Ông Hà Minh Mạnh trả lời PV VietNamNet.

Chỉ còn vài tháng nữa, vệ tinh đầu tiên của VN - Vinasat - sẽ được phóng lên quỹ đạo. Trong đợt kiểm tra tiến độ sản xuất tại Mỹ vừa qua, đoàn khảo sát cho biết đã có tới 2/3 hạng mục công việc đã được hoàn thành.

Ông Hà Minh Mạnh, Trưởng phòng Đầu tư - Thương mại, Ban Vinasat (thuộc VNPT) đã trao đổi cụ thể với VietNamNet xung quanh quá trình vận hành, hoạt động và khai thác kinh doanh của vệ tinh này.

PV: Mới đây, VN đã xin ITU gia hạn hồ sơ đăng ký Vinasat. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc này?

Lý do gia hạn hồ sơ đăng ký vì trước đây VN đăng ký với ITU là đến ngày 23/05/2008 phải có vệ tinh trên quỹ đạo. Theo qui định của ITU, nếu sau thời điểm này, VN không có vệ tinh thì sẽ không được sử dụng vị trí quỹ đạo đã đăng ký.

Tuy nhiên, thời gian từ khi ký hợp đồng sản xuất vệ tinh cho đến thời điểm này là tương đối ngắn nên chúng ta muốn gia hạn thời gian dài hơn. ITU cho phép gia hạn hồ sơ trong trường hợp phóng trễ - nếu đến trước 23/05 không phóng được thì gia hạn thêm 1 hoặc 2 năm nữa.

PV: Vùng phủ sóng của vệ tinh Vinasat đến đâu, thưa ông?

Vị trí quỹ đạo của Vinasat là 132 độ đông. Vệ tinh trị giá khoảng 180 triệu USD (cả tiền phóng - PV). Tổng mức đầu tư của cả dự án là hơn 200 triệu USD. Vùng phủ của Vinasat là Việt Nam, Lào, Campuchia, một số nước Đông Á, Ấn Độ, Australia…

PV: Khi đề xuất việc phóng vệ tinh với quốc tế, VN gặp những khó khăn gì?


Đây là vệ tinh đầu tiên của VN được phóng lên quĩ đạo, quyết định thành lập dự án này năm 2005, có Ban chỉ đạo quốc gia của dự án do Thủ tướng đứng đầu.

Khó khăn lớn nhất khi thực hiện dự án là vấn đề đàm phán vị trí quĩ đạo. Vệ tinh cao khoảng 4m, nặng 2,7 tấn. Vệ tinh Vinasat phải có vị trí trên quĩ đạo. Như vậy, trước khi phóng phải đàm phán với các nước có vệ tinh nằm xung quanh để không bị can nhiễu. VN phải đàm phán với các nước có vệ tinh lân cận. Quá trình đàm phán này đã kéo dài.

VN đăng ký với ITU vị trí quỹ đạo từ năm 1999 và đến nay việc đăng ký đã hoàn thành. VN đã kết thúc đàm phán với vệ tinh gần nhất của mình (vệ tinh JSAT của Nhật Bản) và thống nhất sơ bộ hai bên định ra cơ chế để 2 vệ tinh không đụng vào nhau.

Ý tưởng đầu tiên phóng vệ tinh xuất phát từ việc các DN VN đang phải trả 1 khoản ngoại tệ lớn để thuê các vệ tinh của nước ngoài. Nếu có vệ tinh riêng của mình thì chúng ta sẽ không phải thuê nữa, sẽ tiết kiệm chi phí. Vị trí quỹ đạo do chúng ta đã đăng ký với ITU thì được toàn quyền sử dụng còn việc truyền phát thế nào thì tuỳ vào từng DN.

Ảnh
Mô hình vệ tinh Vinasat (ảnh do Ban Vinasat VNPT cung cấp).



PV: Xin ông cho biết tiến độ công việc tính đến thời điểm này?

Vệ tinh Vinasat đang trong giai đoạn tích hợp và lắp ráp. Sau giai đoạn này, sẽ có một buổi các bên xem xét lại toàn bộ vệ tinh đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để đưa ra bãi phóng hay chưa. Nếu đáp ứng đủ điều kiện thì vệ tinh sẽ được đưa ra bãi phóng. Và không có giai đoạn phóng thử.

Nhà cung cấp dịch vụ phóng sẽ đưa ra một ngày phóng dựa trên các điều kiện thời tiết, và các điều kiện kỹ thuật khác. Vệ tinh sẽ được chuyển ra bãi phóng để đo thử rồi mới tiến hành phóng.


Ngày 28/03/2008 là ngày dự kiến phóng vệ tinh Vinasat trong hợp đồng, vì đến thời điểm này là hết giai đoạn sản xuất. Việc phóng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong một ngày chỉ có một thời điểm thích hợp về thời tiết để phóng, trong vòng có mấy phút thôi. Vào đúng thời điểm đó nếu điều kiện thời tiết, tự nhiên không tốt, thì khó có thể phóng được.

Sau khi tích hợp và lắp ráp vệ tinh tại nhà máy sản xuất ở Mỹ, các bên thống nhất và sẽ chuyển ra bãi phóng ở Nam Mỹ. Đây là bãi phóng dành riêng cho tên lửa Ariane (Pháp) vì trên thế giới có rất nhiều bãi phóng tuỳ vào từng loại tên lửa.

Đến bãi phóng, chúng tôi sẽ kiểm định vệ tinh lại một lần nữa trước khi phóng, xem trong quá trình vận chuyển có bị dịch chuyển hay hỏng hóc bộ phận nào không.

PV: Có trường hợp nào vệ tinh khi phóng lên nhưng không thành công không, thưa ông?


Việc phóng vệ tinh rất rủi ro: đã từng có trường hợp nổ tại bãi phóng luôn. Vì lẽ đó, VNPT có hợp đồng bảo hiểm cho việc phóng vệ tinh này (chọn Bảo Việt). Tùy theo tên lửa phóng, mức độ thành công sẽ khác nhau.

Theo tôi biết, tên lửa Ariane có độ tin cậy cao (99%). Vệ tinh tích hợp vào tên lửa, khi tên lửa phóng vào quĩ đạo thì vệ tinh đó tự tách ra khỏi tên lửa. Rủi ro chủ yếu nằm ở tên lửa. Vệ tinh như hành khách trên tên lửa thôi!

Nhà cung cấp dịch vụ phóng là Ariane (Pháp) còn nhà sản xuất vệ tinh là Lockheed Martin (Mỹ). Các bên kiểm định gồm nhà sản xuất, đại diện Việt Nam là VNPT, nhà tư vấn (Telesat - Canada). Nếu theo tiến độ sản xuất hiện tại thì không có vấn đề gì lớn, mình chỉ lo ngại khi ra bãi phóng thì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, thiên nhiên.

Ảnh
Trưởng ban Vinasat VNPT Hoàng Minh Thống và lãnh đạo Lockheed Martin kiểm tra tiến độ sản xuất Vinasat tại nhà máy. (Ảnh do VNPT cung cấp)

PV: Sau khi phóng vệ tinh lên quỹ đạo thành công, các bước triển khai tiếp theo là gì?

Sau khi vệ tinh phóng lên quỹ đạo thì sẽ mất thời gian trung bình 1 tháng để đo thử xem vệ tinh hoạt động chưa, có đáp ứng điều kiện không, đo xem giữa mặt đất và vệ tinh đã kết nối với nhau chưa, chất lượng kết nối thế nào...

Sau đó, bên Mỹ sẽ bàn giao cho Việt Nam khai thác và kinh doanh. Chúng tôi cũng đo thử bằng trạm vệ tinh mặt đất tại trạm chính ở Quế Dương (Hà Tây) và trạm phụ Bình Dương.

PV: Những dịch vụ được ứng dụng từ vệ tinh Vinasat là gì?


Vệ tinh này sẽ dùng nhiều cho mục đích truyền hình, viễn thông, y tế từ xa, giáo dục từ xa, phát hình di động... Dung lượng của vệ tinh rất lớn. Nếu đường cáp quang bị đứt, vệ tinh sẽ backup được cho toàn bộ hệ thống. Lợi ích mang lại không thể tính bằng tiền.

Đối với mỗi quốc gia, mạng thông tin như mạch máu. Mạng thông tin càng hoàn chỉnh bao nhiêu thì sức khỏe của mạng viễn thông tốt bấy nhiêu. Hầu như các nước trên thế giới đều có vệ tinh riêng. Khi đường truyền cáp bị đứt thì vệ tinh sẽ hỗ trợ bởi vệ tinh không phụ thuộc vào đường dây, khắc phục tình trạng gián đoạn thông tin liên lạc.

PV: Việc kinh doanh vệ tinh Vinasat của VN trên thị trường khu vực như thế nào?

Bài toán là làm sao chúng ta thu hút được các nước sử dụng vệ tinh VN vì Thái Lan hiện đã có 5 quả vệ tinh, Malaysia cũng có 5 quả… Thực ra, việc kinh doanh vẫn có thể triển khai được do nhu cầu ở những nước này rất lớn.

Tuy nhiên, các phương án kinh doanh gặp khó khăn do cơ sở khách hàng ban đầu chưa có, nhu cầu trong nước chưa lớn; kinh nghiệm kinh doanh chưa có (không chỉ bán băng tần trong VN mà còn bán ra cả các nước trong khu vực).

Dự định theo phương án kinh doanh, chúng ta phải mất 10-12 năm hoàn vốn đầu tư tuỳ thuộc vào quá trình kinh doanh.

PV: Giống như tình trạng can nhiễu băng tần, vậy vùng phủ sóng bằng vệ tinh có khi nào mất liên lạc không?


Cũng có thể xảy ra can nhiễu giữa các vệ tinh, nên các nước phải đàm phán, phối hợp để có những thoả thuận phối hợp tần số. Trong quá phát sóng thì vệ tinh cũng có thể mất liên lạc. Trong hợp đồng có khoá đào tạo cho cán bộ VN, khoá đầu tiên học ở Mỹ đã kết thúc.

Khi các trạm điều khiển hoàn thành thì chuyên gia Mỹ sẽ sang đào tạo, chuyển giao công nghệ cho cán bộ VN tại trạm. Hợp đồng có bảo hành 2 năm tuỳ theo từng hạng mục. Tuổi thọ của Vinasat tối thiểu là 15 năm. Nhưng cũng có thể kéo dài tới 20 năm. Sau thời gian này có thể phóng vệ tinh mới, vệ tinh cũ thì đẩy vào quỹ đạo rác.

PV: Xin cảm ơn ông!


Theo Hoàng Hùng (Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)