện nội hay ngoại mạng. Người dùng phải tự nhận định về việc sử dụng điện thoại của mình, một quan chức của SK Telecom nói.

Các hãng còn thừa nhận chính sách giảm giá mới được đưa ra để tối thiểu hoá mức sụt giảm lợi nhuận. Từ nhiều năm liền, nhà cung cấp dịch vụ được hưởng chế độ độc quyền theo sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc. Do thiếu cạnh tranh, giá cước cuộc gọi di động hầu như không đổi trong nhiều năm mặc dù chi phí cuộc gọi và tin nhắn liên tục giảm.

"Chúng tôi không thể giảm trực tiếp phí thuê bao và phí cuộc gọi, bởi như vậy sẽ khiến chúng tôi mất hàng trăm tỷ won mỗi năm. Như vậy sẽ thiệt hại của nhiều", quan chức của KTF nói.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bị các công dân và doanh nghiệp kêu ca vì can thiệp vào thị trường. Để sửa sai, họ dự định cho phép nhiều hãng khác tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc thực hiện kế hoạch. Một trong những biện pháp khả thi nhất là buộc SK Telecom, hãng lớn nhất với 50,5% thị phần, cho những hãng mới thuê mạng lưới. Tuy nhiên, ý tưởng này đang gặp sự phản đối kịch liệt từ phía SK, hãng tin rằng làm vậy là đi ngược lại nguyên tắc thị trường mà Bộ đang hướng tới.

(theo ICTnews)




Bình luận

  • TTCN (0)