Một chiếc thang gấp bị uốn cong queo, nhiều mảnh vỡ vương vãi trên mặt đất, mức phóng xạ đo được nằm trong vùng màu đỏ trên màn hình (xem video).

Đó là những hình ảnh đầu tiên được các robot cung cấp từ bên trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sau trận động đất và sóng thần hôm 11/3/2011. Thảm họa thiên nhiên đó đã dẫn đến tai nạn hạt nhân tồi tệ thứ hai của thế giới.

Một cặp iRobot Packbot đã thâm nhập vào khu vực của 3 lò phản ứng vào ngày Chủ nhật (17/4) và thứ Hai (18/4). Công việc của chúng là khảo sát các điều kiện bên trong và giúp Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đánh giá xem, liệu ở đây có an toàn để đưa con người vào tiếp tục dọn dẹp.

Hôm thứ Tư 20/4/2011, TEPCO đã cung cấp video về các robot làm việc trong các lò phản ứng số 2 và 3 tại nhà máy bị ảnh hưởng. Video được máy quay ghi lại, chuyển hình ảnh lên màn hình của 2 MTXT được dùng để điều khiển 2 robot này.

Ảnh

Những hình ảnh từ bên trong các tòa nhà hiện lên có những lúc bị chập chờn, và không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng đoạn video cho thấy cận cảnh các điều kiện hiện tại trong một khu vực không có con người mạo hiểm bước vào từ nhiều tuần nay.

Lò phản ứng số 3 đã xảy ra vụ nổ khí hydro hôm 14/3 và đoạn video cho thấy, có nhiều mảnh vụn nằm rải rác trên sàn bên trong tầng một. Ở một số nơi, có vài tấm kim loại bị bung ra nhưng vẫn còn treo trên bản lề và có một loại chất lỏng chưa được xác định ở một góc trên sàn nhà. Trong tòa nhà có một chiếc thang gấp bị uốn cong queo, áp vào giá đỡ thiết bị.

Ngoài việc gửi hình ảnh ra ngoài, các robot còn đo nhiệt độ, khí gas trong không khí và mức phóng xạ. Tại lò phản ứng số 3, mức phóng xạ chúng đo được lên đến 57 milliSievert/giờ. Mức phóng xạ này đủ cao để một công nhân hít đủ mức phóng xạ an toàn tối đa hàng năm (maximum annual radiation dose) chỉ trong vài giờ.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)