E-reader mang theo mình cả thư viện sách 1.000 - 2.000 quyển

Nhà Xuất bản Trẻ vừa công bố về việc sẽ xuất bản sách điện tử trong thời gian tới. Cũng vào khoảng thời gian đó, Bloomsbury - nhà xuất bản Anh - cho biết số lượng bán ra nhiều bản sách điện tử của họ đã vượt qua bản sách in. Có thật là đã đến thời của sách điện tử - eBook?

E-reader và eBook

Trước khi Amazon ra mắt thiết bị đọc sách điện tử e-reader của mình, eBook đã có một thị trường riêng, tuy không lớn mạnh lắm với một số nhà phân phối chuyên biệt như Fictionwise. Lúc bấy giờ, phần lớn người dùng đọc eBook ngay trên các thiết bị điện tử sẵn có của mình, từ máy vi tính, điện thoại di động đến Palm hay PDA và mỗi thiết bị lại có một định dạng file phù hợp riêng. Bên cạnh đó, trên thị trường cũng đã xuất hiện một số thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng của các đại gia công nghệ như các dòng Sony reader. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng chính sự ra đời của Amazon Kindle giá 399 USD vào tháng 11-2007 mới là bước ngoặt của ngành công nghiệp xuất bản điện tử.

Chỉ trong vòng 2 năm từ khi Kindle ra mắt, người tiêu dùng đã được giới thiệu thêm nhiều e-reader khác với giá ngày một rẻ hơn từ những đối thủ trọng yếu của Amazon như Nook của B&N, Kobo của Border với giá chưa đến 150 USD. Bản thân Kindle cũng liên tục được cải tiến và đến giữa năm 2010 thì chiếc máy đọc sách này đã có đến thế hệ ba với 3 phiên bản trên thị trường.

Hãng tin Bloomberg cho biết hai cá nhân nắm được con số chính xác tiết lộ rằng chỉ trong năm 2010 Amazon đã bán được hơn 8 triệu Kindle, tức là cao hơn con số các nhà phân tích dự đoán ban đầu đến 60%. Amazon chưa bao giờ công bố doanh số cụ thể của “sản phẩm bán chạy nhất” trên website của mình nhưng cho biết “cứ 100 đầu sách in bán ra thì có 143 đầu sách điện tử bán ra tương ứng”.

Ngoài các e-reader được những nhà bán sách nổi tiếng hậu thuẫn, trên thị trường hiện còn có khá nhiều thương hiệu máy đọc sách độc lập như Sony PRS, Libre, BeBook, PocketBook, Cybook, Foxit... và mỗi thiết bị này đều có những ưu điểm riêng đối với người dùng.

Ảnh
Người tiêu dùng có thái độ khá tích cực về eBook và e-reader

Theo các nhà phân tích, chính việc ra đời của Kindle cùng với việc có thể dễ dàng mua sách điện tử từ nhà phân phối lớn như Amazon đã thúc đẩy người dùng đến với eBook nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi Kindle xuất hiện, Amazon cũng đưa ra chiến lược marketing trong đó giá eBook được giới thiệu chỉ từ 9,99 USD trở xuống. Rõ ràng tuy phải bỏ ra khoảng đầu tư ban đầu nhưng với người thích đọc sách, về lâu dài, tổng chênh lệch giữa giá sách điện tử so với sách in là không nhỏ và e-reader là một khoản đầu tư có lợi. “Dĩ nhiên tôi thích cảm giác cầm một quyển sách trên tay, nhưng với e-reader thì việc mang theo mình cả thư viện sách 1.000-2.000 quyển sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Tôi vẫn luôn có thể mua thêm bản in những quyển sách mình yêu thích sau khi đã đọc qua bản điện tử” – Một “fan” của eBook cho biết.

Tranh cãi và mâu thuẫn

Tuy người tiêu dùng có thái độ khá tích cực về eBook và e-reader, không hẳn nhà xuất bản nào cũng hài lòng về thị trường mới này. Vấn đề lớn nhất của thị trường xuất bản điện tử là bản quyền khi mỗi quyển sách thực chất chỉ là một tập tin không lớn. Khi đã đến tay người mua, nhà xuất bản sẽ khó kiểm soát được việc người mua có chia sẻ với người khác hay không. Và theo các nhà xuất bản, một khi eBook đã được phát tán rộng rãi, lượng phát hành của sách in sẽ giảm sút và ảnh hưởng đến doanh thu của họ.

Nhiều nỗ lực đã được các nhà xuất bản và phân phối đưa ra như gắn thêm các dữ liệu bản quyền ẩn vào sách, đánh dấu bản quyền điện tử... nhưng eBook vẫn được chia sẻ ngày một nhiều qua Internet. Tại các diễn đàn “underground”, người dùng không chỉ chia sẻ sách mà còn hướng dẫn nhau cách “dọn sạch” các dữ liệu bản quyền trước khi chia sẻ sách. Và tương tự như âm nhạc và phim ảnh thời gian trước, giờ đây các nhà xuất bản lại phải “chạy đua” cùng những người chia sẻ eBook trong việc yêu cầu gỡ bỏ sách của mình khỏi các trang lưu trữ Internet.

Trong khi đó, ngược lai, người tiêu dùng cũng có lí lẽ riêng của mình. Theo họ, giá sách điện tử hiện cao một cách vô lí. Đặc biệt, từ khi Apple và 6 nhà xuất bản danh tiếng nhất thế giới (Random House, HarperCollins, Hachette Book Group, Simon & Schuster, Penguin và Macmillan) thống nhất kí kết “agency model” – điều khoản để nhà xuất bản tự quyết định giá sách của mình, thay vì nhà phân phối như từ trước đến nay – giá eBook lại

càng cao vọt. Người mua sách điện tử không có những quyền lợi của người mua sách in như cho mượn, tặng hoặc bán lại sách cũ. Thực chất, người mua sách điện tử chỉ mua quyền tải file sách về thiết bị của mình từ website phân phối và dòng đời của một quyển sách điện tử sẽ chấm dứt ngay tại đó. Bên cạnh đó, do không phải mất chi phí in ấn, vận chuyển, tổ chức cửa hàng, chia sẻ hoa hồng cho nhà sách... giá thành sản xuất sách điện tử rõ ràng cũng không cao như sách in. Ngoài ra, do các vấn đề bản quyền điện tử, nhiều nhà xuất bản cũng không bán eBook đến nhiều quốc gia khác ngoài phạm vi lãnh thổ của mình.

“Thật phi lí khi chúng tôi phải trả cho một eBook 15 USD trong khi sách in bìa cứng có giá 14,99 USD và 7,99 USD là giá tôi có thể mua phiên bản bìa mềm” – Một đọc giả phàn nàn trên diễn đàn về việc lên giá vô lí của sách điện tử tại trang Amazon.

Trong “cuộc chiến” giữa nhà xuất bản và người dùng, một cộng đồng “underground” online khá lớn đã đóng cửa hẳn mục chia sẻ sách văn học sau khi các nhà xuất bản và tác giả liên tục lên tiếng cảnh báo về vấn đề vi phạm bản quyền. Theo các thành viên quản trị diễn đàn, tuy mục tiêu ban đầu là tạo một sân chơi để người dùng có thể chia sẻ các nội dung số nhưng những rắc rối pháp lí do vi phạm bản quyền sách văn học là đáng lo ngại cho các hoạt động khác của diễn đàn. Và ngay sau khi chuyên mục này đóng cửa, một lượng khá lớn người dùng cũng đã rời khỏi cộng đồng này. Tại một diễn đàn khác, mục chia sẻ eBook đã được đưa vào “hoạt động bí mật” và chỉ những thành viên kì cựu mới được tham gia chuyên mục.

Nhưng người dùng không đứng yên. eBook vẫn được chia sẻ đều đặn theo lịch xuất bản qua torrent. Nhiều diễn đàn mới, bí mật hơn đã được mở ra và thu nạp thành viên có chọn lọc để tránh các tác giả hay đại diện nhà xuất bản trà trộn. Những người chuyên chia sẻ eBook tại các diễn đàn này lí giải là họ muốn chia sẻ với những người không đủ khả năng mua sách và nhất là với bạn đọc tại những khu vực bị hạn chế bán eBook. Song song đó, theo nhiều người, chính từ những bản sách “phạm pháp” này, họ đã biết đến nhiều tác giả, nhà xuất bản mới và về sau mua lại nhiều tác phẩm hơn so với tải lậu ban đầu.

Những người chia sẻ sách cũng có luật lệ riêng để bảo vệ các tác giả yêu thích. Tại một cộng đồng “ngầm”, các thành viên thống nhất chỉ được bắt đầu chia sẻ sách sau ngày xuất bản chính thức của tác phẩm 2 tuần để nâng cao cơ hội bán được nhiều sách hơn cho tác giả.

Ngược lại, chính các tác giả cũng dùng eBook như một vũ khí riêng của mình. Charlie Huston – một tiểu thuyết gia Mỹ – đã phát hành miễn phí trọn bộ tiểu thuyết đầu tay 3 quyển của mình ở dạng eBook. Từ sự đón nhận của công chúng mà ông bán được quyền sản xuất phim tác phẩm đầu tiên trước cả khi có nhà xuất bản nhận “đỡ đầu” bộ tiểu thuyết này. Và những bộ tiểu thuyết sau đó của ông đều có doanh số bán cả bản in và điện tử rất tốt.

Tương lai thị trường sách điện tử Việt Nam

Các nhà phân tích cho rằng tỉ lệ sách điện tử và sách in bán ra của Amazon không thể nói lên được toàn cảnh của thị trường mới phát triển này. Vấn đề chính là phần lớn tác phẩm eBook bán chạy nhất của Amazon thuộc nhóm giá cực rẻ, chỉ từ 0,99 USD - 3,99 USD và do các tác giả độc lập sáng tác. Mức giá này thường do tác giả tự đặt ra và 70% doanh số bán sẽ trở về với họ. Trong khi đó, tại các website chuyên về sách tự xuất bản như Smashword, tác giả còn có thể được hưởng đến 85% doanh số.

Độc giả có thể thấy được sự khác biệt giữa các sách tự xuất bản và sách do nhà xuất bản phát hành. Với bộ máy do nhiều bộ phận hợp thành, một quyển sách qua nhà xuất bản sẽ có sự đóng góp của nhiều người hơn và được hỗ trợ phát hành tốt hơn. Tuy nhiên, tiền bản quyền trở về tay tác giả chỉ vào khoảng 8-10% doanh số bán.

Từ đó có thể thấy giữa tác giả - nhà xuất bản – nhà phát hành – độc giả sẽ còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để eBook có thể có một tương lai vững chắc hơn. Nhà xuất bản sẽ không chịu giảm lợi nhuận và độc giả cũng sẽ không chịu mức giá “cắt cổ” vô lí. Một giải pháp dung hòa lợi ích giữa hai bên cho tới giờ vẫn còn bỏ ngỏ và các tác giả trở thành những người thiệt thòi hơn cả trong “cuộc chiến” này.

Tại Việt Nam, tuy không có nhà nhập khẩu chính thức, Amazon Kindle và Nook của B&N hiện có doanh số bán rất chạy trên các diễn đàn công nghệ, website rao vặt... Các diễn đàn thư viện sách điện tử với các dự án làm eBook tiếng Việt cũng ngày một xuất hiện nhiều hơn với sự hỗ trợ của các nhà xuất bản. Rõ ràng một tương lai cho eBook tại Việt Nam là khá sáng sủa. Tuy nhiên, giá sách in tại Việt Nam, với bản quyền đầy đủ và được dịch thuật chu đáo hiện vẫn rẻ hơn sách gốc trên thị trường thế giới. Vì thế thiết lập một mức giá phù hợp có lẽ sẽ là điều khó khăn nhất cho các nhà xuất bản với dự định bước vào ngành xuất bản điện tử trong thời gian tới. Ngoài ra, ý thức về bản quyền tại Việt Nam tuy có được cải thiện trong những năm gần đây nhưng thực sự vẫn chưa cao sẽ là một trở ngại khác cho các nhà xuất bản.

Thị trường eBook càng có vẻ mang nhiều triển vọng khi bên cạnh những nhà phân phối lớn, ngày càng có nhiều nhà xuất bản nhỏ chuyên xuất bản sách điện tử ra đời. Song song đó, một số nhà xuất bản lớn cũng mở website tự phân phối phiên bản điện tử sách của mình hoặc ra mắt đơn vị trực thuộc chuyên xuất bản eBook. Ngoài ra, còn phải kể đến việc ra đời của các máy tính bảng nhỏ gọn mà iPad là điển hình trong việc thúc đẩy thị trường này khi người dùng có nhiều điều kiện thuận tiện hơn để đọc eBook.

Theo Thế Giới @



Bình luận

  • TTCN (0)