Hơn 20 người chen chúc trong phòng họp rộng khoảng hơn 10m2 của Bộ TT-TT để tìm giải pháp chặn tin nhắn giả mạo.

Chiều 12-5, khi ngồi lại bàn với nhau, chuyên gia viễn thông đến từ các nhà mạng càng thấy rõ rằng, chặn tin nhắn giả mạo hóa ra lại là vấn đề không hề đơn giản.

Nhiều trang web cho phép nhắn tin giả mạo

Thời gian gần đây, trên mạng rộ lên trang web có tên Fakesm... cho phép giả mạo một số điện thoại bất kỳ để gửi tin nhắn đến thuê bao di động của 7 nhà mạng ở Việt Nam. Việc sử dụng dịch vụ này rất đơn giản, chỉ cần truy cập vào website, tạo tài khoản với mức giá khá rẻ khoảng 50.000 đồng cho 250 tin nhắn, là có thể gửi tin nhắn.

Qua tìm hiểu, có ít nhất 4 website cho phép gửi tin nhắn loại này đang được truyền tai người dùng, như for-e…, mona…, en.sms...

Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm ứng cứu máy tính Việt Nam VnCert (Bộ Thông tin – Truyền thông) cho biết, không ai chắc là chỉ có 5 trang web loại này, hay còn 500 trang, 5.000 trang tồn tại. Chính vì thế, việc các nhà mạng làm sao kiểm soát được để thuê bao của mình không trở thành nạn nhân là một việc làm cấp thiết.

Hầu hết các doanh nghiệp viễn thông đều cho rằng, ở hai trường hợp giả mạo số di động là gọi điện và nhắn tin, thì việc giả mạo qua tin nhắn là một vấn đề khó giải quyết.

Với cuộc gọi, các nhà mạng có thể dùng biện pháp chuyển mã, để người nhận cuộc gọi có thể căn cứ vào số điện thoại, ký hiệu hiện lên trên màn hình điện thoại để xác định đó là cuộc gọi từ website. Lúc ấy, người nhận có thể truy vấn lại xem người gọi là ai. Giả dụ, nếu số điện thoại gọi tới là 09xxx thì khi qua tổng đài sẽ được “ghép” thêm đầu số như 178.09xxx… Tuy nhiên, đối với tin nhắn, các nhà mạng lại không thể “ghép” thêm đầu số vì lý do kỹ thuật.

Ảnh
Giao diện trang web Fakesm… trước khi bị Bộ TT-TT chặn lại.

Có một điều mà các chuyên gia cho rằng, người gửi tin nhắn giả mạo có chủ đích, nhất là những chủ đích không tốt. Bởi, tin nhắn thường được giả mạo từ chính một số máy nào đó thuộc các mạng di động của Việt Nam.

Chặn cách nào? - Câu hỏi khó

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Vụ phó Vụ Viễn thông (Bộ TT-TT) đề xuất giải pháp: nếu tin nhắn đến từ các nhà cung cấp dịch vụ có phép thì các mạng mới chuyển. Còn nếu các nhà cung cấp dịch vụ không phép thì theo quy định của pháp luật, các mạng có quyền từ chối chuyển tin. Còn nếu tin nhắn chuyển qua website hoặc từ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, thì nếu hai bên có hợp đồng hợp tác, nhà mạng mới chuyển tin.

Tuy nhiên, nói vậy nhưng làm không đơn giản, bởi theo các nhà mạng, trong khi đàm phán hợp đồng hợp tác, hai bên có thảo luận cả chuyện ngăn chặn tin nhắn rác. Thế nhưng, về cơ bản, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng không có công cụ kỹ thuật nào để chặn tin nhắn giả mạo, nên dù ký kết như thế, thì trên thực chất tin nhắn giả mạo vẫn lọt vào Việt Nam như thường. Các nhà mạng di động Việt Nam hiện cũng chưa có công cụ kỹ thuật nào để có thể kiểm soát được tin nhắn là giả mạo hay không.

Chuyên gia kỹ thuật đến từ các mạng di động của Việt Nam đều bày tỏ rằng, mạng mình nhận biết được rõ ràng về nguy cơ của nạn tin nhắn giả mạo, nhưng chưa có biện pháp nào để chặn tin nhắn giả mạo được gửi qua website nước ngoài vào Việt Nam.

Đại diện VinaPhone cho biết đã khuyến cáo khách hàng về nạn tin nhắn giả mạo, bởi mạng này có sự đấu nối với rất nhiều mạng nước ngoài, nhưng cũng chưa có giải pháp kiểm soát tin nhắn triệt để. Chỉ có đại diện của Viettel cho biết, mạng này đã tìm ra giải pháp kỹ thuật, đang tiến hành đầu tư lắp đặt và từ tháng 6 tới sẽ chạy ứng dụng này.

Thế nhưng, xung quanh giải pháp kỹ thuật mà Viettel đưa ra, các chuyên gia kỹ thuật của các mạng di động cả lớn lẫn nhỏ vẫn tranh cãi kịch liệt, và chưa thể có một mô hình kỹ thuật nào được lựa chọn nhằm giải quyết nạn này.

Ngay cả giải pháp mà ông Đỗ Duy Ngọc Trác cho rằng sẽ giải quyết cơ bản tình trạng trên là “chỉ chuyển tin cho những thuê bao đăng ký roaming” dường như cũng không được “tâm phục khẩu phục”.

Giải quyết triệt để trước 15-8

Điều đáng ghi nhận là các nhà mạng đều nhận thức được rằng, nhắn tin giả mạo là vấn đề nghiêm trọng, nguy cơ hiện hữu, tạo ra những hậu quả không lường không chỉ về mặt kinh tế, mà còn cả an ninh xã hội.

Trong tuần này, Bộ TT-TT sẽ chính thức có công văn gửi các DN viễn thông về vấn đề này. Trong vòng hai tuần tới, các DN viễn thông sẽ phải gửi lên Bộ TT-TT kế hoạch và lộ trình khắc phục. Vì thế, các DN viễn thông sẽ chuẩn bị khẩn trương giải pháp và các quy trình cũng như chương trình thông tin truyền thông cho khách hàng, để khi giải pháp triển khai, người dùng sẽ nắm được.

“Yêu cầu cơ bản của chúng ta làm thế nào để người dùng có thể phân biệt rõ ràng đầy đủ về việc thông tin con số của số điện thoại qua tin nhắn là số thật hay số giả, số do người ta tự điền hay mạo danh. Tùy các doanh nghiệp có thể nghiên cứu các biện pháp xử lý khác nhau, nhưng chắc chắn cần nhanh chóng giải quyết triệt để vấn đề này trước ngày 15-8” – ông Vũ Quốc Khánh – Giám đốc VnCert nói.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng – VP Luật sư Thắng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội):

"Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự"

Việc nhắn tin giả mạo, tùy vào hậu quả gây ra, có thể bị xử lý từ hành chính đến hình sự. Nếu mức độ không nghiêm trọng, chỉ là trò đùa vô hại không có chủ ý thì có thể bị khiển trách, nhắc nhở, phạt hành chính. Nhưng nếu hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các nạn nhân (người sở hữu hợp pháp số điện thoại bị giả mạo – nếu có, và người nhận được tin nhắn giả mạo) thì có thể bị xử lý hình sự tùy theo hành vi mà việc nhắn tin và nội dung tin nhắn chứa đựng.

Theo NhanDan



Bình luận

  • TTCN (3)
Tiến_cuong

Chỉ là cách nói...để kiếm tiền

Các ông các bà nói nhăng nhít cho qua chuyện cũng như tỏ ra quan tâm đến khách hàng, nhưng thực sự không phải vậy...điển hình như mạng mobifone vừa đoạt giải 2010 gì đó là nhờ báo e_CHip cũng không ra gì. Để tin nhắn rác tràn lan. Trực tiếp lên trung tâm mobi (BHTQuan _Q.3) khiếu nại mới phát hiện thì ra nhân viên của mobi là những người phát tán tin nhắn rác..! lấy thông tin đăng ký của khách hàng quãng cáo, đúng là không ra gì...và đi khiếu nại là ngớ ngẩn. Xài hết tiền bỏ cho xong..

ruồi..!

Minh Tuấn

Mạng nào cũng như nhau cả thôi. Nơi nào mà chẵng có con sâu làm rầu nồi canh. Bác có chắc rằng mạng vina, viettel không có tin nhắn rác.

tuananhgt1987

nói thì dễ làm mới khó , vì thực ra khi hệ thống mạng công cộng như hiện nay thì rât khó để tìm & phát hiện ra các tin nhắn hay người người gửi các tin nhắn giả mạo đó ,vì các website để gửi tin nhắn tới các thuê bao di động thì hấu hết là các website nước ngoài ( nên rất khó để phát hiện và quản lý ) , thứ 2 là hầu hết người phát tán các tin nhắn giả mạo đó họ thường dùng ở các quán internet công cộng ( vậy nếu có truy ra được qua địa chỉ IP thì cũng không biết là ai đã gửi tin nhắn đó !)

vậy nên chủ yếu là người dùng đt phải tự cảnh giác là chính thôi !