Nhà mạng đã phát hiện ra một số đối tác tạo nhu cầu dịch vụ ảo để trục lợi Ảnh minh họa: Đ.T

Hiện tượng sim chỉ có tài khoản khuyến mại bán tràn lan trên thị trường là do một số công ty dịch vụ nội dung bắt tay với đại lý để trục lợi nhà mạng, nguồn tin từ MobiFone cho biết.

Với một bộ kit trả trước 65.000 đồng, giá bán buôn cho đại lý là 48.000 và đến tay người tiêu dùng biến động từ 48.000 đến 55.000 (sim nguyên bản). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các đại lý sau khi nhập sim từ nhà mạng đã bán phần tài khoản chính (50.000 đồng) cho một số công ty dịch vụ nội dung, giữ lại phần khuyến mại để bán cho khách hàng thông thường. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sim bán ra chỉ có tài khoản khuyến mại mà không có tài khoản chính, một lãnh đạo của MobiFone tiết lộ.

Ông này khẳng định, không thể có chuyện đại lý dùng 50.000 đồng ở tài khoản chính để nạp tiền điện tử bởi việc bán như vậy rất chậm và dễ bị đọng vốn. Trong khi sim thẻ là loại hàng tiêu dùng cực nhanh thì việc phải bán gấp (dù lợi nhuận thấp) được đặt lên hàng đầu.

Ở điều kiện bình thường, các công ty nội dung không thể tự mua sim nhắn tin tới đầu số mình cung cấp dịch vụ. Giá mua một sim tối thiểu là 48.000 đồng mà tài khoản chính chỉ được 50.000 (tiền khuyến mại không dùng được dịch vụ gia tăng) nên công ty nội dung mua sim để nhắn sẽ lỗ.

Tuy nhiên, với việc bắt tay với các đại lý, chiếc sim được bán 2 lần: tài khoản chính cho các công ty nội dung, tài khoản khuyến mại cho khách hàng cuối cùng với giá 35.000 đồng. Nhờ có người cùng trả tiền, giá mua tài khoản chính của các công ty nội dung giảm rất mạnh chỉ còn khoảng 32.000 đồng hoặc thấp hơn tùy khối lượng. Khi đã mua được tài khoản chính với giá rẻ, các đơn vị này dùng phần mềm nhắn tin tới các đầu số mà họ đang cung cấp để kiếm lợi.

Với tỷ lệ được chia từ nhà mạng khoảng 65% đến 70% trên giá trị tin nhắn, việc mua tài khoản chính với giá 60% để nhắn tin cũng giúp các công ty này thu được một khoản chênh lệch đáng kể mà không tốn bất cứ khoản tiền quảng cáo nào.

Trao đổi với ông Phạm Ngọc Tú Trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone cho biết, mạng này đã phát hiện những dấu hiệu tương tự từ một số công ty dịch vụ nội dung. Tuy nhiên, VinaPhone cần điều tra thêm để có chứng cứ rõ ràng và xác minh hành vi để có biện pháp xử lý. “Những công ty trục lợi sẽ bị cảnh cáo hoặc có biện pháp xử lý mạnh hơn nếu tiếp tục vi phạm”, ông Tú nói.

Còn một lãnh đạo cấp cao của Viettel thì cho biết, về mặt bản chất hành động này của các công ty nội dung không vi phạm pháp luật và nhà mạng cũng đã thu đủ tiền. Tuy nhiên, nhu cầu về dịch vụ được tạo ra là ảo và hành động này có biểu hiện trục lợi bởi công ty tự mua sim để nhắn vào đầu số của mình để thu lợi nhuận chứ không do khách hàng dùng thực sự.

Ông này tiết lộ, trước đây, Viettel đã từng có biện pháp rất cứng rắn nên hiện tượng tạo nhu cầu ảo đã giảm rất nhiều. Trong lần này, Viettel sẽ rà soát lại, các trường hợp trục lợi sẽ bị xử lý nghiêm.

Tổng giám đốc một công ty nội dung lớn ở miền Bắc cho biết, các đơn vị mua tài khoản chính từ sim khuyến mại rồi tự nhắn tin tạo doanh thu là hành động dại dột. Năm trước, một số công ty đã bị các mạng di động từ chối thanh toán vì những vụ việc tương tự. Nhưng ông này cũng tiết lộ, một số công ty do quá khó khăn vì các mạng giảm mạnh tỷ lệ ăn chia nên họ mới làm liều.

Theo VnExpress



Bình luận

  • TTCN (0)