WiBro phép truy cập Internet băng rộng không dây với nhiều thiết bị đầu cuối khác nhau như laptop, ĐTDĐ và các thiết bị xách tay khác. Ảnh: ZDnet.

Ngày 30/11, lần đầu tiên công nghệ Internet băng rộng không dây WiBro được trình diễn tại Hà Nội cùng kỳ vọng công nghệ này sẽ được áp dụng ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, ngày 30/11, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Công nghệ thông tin Hàn Quốc (KIICA) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Hàn Quốc. Các công nghệ không dây đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia tiên tiến nhất thế giới như WiBro - công nghệ Internet băng rộng không dây; công nghệ truyền hình kỹ thuật số DMB, công nghệ truyền hình Internet (IPTV) đều được trình diễn tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai nói Hội thảo này là cơ hội để tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm ICT giữa hai nước, đồng thời Việt Nam tham khảo công nghệ, tận dụng những điểm tối ưu từ đấy vận dụng trong thực tiễn phát triển của Việt Nam. Ông Kim Dong Soo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cũng bày tỏ hy vọng doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Hàn Quốc sẽ trở thành những “đối tác chiến lược toàn diện trong thế kỷ 21”, đặc biệt thúc đẩy phát triển CNTT-TT.

Tới dự hội thảo còn có sự hiện diện của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Modacom, SK Telecom, Korea Telecom và nhiều doanh nhân Việt Nam, Hàn Quốc khác.

Một trong những công nghệ do Hàn Quốc phát triển đáng chú ý nhất tại Hội thảo là sự có mặt của WiBro. WiBro là một "nhánh" của công nghệ băng rộng không dây (WiMAX), cho phép người dùng có thể sử dụng mạng Internet siêu tốc trong khi di chuyển ở mọi lúc, mọi nơi giống như điện thoại di động. Theo trang Web của Đài TH Hàn Quốc KBS, Công ty viễn thông di động của Mỹ, Sprint Nextel hiện đang chuẩn bị cho việc thương mại hóa công nghệ Wibro ở Mỹ vào tháng 4 sang năm.

Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ này, trong đó riêng hãng viễn thông Modacom, thành lập năm 1991, cho biết được hỗ trợ 10 triệu USD. Tuy nhiên, tại Hội thảo, Modacom thừa nhận các sản phẩm công nghệ mới như WiBro có mức giá còn đắt và Chính phủ phải trợ giá.

Tuyên bố “10 năm nữa WiBro sẽ là công nghệ phổ biến với đời sống”, đại diện Modacom hy vọng trong tương lai sẽ có thể hợp tác, kinh doanh WiBro tại Việt Nam. Năm ngoái, hãng viễn thông Hàn Quốc KT đã tổ chức một cuộc họp báo về công nghệ WiBro ở Hà Nội, song đây là lần đầu tiên WiBro được trình diễn tại Việt Nam.

Ông Seongho Ha, Phó chủ tịch tập đoàn SK Telecom, cho rằng trong tương lai thiết bị di động sẽ được vi tính hóa và tích hợp các tính năng đa phương tiện, hỗ trợ nhiều mạng lưới, mang lại những dịch vụ chất lượng cao. Ông cho biết ngành công nghiệp di động Hàn Quốc được bắt đầu bằng công nghệ thế hệ thứ nhất - 1G AMPS vào năm 1984. Đến nay Hàn Quốc đang tiến dần lên công nghệ di động thế hệ thứ tư - 4G.

Ông Seongho Ha lấy tốc độ tải về để dẫn chứng sự tiến bộ của những công nghệ mới. Để tải một bộ phim có dung lượng 500 Megabyte, công nghệ di động 1G (AMPS, IS-95 GSM) mất 14,8 giờ, công nghệ 2G (EVDO CDMA 2000 1x và WCDMA) sẽ mất 2 giờ. Tuy nhiên, với công nghệ 3G (HSDPA, WiBro), thời gian tải sẽ chỉ mất chưa đến 1 phút, thậm chí chỉ mất chưa đến 5 giây với công nghệ 4G.

Tại Hội thảo, đại diện đến từ Chính phủ Hàn Quốc, ông Kim Dong Soo cho biết CNTT là ngành đóng góp nhiều nhất cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Hàn Quốc với 13,3% trong năm 2006. SK Telecom cho biết tỷ lệ thâm nhập di động của Hàn Quốc đạt trên 83% với hơn 40 triệu thuê bao. Thị trường dữ liệu không dây sẽ tiếp tục phát triển (35,7%/năm từ giai đoạn 2002-2006) mặc dù đã bắt đầu trở nên bão hòa.

H. Thương (ICTnews)




Bình luận

  • TTCN (0)