Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng thuê bao di động phát triển mới lớn nhất toàn cầu trong quý I/2010.

Thị trường viễn thông Việt Nam là một trong những địa chỉ phát triển mạnh di động trên thế giới. Theo nguồn của Ericsson, tính đến hết quý I/2010, Việt Nam đứng thứ tư trong Top 5 các quốc gia có số lượng thuê bao mới nhiều nhất.

Phát triển thuê bao di động mới của Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ (53 triệu), Trung Quốc (28 triệu), Indonesia (13 triệu) và cùng đạt 8 triệu thuê bao mới với Braxin.

Trong số gần 5 tỉ thuê bao di động trên toàn cầu, có tới 70% trong số đó là thuê bao trả trước. tỉ lệ thuê bao di động trả trước của Việt Nam còn cao hơn vậy với tỉ lệ trên 90%.

Theo Ericsson, tính tới thời điểm này, thế giới có 4,8 tỉ thuê bao di động và mật độ di động toàn cầu là 70%. Tốc độ tăng trưởng thuê bao trung bình hàng năm là 16%.

Với riêng băng rộng di động, hiện tại trên thế giới có 400 triệu người sử dụng băng rộng di động và sẽ tăng lên mức 3,5 tỉ vào năm 2014. Châu Á tập trung 60% dân số toàn cầu và tính tới Quý 1/2010, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 44% tăng trưởng số lượng thuê bao di động mới.

Tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, mật độ sử dụng di động là 56% dân số và mỗi tháng có gần 9 triệu thuê bao mới.

Năm 2009 với tốc độ tăng trưởng GDP là 8%, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về mức độ tiêu dùng. Trung Quốc cũng là thị trường viễn thông lớn nhất thế giới với số lượng 800 triệu thuê bao di động và 380 triệu người dùng Internet.

Thị trường viễn thông Trung Quốc rất đa dạng. Thoại là hình thức chủ yếu đối với di động ở vùng nông thôn, dự kiến khoảng 30% dân số khu vực này đã được truy cập tới các dịch vụ di động.

Nông thôn Trung Quốc cũng đã kết nối với Web, với gần 107 triệu kết nối Internet tính tới đầu năm 2009, tăng 26% so với 2008. Khoảng 30% thu nhập của các nhà mạng là từ dịch vụ dữ liệu, chủ yếu từ nhóm tiêu dùng thành thị. 87% giới trẻ thành thị Trung Quốc sử dụng Internet hàng ngày.

Sự đa dạng trong nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng Trung Quốc tạo ra những cơ hội rất lớn về băng rộng di động ở cả lĩnh vực GSM và TD-LTE. Xu hướng tiêu dùng của đối tượng thành thị Trung Quốc được đánh giá ngang với đối tượng đô thị ở các nước phát triển.

Theo VnMedia.




Bình luận

  • TTCN (0)