Kết thúc 2010, VNPT tuyên bố con số doanh thu khoảng 101.569 tỷ đồng.

Không tuyên bố sẽ “qua mặt” VNPT trong cuộc chạy đua cán đích doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2010 nhưng Viettel đã âm thầm cho cuộc “lật đổ” mang tính lịch sử này. Tuy nhiên, mục tiêu này của Viettel vẫn chưa thành hiện thực trong năm 2010.

VNPT ở thế bị “dồn vào chân tường”

Nhìn vào các tuyên bố mục tiêu tăng trưởng của VNPT và Viettel đầu năm 2010 có thể suy luận, Viettel sẽ “lật đổ” đế chế VNPT để đứng đầu về doanh thu khi cán đích con số 100.000 tỷ đồng. Sở dĩ có thể suy luận như vậy bởi ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VNPT cho biết, trong năm 2009 VNPT đạt doanh thu 78.600 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2008, lợi nhuận đạt 13.500 tỷ đồng. Năm 2010, thị trường sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, VNPT đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 20% và lợi nhuận trên 10%. Như vậy, doanh thu trong năm 2010 của VNPT sẽ đạt khoảng 94.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, năm 2009 Viettel đạt được doanh thu 60.000 tỷ đồng, lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Năm 2010 Viettel đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, với tốc độ ít nhất là 60%. Như vậy, doanh thu của Viettel trong năm 2010 sẽ khoảng 96.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, nếu mục tiêu của Viettel trở thành hiện thực thì lần đầu tiên trong lịch sử viễn thông Việt Nam, một doanh nghiệp có tuổi đời 10 năm ra nhập thị trường viễn thông đã “lật đổ” doanh nghiệp có tuổi đời trên 60 năm.

Giới truyền thông cho rằng, khi VNPT bị “đẩy vào chân tường” doanh nghiệp này tự khắc sẽ phải gồng mình mạnh hơn để không bị “đàn em” Viettel “qua mặt”. Tháng 8/2010, VNPT lần đầu tiên có tuyên bố mạnh mẽ doanh thu của mình sẽ vượt qua con số 100.000 tỷ đồng. Trả lời Báo Bưu điện Việt Nam thời điểm đó, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết: “Năm nay, chúng tôi phấn đấu đạt mục tiêu trên 100.000 tỷ đồng. Kết quả 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã đạt được trên 43 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 42% mục tiêu (tăng trưởng 29% so với năm 2009). Qua những kết quả đã đạt được, chúng tôi đánh giá con số trên 100 nghìn tỷ đồng là hết sức khả thi. Hiện nay chúng tôi đang tập trung vào nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt cao hơn kế hoạch đã đề ra”.

Để theo đuổi cuộc đua này, VNPT đã đẩy trọng trách rất lớn trên hai quả đấm thép của mình là MobiFone và VinaPhone. Hai mạng di động này sẽ gánh khoảng 70% doanh thu cho VNPT trên con đường cán đích 100.000 tỷ đồng.

Ảnh
Viettel chưa thể “lật đổ” VNPT trong cuộc đua cán đích doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2010.

Viettel chưa thể “soán ngôi” VNPT

Khi giới truyền thông dấy lên câu chuyện về cuộc đua 100.000 tỷ của hai “đại gia” trong làng viễn thông Việt Nam, ở một chừng mực nào đó cũng đã gây áp lực đối với những người có trách nhiệm của VNPT. Những lo lắng để biến thành hành động của VNPT đã phát huy những hiệu quả ban đầu. Kết thúc năm 2010, VNPT cũng đã “thở phào” khi doanh nghiệp này tuyên bố cán đích con số doanh thu khoảng 101.569 tỷ đồng. Đây là con số được đánh giá là thành công lớn đối với VNPT khi mà “át chủ bài” của doanh nghiệp này là dịch vụ di động luôn trong cảnh liên tục chạy đua khuyến mãi, giảm cước.

Trong khi VNPT cán đích con số doanh thu đạt trên 100.000 tỷ đồng thì Viettel mới đạt doanh thu trên 90.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng khoảng 50% so với năm 2009. Như vậy, Viettel chưa thể “lật đổ” VNPT trong cuộc chạy đua cán đích 100.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trong cuộc chạy đua vượt qua mốc 100.000 tỷ đồng, rất có thể hai “đại gia” này sẽ áp dụng chiến thuật “phù phép” để tính doanh thu. Nếu quả thực như vậy thì những con số về doanh thu cũng không còn mấy ý nghĩa. Trong khi đó, cũng có ý kiến nghi ngờ về độ lớn của thị trường viễn thông Việt Nam để hai đại gia cán đích con số 100.000 tỷ đồng. Đương nhiên, trong số tổng doanh thu đó, còn có doanh thu đến từ các dịch vụ khác như bất động sản, tài chính, song doanh thu từ viễn thông vẫn chiếm phần chính.

Mới đây, giới truyền thông đã đăng tải thông tin công ty nghiên cứu thị trường Pyramid vừa chính thức công bố bản báo cáo “Thị trường Viễn thông Việt Nam: Dịch vụ 3G và sự cạnh tranh mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng cao”. Theo bản báo cáo này, doanh thu dịch vụ viễn thông của Việt Nam năm 2010 đạt con số 5,9 tỷ USD, tăng trưởng gấp đôi so với năm 2007. Phần lớn sự tăng trưởng này là từ lĩnh vực di động và lĩnh vực này vẫn sẽ chiếm phần lớn doanh thu dịch vụ viễn thông cho đến tận năm 2015. Như vậy, tổng doanh thu từ dịch vụ viễn thông Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 120.000 tỷ đồng/năm. Nếu cộng tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam và các con số nghiên cứu của Pyramid chắc chắn sẽ có sự chênh nhau. Một số chuyên gia cho rằng, chừng nào khi các “đại gia” viễn thông Việt Nam chưa lên sàn chứng khoán thì yếu tố minh bạch sẽ là thứ “xa xỉ”.

Năm 2011: Viettel tăng tốc, VNPT có thể bị soán ngôi

Kết thúc kế hoạch năm 2010 với doanh thu trên 90.000 tỷ đồng, Viettel đặt mục tiêu sơ bộ sẽ đạt doanh thu trong năm 2011 ở mức gần 110.000 tỷ đồng. Thế nhưng, mới đây Viettel đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng ở mức mạnh mẽ và đột phá hơn với chỉ tiêu doanh thu khoảng 130.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, mức tăng trưởng của Viettel trong năm 2011 sẽ phải dựa thêm nhiều vào những lĩnh vực mới như đầu tư nước ngoài, sản xuất thiết bị.

Trong khi đó, VNPT dự kiến đưa ra mục tiêu doanh thu trong năm 2011 khoảng trên 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là VNPT sẽ nhắm đến dịch vụ gì để tăng trưởng doanh thu.

Mục tiêu của hai “đại gia” VNPT và Viettel cho thấy, Viettel có “cửa” mới để tăng doanh thu, nhưng sẽ vô cùng khó khăn với VNPT. Nếu mục tiêu của Viettel “xuôi chèo mát mái” thì năm 2011 sẽ là năm “tượng đài” VNPT sẽ bị soán ngôi bởi Viettel. Rất có thể VNPT sẽ có những tuyên bố lại về mục tiêu doanh thu của mình sau khi Viettel tiếp tục “nhấn ga” tăng tốc. Cho dù cả VNPT và Viettel đã từng đề cập đến chuyện những con số về doanh thu không mang mấy ý nghĩa bởi họ có nhiều mục tiêu theo đuổi khác. Nhưng dẫu sao cuộc đua này cũng là động lực tốt để cả hai “đại gia” viễn thông phát triển mạnh hơn.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (3)
Nguyễn Thành Sơn  41

Lợi nhuận chỉ 10%/ năm thì sao không gửi ngân hàng nhỉ?

Nguyễn Nam  7

Gửi bạn Nguyễn Thành Sơn

Bạn cần phân biệt doanh thu và vốn.

Doanh thu của họ là 100.000 tỷ. Chứ không phải họ có 100.000 tỷ trong túi để gửi ngân hàng.

Ví dụ bạn có vốn 1 tỷ đồng. Bạn mua hàng giá 1 tỷ, bán ra 1,1 tỷ.

Bạn đi buôn 1 năm được 10 vòng mua vào bán ra. Như thế doanh thu là 11 tỷ. Lời 1 tỷ. Nếu gửi ngân hàng thì bạn chỉ có 1 tỷ để gửi thôi. Lấy đâu ra 11 tỷ để gửi ?
 

Trương Nhựt Phong

aaa