Yuri Milner là người điều hành Mail.ru Group, tập đoàn có giá trị khoảng 8 tỉ USD trên sàn chứng khoán London.

Danh sách tỉ phú mới trong làng công nghệ của Tạp chí Forbes vừa công bố năm nay có một tên tuổi mới đến từ Nga, đó là Yuri Milner.

Yuri Milner là người điều hành hai công ty rất nổi tiếng ở Nga là Quỹ đầu tư DTS Global (trước đây có tên Digital Sky Technologies) và Mail. ru Group, tập đoàn điều hành một loạt website lớn của Nga thu hút khoảng 70% lưu lượng truy cập của nước này và có giá trị khoảng 8 tỉ USD trên sàn chứng khoán London.

Tuy nhiên, tên tuổi của Yuri Milner chỉ thực sự được giới công nghệ thế giới biết đến sau khi ông đầu tư hàng chục triệu đô la vào những công ty Internet mới Facebook, Zynga và Groupon. Những khoản đầu tư ban đầu của Milner vào Facebook (ông kiểm soát khoảng 10% cổ phần của mạng xã hội này), công ty game xã hội Zynga và mạng mua sắm giảm giá theo nhóm Groupon (Milner kiểm soát 5% cổ phần mỗi công ty), đã tạo ra khoản lợi nhuận kinh hoàng, ít nhất là trên giấy tờ. Cả ba công ty trên hiện đang được định giá nhiều tỉ USD. Cổ phần của Milner ở Facebook, với đầu tư ban đầu 800 triệu USD, bây giờ có trị giá khoảng 5 tỉ USD.

Thành công từ các thương vụ đầu tư này đã đưa Milner trở thành tỉ phú và được xếp vào hàng ngũ những “cao thủ” đầu tư công nghệ ở Silicon Valley. Cách Milner tham gia cuộc chơi đầu tư mạo hiểm đã khiến giới đầu tư bất ngờ bởi đó là kiểu mà họ chưa từng thấy. Milner có 3 thư kí và hơn hai chục nhân viên, trong đó có nhiều người từng làm ở ngân hàng danh tiếng Goldman Sachs, chuyên đi tìm hiểu các công ty Internet để rót vốn đầu tư và kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư ở Singapore, Dubai đến London. Milner liên lạc với những nhân viên này bất kì lúc nào khi cần.

“Khi Yuri Milner nảy ra ý tưởng vào lúc 2 giờ sáng, ông ta sẽ triệu tập cuộc ngay sau đó”, một người làm việc tại DST tiết lộ. Marc Andreesen, thành viên trong ban điều hành của Facebook đã từng gọi các nhân viên của DST là “những bách khoa thư di động của các mô hình kinh doanh Internet”.

Milner đặt niềm tin vào những công ty được đánh giá cao. Một khi đầu tư, ông không tham gia hội đồng điều hành của các công ty đó và cũng ít khi xuất hiện ở những công ty mà ông đầu tư. Những doanh nhân đứng đằng sau Facebook, Groupon hoặc Zynga có khi vài tháng không gặp Milner là chuyện bình thường.

Các cổ phần Milner mua ở Facebook, Zynga và Groupon được chia đều giữa Mail. ru và DST Global. Milner sở hữu phần nhỏ lợi nhuận trong tài sản ở cả hai công ty này. Không có thông tin về số cổ phần mà ông sở hữu nhưng Forbes ước tính khoảng 10-15%.

Ảnh
Yuri Milner chỉ có 57 người bạn trên Facebook.

Không có công thức đầu tư

“Có chính kiến rõ ràng, đó là điều khiến Yuri Milner trở thành nhà đầu tư lớn. Ông ấy biết những dạng công ty mình muốn và mua dựa trên các xu hướng. Ông ấy không quan tâm khi nhiều người cho rằng ông đã trả giá quá cao“, Eric Lefkofsky, đồng sáng lập và cổ đông lớn nhất của Groupon nhận xét. “Một số công ty đầu tư mạo hiểm nghĩ rằng họ mới là những nhà đầu tư sành sỏi nhưng thực ra không phải. Họ luôn lo lắng với mỗi thương vụ”.

Sau thương vụ đầu tư vào Facebook, Zynga và Groupon, Milner cho biết DTS Global đang tìm kiếm hai hoặc ba thương vụ với khoản đầu tư tương tự như họ đã rót vốn vào Facebook và Zynga. Thương vụ thứ 4 gần như đã được xác định là dịch vụ nhạc Spotify của Thụy Điển. DST đã đồng ý mua lại 5% cổ phần của Spotify với giá 100 triệu USD. Ngoài ra, Milner có thể thông báo thương vụ đầu tư khác vào mùa hè năm nay.

Milner không tiết lộ thương vụ đó là nhắm vào công ty nào, nhưng cho biết đó có thể là công ty ở Trung Quốc, thị trường Internet đang phát triển chóng mặt với hàng trăm triệu người dùng. Milner nghiên cứu một công ty ít nhất một năm trước khi đầu tư. Có khoảng 10-20 yếu tố được đưa ra cân nhắc trước khi hành động. “Bạn không thể viết ra công thức”, ông nói. “Đó một phần là khoa học, phần là nghệ thuật”.

Mặc dù đang là điển hình thành công về đầu tư mạo hiểm, Milner sống khá khép kín. Người điều hành hai công ty lớn của Nga chỉ có 57 người bạn trên Facebook và 330 yêu cầu làm bạn bị từ chối. Ông không bao giờ dùng Twitter. Milner giống như người sở hữu câu lạc bộ đêm không bao giờ ra sàn nhảy bởi quá bận rộn nghiên cứu danh sách khách hàng và đếm tiền.

Tuy nhiên, Milner mất hết sự trầm lặng khi ông nói về tương lai của truyền thông xã hội (social media), đặc biệt là Facebook. Ông nói chúng ta sống trong kỉ nguyên thông tin (số lượng thông tin con người tạo ra gấp đôi sau hai năm và hiện nay rất nhiều thời gian của chúng ta là ngồi trước các màn hình). Milner tin rằng Facebook đang cạnh tranh với Google để trở thành nơi dành cho người dùng Internet tìm thông tin. “Facebook có thể xử lí thông tin theo những cách khác. Ví dụ bạn có thể hỏi một câu hỏi, nó sẽ dịch sang nhiều ngôn ngữ và ai đó ở đâu đó trên thế giới sẽ có câu trả lời”, Milner nói. “Facebook sẽ có 1 tỉ người dùng trong vài năm tới. Đó là nền tảng cho hệ sinh thái Internet mới. ”

Yuri Milner sinh ra trong một gia đình trí thức của Moscow, có cha là giáo sư kinh tế và mẹ là nhà nghiên cứu y học. Ông có một chị gái nhiều hơn 8 tuổi hiện là kiến trúc sư. Cách đây một năm, nếu tìm kiếm từ “Milner”, bạn sẽ thấy nhiều thông tin về Boris Milner hơn (người viết nhiều sách kinh tế vẫn được dùng ở các trường kinh doanh của Nga) hơn là Yuri Milner.

Trong thời gian học phổ thông, Milner tham gia các lớp học lập trình 3 tối mỗi tuần, học cách viết phần mềm ngôn ngữ BASIC và Fortran trên các máy tính lớn (mainframe). Vào năm 1990, phần nhờ bố và phần vì nỗ lực cá nhân, Milner nhận học bổng ở đại học Pennsylvania của Mỹ. Sau khi ra trường, ông làm việc 3 năm cho chi nhánh của Ngân hàng Thế giới ở Washington. Thay đổi lớn nhất với Milner là vào năm 1999, khi ông tiếp cận báo cáo của Morgan Stanley về tương lai của kinh doanh Internet. Khi đó, các trang như eBay và Geocities đang tăng trưởng điên cuồng, nhưng ở Nga, Internet vẫn là điều mới mẻ. “Không ai nói về Internet ở Nga lúc đó”, ông nói.

Chặng đường thành tỉ phú

Với 200.000 USD tiết kiệm được, Milner thành lập quỹ đầu tư NetBridge để rót vốn vào các công ty Internet của Nga. NetBridge đã mua cổ phần của trang đấu giá trực tuyến kiểu như eBay gọi là Molotok và một trang thương mại điện tử nhái mô hình Amazon gọi là 24/7. Các công ty này đã cố gắng cất cánh nhưng bị cuộc khủng hoảng dotcom vào năm 2000 làm cho phá sản. Nhưng Milner đã may mắn thuyết phục cổng thông tin trực tuyến Port. ru kết hợp với NetBridge để thành lập Mail. ru Group. Vượt qua khủng hoảng dotcom, vài năm sau, Mail. ru phát triển nhanh chóng.

Vào năm 2005, thị trường Internet ở Nga trở thành cuộc đua tam mã giữa Mail. ru, web tìm kiếm Yandex và một trang gọi là Rambler. Mail. ru tập trung vào phát triển mạng xã hội. Sau khi có lượng người dùng lớn, Mail. ru bắt đầu thử nghiệm tiền ảo và phát hành game trực tuyến trước khi Facbook bắt đầu cung cấp game. Mail. ru cũng đã tích hợp cả hệ thống chat với email vào năm 2007 trước khi Facebook có ứng dụng chat vào tháng 4/2008.

Khi nền kinh tế phục hồi trở lại, Milner bắt đầu tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mới. Vào năm 2005, Milner mở công ty đầu tư DST cùng với Gregory Finger and Mikhail Vinchel. Mục tiêu ban đầu của họ là thị trường Internet của Nga. Nhưng khi Nga bắt đầu thoải mái hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Milner bắt đầu mở cửa DST cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Năm 2006, Yahoo muốn mua cổ phần của DST ở Mail. ru nhưng bị từ chối. Vài tháng sau, tập đoàn truyền thông Nam Phi Naspers đã trả giá cố phần của DST ở Mail. ru cao gấp đôi Yahoo, lên tới 500 triệu USD. Hiện tại, Naspers tiếp tục nắm giữ 31% cổ phần của Mail. ru nhưng không có cổ phần trong quỹ đầu tư mới DST Global.

Các công ty khác có phần ở DTS hiện nay còn có quỹ đầu tư Tiger Global với 12%. Goldman và Renaissance Capital mỗi công ty chiếm 5% cổ phần. Milner và Finger giữ 50%. Mail. ru Group đã đầu tư 1 tỉ USD vào 30 công ty từ năm 2005 đến nay. Công ty này sở hữu 5 mạng xã hội ở châu Âu và ICQ, dịch vụ chat một thời là sở hữu của AOL. Công ty này còn nắm giữ 32,5% cổ phần ở vKontakte, mạng xã hội lớn nhất ở Nga, 21% cổ phần của Qiwi, dịch vụ thanh toán trực tuyến hàng đầu ở Nga hiện nay.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)