Sử dụng hệ thống định vị vệ tinh và tự động thu tiền vé là những đề tài then chốt tại Hội thảo "Công nghệ định vị và CNTT với vận tải hành khách" trong khuôn khổ Triển lãm toàn Nga "Electronica - Transport 2011".

Các đại biểu tham gia Hội thảo "Công nghệ định vị và CNTT với vận tải hành khách" đã thảo luận những vấn đề bức xúc nhất liên quan đến ngành vận tải hành khách bằng xe buýt tại Nga và trên thế giới. Họ nói về các hệ thống giám sát và quản lý phương tiện giao thông đã được phát triển và triển khai ứng dụng cũng như những khuynh hướng then chốt phát triển hệ thống thu tiền vé đang được sử dụng. Một số báo cáo đã đề cập các vấn đề đau đầu hiện tại như điều hành giao thông công cộng và các dịch vụ tác nghiệp thế nào trong điều kiện kẹt xe đô thị hiện nay...

Nhìn chung, tại Nga hiện đã có đủ điều kiện để phát triển hệ thống định vị vệ tinh. Việc tích cực ứng dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS của Nga (đến năm 2012, toàn bộ hệ thống phương tiện giao thông công cộng và chuyên dùng ở Nga phải được trang bị thiết bị tương ứng), sự quan tâm của khối khách hàng từ các cơ quan nhà nước đến công nghệ định vị - những điều này này đang kích thích tăng trưởng thị trường và gia tăng đáng kể tốc độ ứng dụng thiết bị dẫn đường trong các phương tiện giao thông.

Ngoài ra, theo ông Aleksei Tanziur, Giám đốc Bộ phận Công nghệ không dây của Công ty Macro Group, trong thời gian vài năm lại đây, đã có khuynh hướng giảm giá các mô-đun OEM GLONASS/GPS và đã có thể nói, sang năm tới, chúng sẽ chỉ còn 15 - 20 USD/thiết bị, tức là tương đương giá các thiết bị thu GPS ở các nước khác. Đồng thời, theo Tanziur, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, trên thị trường sẽ xuất hiện nhiều những mô-đun thiết bị của các nhà sản xuất nước ngoài, đa phần đều có hỗ trợ hệ thống GLONASS của Nga.

Cấp cứu giao thông

Một trong những Đề án quốc gia quan trọng của Nga được thực hiện nhờ sự trợ giúp của hệ thống định vị vệ tinh là thành lập hệ thống phản ứng nhanh trước các tai nạn giao thông - ERA-GLONASS. Như lời ông Evgeni Melikhov, Giám đốc kỹ thuật của chương trình ERA-GLONASS của nhà mạng liên bang NIS GLONASS thì Đề án đặt ra việc lắp đặt bắt buộc các thiết bị định vị vệ tinh trên các phương tiện giao thông đường bộ Nga, nhiệm vụ chủ yếu của hệ thống là tự động truyền thông tin về phương tiện giao thông bị tai nạn giao thông đường bộ qua hệ thống thông tin di động về trạm điều độ và trạm điều độ sẽ tổ chức gọi cứu hộ.

Dự tính, việc triển khai ứng dụng hệ thống sẽ cho phép giảm 30% thời gian cứu trợ ban đầu cho những người lâm nạn nên sẽ giảm đáng kể mức độ thương vong trong các tai nạn giao thông.

Trong năm rồi, theo Melikhov, ở NIS GLONASS đã hoàn tất thiết kế hệ thống cũng như phát triển và thử nghiệm các mẫu thiết bị đầu cuối ERA-GLONASS, hạ tầng mạng viễn thông và tiểu hệ thống phản xạ thông tin tác nghiệp. Trong năm nay, hệ thống sẽ được thử nghiệm tại 2 vùng Moskva và Sankt Peterburg còn năm 2013 thì sẽ xây dựng 12 trung tâm thông tin định vị, đảm bảo tiếp nhận và xử lý thông tin về mọi vùng của Nga.

Khi nào đến lượt xe buýt?

Hội thảo dành không ít thì giờ nói về giải pháp sử dụng công nghệ mới cho các công việc quan trọng như điều độ giao thông công cộng và thông tin hành khách. Việc sử dụng các hệ thống định vị vệ tinh sẽ cho phép thực thi nguyên tắc điều hành giao thông, trong đó có các tình huống giao thông đô thị phức tạp, Tổng giám đốc điều hành Công ty Vistar Gennadi Ponomarev nhấn mạnh. Các thiết bị dẫn đường bằng vệ tinh đặt trên phương tiện giao thông chở khách sẽ thông báo cho người lái và người điều độ không chỉ về vị trí trên tuyến đường mà còn về khoảng cách giữa các phương tiện giao thông cùng đi trên một tuyến với nhau, về thời gian tới điểm đỗ theo tính toán dựa trên tình huống giao thông hiện thời. Điều đó giúp đưa việc vận hành các phương tiện giao thông trên cùng tuyến vào trật tự, kiểm soát chất lượng công việc của lái xe và cuối cùng là giảm thời gian chờ đợi của khách tại trạm dừng.

Bến đỗ cũng có thể hiện đại hoá đáng kể. Ví dụ, lãnh đạo Bộ phận các nghiên cứu triển vọng và các giải pháp chuyên ngành của Nhóm công ty M2M Telematika Sergei Shatunov đã kể về cái gọi là "Bến đỗ thông minh". Bến đỗ như thế thoạt đầu sẽ bao gồm bảng thông tin, trên đó hiển thị các số tuyến và thời gian cập bến thực của phương tiện giao thông. Khi hoàn tất, bến đỗ còn có thể được trang bị các video camera, nút bấm gọi cấp cứu và các thiết bị đầu cuối để thông tin cho hành khách, các bản đồ giao thông v.v... "Bến đỗ thông minh" đã xuất hiện ở các thành phố Nga như Tambov và khu vực ga tàu điện ngầm Planernaya thuộc Moskva. Thông tin về việc cập bến của các phương tiện giao thông có thể chuyển đến điện thoại của hành khách, theo Shatunov. Người ta đã phát triển các ứng dụng tương ứng cho thiết bị di động nền iOS.

Ai trả tiền cho chuyến đi?

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận cả đề tài thu tiền vé trên phương tiện giao thông công cộng. Cho đến nay, theo lời kể của Giám đốc phát triển kinh doanh tại các nước SNG của Công ty Simmetron Andrei Livintsev, có 3 phương thức thanh toán chính đang được sử dụng là trả tiền thông qua vé giấy; trả tiền bằng thẻ thông minh sử dụng theo mùa và thứ ba là sử dụng thẻ đa năng sử dụng lâu dài. Thêm vào đó, có thể thấy 2 khuynh hướng chủ đạo sau: Sự phổ biến của các loại thẻ không tiếp xúc và sự phát triển của công nghệ Near Field Communication (NFC).

Theo Victor Sestroetzky, Giám đốc phát triển kinh doanh ứng dụng giao thông và ngân hàng tại Nga và các nước SNG của Công ty NXP Semiconductors, các vé thông minh không tiếp xúc có nhiều ưu điểm khắc phục được điểm bất lợi chính của nó là giá cao hơn vé giấy. Trong số các ưu điểm đó, đầu tiên phải kể đến là băng thông rất lớn và chi phí chung giảm: Hạ tầng hoàn toàn không tiếp xúc giúp giảm chi phí khai thác, đơn giản hoá quản lý tài chính và cắt giảm chi phí điều hành nhờ chỉ phải duy trì đội ngũ nhân viên và số điểm bán hàng tối thiểu v.v...

Một công nghệ mới vừa được thử nghiệm trên hệ thống xe buýt thành phố Omsk, Nga. Đến cuối tháng 3/2011, toàn bộ hệ thống xe buýt của thành phố này sẽ liên lạc mật thiết với... vũ trụ. Những người lái xe buýt ở Omsk sẽ không còn phải thông báo về bến đỗ qua micro hay bật máy ghi âm. Thay vì đó, phần mềm máy tính sẽ "ra tay". Qua mạng lưới định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS, thiết bị dẫn đường lắp đặt trên cabin xe buýt sẽ nhận được tín hiệu từ vệ tinh và cung cấp tín hiệu cho thiết bị thông báo về trạm dừng. Hệ thống như thế đơn giản hoá lao động của lái xe rất nhiều và giờ đây, người lái xe có thể lưu ý nhiều hơn đến các tình huống giao thông trên đường phố.

"Hệ thống này là một giai đoạn tiếp theo của sự phát triển ứng dụng các vệ tinh GLONASS. Thoạt đầu, chúng tôi đã thực hiện một dịch vụ điều độ thống nhất, nơi người điều phối có thể nhìn thấy mọi xe trên màn hình, chúng đi về đâu và đi như thế nào... Bây giờ, người lái xe không cần phân tâm vì các bến đỗ. Trước đây, nếu họ quên hay không kịp thông báo về bến đỗ, người ta sẽ phạt họ", Thư ký báo chí Sở Giao thông Vận tải Omsk Irina Gerlitz nói (theo Superomsk.ru, 17/3/2011).

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)