Khi Thông tư 60 đã cũ, quy chế quản lí mới chưa ra mắt thì làng game Việt lại xuất hiện hàng loạt thể loại mới và rất nhiều game online ra mắt theo kiểu “lách luật”, không phép.

Bội thực thể loại game

Nếu như trước đây, game online vào Việt Nam chỉ có thể loại là game nhập vai trực tuyến (MMORPG), game bắn súng góc nhìn thứ nhất (MMOFPS), game casual và việc quản lí chỉ xoay quanh ở 3 thể loại game này, thì giờ đây đã hoàn toàn thay đổi. Hàng loạt các thể loại game khác đã được các công ty game ở Việt Nam đưa về phục vụ game thủ, đồng thời nó cũng tạo cho việc quản lí của cơ quan chức năng ngày càng khó khăn hơn.

Sau 3 thể loại trên, game chơi trên nền tảng web (webgame) là thể loại game tiếp theo có mặt ở thị trường game Việt. Nếu như trong quá khứ, Linh Vương của VTC được xem như “con gà đẻ trứng vàng” cho nhà phát hành này, thì giờ đây Gunny của VNG đang chễm chệ trên ngôi vị số 1 Việt Nam ở thể loại game này, ở cả số lượng người chơi lẫn số tiền thu được.

Cũng dựa trên nền tảng web, một thể loại game sau đó cũng xuất hiện ở Việt Nam, đó là việc tích hợp hàng loạt game mini vào một cổng game để người dùng có thể tham gia chơi online với nhau. Trong đó Ongame được xem như một thành công của VDC-Net2E, còn Zingplay cũng khiến cho thu nhập về game của VNG tăng lên nhanh chóng.

Tiếp theo cổng game trên web, thể loại game trên mạng xã hội cũng bắt đầu nở rộ tại Việt Nam trong đó Zingme của VNG đang tạo ra được sức hút mạnh mẽ cho game thủ, VTC với go.vn cũng bắt đầu khai thác game ở mạng này, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức hạn chế.

Ngoài các thể loại trên, thị trường game Việt cũng vừa xuất hiện thêm các thể loại mới là game online trên điện thoại di động và sự xuất hiện của một định nghĩa mới mang tên mạng xã hội game social game, với cổng game đầu tiên mang tên gameta.vn. Bên cạnh đó còn hàng loạt thể loại game khác như tích hợp game offline vào một mạng ảo trở thành game online, game đặt server ở nước ngoài... khiến cho game thủ trở nên “bội thực” vì quá nhiều game xuất hiện trên thị trường.

Thi nhau “lách luật”

Bên cạnh hàng loạt thể loại game online mới ra mắt gây khó khăn trong việc quản lí, các doanh nghiệp game trong nước cũng thi nhau “lách luật” để đưa game ra thị trường, mặc dù Bộ TT&TT đã ngừng cấp phép game online từ tháng 7/2010.

VTC được xem là người khiến cho các nhà quản lí game online ở Việt Nam rơi vào thế khó đầu tiên, khi họ tiến hành đưa Thần Long Huyết Kiếm vào phục vụ game thủ Việt từ VTC Indonesia. Với việc được phát hành từ một doanh nghiệp nước ngoài và server cũng đặt bên đó, các cơ quan quản lí tại Việt Nam đã phải chịu “bó tay”. Sau VTC, một nhà phát hành lớn khác trong nước cũng đang “ẩn mình” áp dụng cách này, game đầu tiên đã ra mắt là Loong online và sắp tới sẽ là game Dragonica (Kiếm rồng).

Nhưng bất ngờ nhất có lẽ là Nhóm xGo - thuộc công ty SUNGROUP, có trụ sở tại Huế. Mặc dù đại diện Cục quản lí Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) khẳng định họ không cấp phép game online nào nữa tại Việt Nam sau công văn được ban hành từ tháng 7/2010, thế nhưng xGo vẫn ra mắt 2 webgame Thần Bài Online và Cửu Đỉnh trong tháng 4/2011 vừa qua. Bên cạnh đó họ cũng đang chuẩn bị thử nghiệm Tiên Kiếm không giới hạn vào ngày 11/5 sắp tới.

Thị trường đang ngập tràn các thể loại game. Trong hoàn cảnh quy chế quản lí mới về game online vẫn chưa được ra mắt, khiến cho thị trường game online Việt đang trở nên “loạn” ở nhiều mặt. Có lẽ nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời từ các cơ quan chức năng thì game online lại tiếp tục trở thành vấn đề “nóng”.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (1)
Che Chơn  975

"định nghĩa mới mang tên mạng xã hội game social game" gì mà dài dòng thế, gọi là "game trên mạng xã hội" là được rồi vì thể loại game này được thiết kế dành riêng cho mạng xã hội.