Khuyến mại tràn lan là một trong những nguyên nhân không quản lí được thuê bao trả trước.

Ngày 30/5, Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin - Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng đã đối thoại trực tuyến về quản lí thuê bao di động trả trước. Nếu coi đây là đợt "tổng kết" thì sẽ thấy: Chưa thể quản lí được, đơn giản vì lỗ hổng quá nhiều.

90% thông tin quản lí là không chính xác

Chính sách quản lí thuê bao di động trả trước (TBTT) đã có hiệu lực từ lâu. Đặc biệt, chính sách này đã có hàng năm ròng để “tập dượt”. Đến tháng 1/2010, sau đó lùi lại đến hết tháng 3/2010 được coi là hạn “chốt” quản lí TBTT với việc cắt dịch vụ những TBTT không khai báo, “chốt” quy định cá nhân chỉ được dùng 3 sim/mạng...

Ngay khi bắt đầu cuộc đối thoại, độc giả Trịnh Ngọc Hiếu (TPHCM) đã... tự thú khi cho biết: “Tôi dùng TBTT gần 3 năm nay, tôi chưa đi đăng kí khai báo thông tin đầy đủ theo yêu cầu của các nhà mạng, nhưng thuê bao của tôi vẫn hoạt động bình thường (?)”. Từ cách “đặt vấn đề” của độc giả này đã cho thấy cơ quan quản lí cùng các DN chưa quản lí được TBTT.

Theo thống kê, có đến 90% trong số gần 90 triệu thuê bao di động hiện nay là TBTT. Thế nhưng trong đợt kiểm tra đầu năm 2010, Thanh tra Bộ TT&TT đưa ra phát hiện... giật mình khi có tới 90% tổng số TBTT khai báo thông tin cá nhân không chính xác. Theo thống kê của các nhà mạng, có ít nhất 3 triệu thuê bao di động trả trước đang bị trùng tên nhau.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên thì tình trạng “mua đi bán lại” TBTT vẫn đang diễn ra tràn lan. Thậm chí, nhiều đại lí vẫn thoải mái đăng kí thông tin ảo, thông tin ma, sau đó kích hoạt sim để hưởng hoa hồng; bản thân các DN viễn thông cũng... không cần quan tâm thông tin TBTT đăng kí là đúng hay sai, mà họ chỉ cần bán được càng nhiều sim số càng tốt.

Một thực tế khác được độc giả phản ánh, đại diện Bộ TT&TT phải thừa nhận chính là tình trạng lãng phí tài nguyên sim số. Trên thực tế, VN chỉ có khoảng trên dưới 40 triệu người sử dụng điện thoại di động, song lượng sim số phát hành ra đã lên đến con số 90 triệu. Điều đó có nghĩa ít nhất hơn 40 triệu sim số vốn được coi là “tài nguyên” đã bị biến thành rác.

Hệ lụy vẫn tiếp diễn

Cho đến bây giờ, khách hàng muốn mua sim số không cần đăng kí thông tin cá nhân vẫn có thể thực hiện được. Đơn giản là đại lí sẽ dùng thông tin ma, thậm chí là “chiếm đoạt thông tin cá nhân” của người khác để đăng kí cho sim số đó.

Chưa hết, lượng sim số vẫn tiếp tục tăng từng ngày (ước tính khoảng trên dưới 1,5 triệu sim số/ngày ở tất cả các mạng di động) do phương thức bán sim cộng tiền thưởng vào tài khoản. Chính vì thế, lượng người dùng di động vẫn thế (hoặc tăng không đáng kể), nhưng lượng “tài nguyên” biến thành sim rác ngày càng nhiều. Từ đây, hàng loạt hệ lụy kéo theo.

Độc giả Nguyễn Quốc Việt (Kon Tum) phản ánh: “Hằng tuần, tôi nhận được nhiều spam tin nhắn, tin nhắn quảng cáo. Giờ đây tin nhắn spam ngày càng nhiều”.

Theo các chuyên gia, đây chính là hệ lụy của việc chưa quản lí được TBTT. Việc bán sim giá 40.000đ, nhưng lại có tới gần 200.000 trong tài khoản; tiếp đó là tình trạng khuyến mãi tràn lan, miễn phí cuộc gọi, tin nhắn nội mạng... chính là lỗ hổng “giúp” TBTT thích nhắn tin quấy rối ai, quảng cáo cái gì, bất kì lúc nào đều có thể dễ dàng thực hiện được.

Đến đây, câu hỏi được độc giả đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lí ra sao, của các DN viễn thông như thế nào? Câu trả lời dễ, nhưng... bỗng thành khó. Dễ là bởi đã có đủ các loại nghị định, thông tư, văn bản pháp quy để ràng buộc trách nhiệm và xử phạt. Nhưng khó là ở chỗ tình trạng này diễn ra tràn lan, ngày này qua tháng khác.

Anh Hà Văn Tám (Phú Thọ) cho biết: Có khi khiếu nại cả năm cũng không xuể. Thậm chí, ngay cả khi khách hàng khiếu nại thì nhà mạng cũng không tìm ra ai là người thực hiện cuộc gọi, tin nhắn quấy rối. lí do là khi truy ra, chủ TBTT đó hoặc chưa đăng kí thông tin, hoặc thông tin không chính xác.

Kết thúc cuộc đối thoại, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện chế tài để quản lí chặt, xử lí nghiêm các hình thức vi phạm của TBTT. Tuy nhiên, có lẽ phải còn rất lâu nữa mới có thể quản lí được TBTT khi mà các DN viễn thông vẫn phát hành sim và khuyến mãi tràn lan, các đại lí vẫn lách luật bằng cách đăng kí thông tin ma, thông tin ảo.

Đặc biệt, ngay cả khi các DN muốn quản lí thì cũng... quá khó khi mà họ không hề có cơ sở dữ liệu đối chiếu thông tin cá nhân TBTT từ cơ quan công an. Hệ quả cuối cùng là tài nguyên sim số bị lãng phí, còn NTD chân chính vẫn phải hứng “bom” quấy rối bằng cuộc gọi hoặc tin nhắn rác.

Khoảng 500.000 chủ thuê bao sở hữu từ 50 số di động (sim số) trở lên. Đây chủ yếu là đại lí, điểm giao dịch tự kích hoạt sim số (bằng thông tin ma, thông tin ảo...) để hưởng hoa hồng 12.000đ/sim.

Hàng chục tỉ đồng: Là số tiền các DN xử phạt đại lí vi phạm đăng kí TBTT. 76 triệu đồng là số tiền Thanh tra Bộ TT&TT xử phạt đối với các chủ điểm giao dịch ủy quyền và chi nhánh vi phạm quy định quản lí TBTT. Ngoài ra còn có hàng trăm đại lí bị cắt hợp đồng bán sim.

Theo Lao Động.




Bình luận

  • TTCN (0)