Hiện có quá ít các thiết bị đầu cuối 4G.

Mặc dù đã thử nghiệm thành công mạng 4G ở Hà Nội và TP.HCM, lãnh đạo Viettel cho biết kết quả thử nghiệm này chỉ chứng minh khả năng làm chủ công nghệ, còn thương mại hóa phải đợi 3-4 năm nữa.

Ngày 12/5/2011, Viettel đã tổ chức họp báo công bố về việc thử nghiệm thành công 4G tại Hà Nội và TP.HCM - 7 tháng sau khi được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm công nghệ này. Đến nay, Viettel là nhà mạng đầu tiên cho phép khách hàng thử nghiệm các dịch vụ trên nền 4G.

Tại buổi họp báo, Viettel đã trình diễn thử nghiệm 5 dịch vụ đặc trưng và phổ biến nhất của mạng 4G đòi hỏi tốc độ tải lên và tải xuống (Download/Upload) cao là tải phim (video streaming), truyền hình trực tiếp (LiveTV), gọi điện thấy hình độ nét cao (HD Video Call), hội thoại truyền hình (Video Conference), xem phim và truyền hình theo yêu cầu (VOD – TVoD).

Theo Viettel, ở điều kiện lý tưởng với băng tần cấp phát thử nghiệm là 10 MHz, tốc độ truyền dữ liệu tối đa trên mạng 4G của tập đoàn này có thể tới 75 Mbps với việc tải về và 25 Mbps với việc tải lên. Lần thử nghiệm này, Viettel triển khai 40 trạm thu phát sóng ở Hà Nội và 40 trạm ở TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh Viettel, VNPT và FPT cũng đã tiến hành thử nghiệm 4G. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp đã xin giấy phép thử nghiệm 4G nhưng vẫn "để quên" trên Bộ TT&TT. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện 3G ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, nên 4G vẫn là câu chuyện của tương lai. Còn giới chuyên môn thì nói, việc thử nghiệm LTE tại thời điểm này không thực sự quan trọng bởi công nghệ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và quá ít thiết bị đầu cuối cho 4G. Hơn nữa, thị trường Việt Nam không phải là “con chim đầu đàn” để triển khai các công nghệ mới.

Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel cho biết, tất cả các công nghệ phụ thuộc vào người dùng. Viettel quan niệm là hạ tầng phải đi trước và làm chủ công nghệ đó.

“10 năm trước, các dịch vụ viễn thông chủ yếu có dây nhưng xu hướng của viễn thông đang chuyển sang băng rộng không dây với tốc độ ngày càng cao. Công nghệ 3G đã đáp ứng phần lớn nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, việc thử nghiệm 4G chỉ để khẳng định năng lực hạ tầng mạng lưới và làm chủ công nghệ. Để thương mại được 4G có lẽ phải đến năm 2014 hoặc 2015 mới phù hợp”, ông Hoàng Sơn nói.

Giới chuyên môn cho rằng, hiện có quá ít các thiết bị đầu cuối 4G và giá của thiết bị này quá cao cũng là nguyên nhân cản trở việc thương mại hóa công nghệ này. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Viettel Telecom cho biết, ước tính chi phí thiết bị đầu cuối chiếm 80% chi phí dịch vụ.

Hiện các thiết bị đầu cuối 4G đang ở mức giá từ 300 đến hơn 400 USD. Trong khi đó máy đầu cuối 3G khoảng từ 50 USD trở lên và 2G chỉ còn khoảng từ 10 USD trở lên. Vì vậy, giá thiết bị đầu cuối 4G đang là yếu tố rào cản của công nghệ này.

“Dự báo đến năm 2014 hoặc năm 2015 giá thiết bị đầu cuối 4G sẽ chỉ bằng giá thiết bị 3G hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là dự báo và nó bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố phát triển của thị trường. Vì vậy, Viettel sẽ phải theo dõi sát thị trường này”, ông Nguyễn Việt Dũng nói.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (1)
Hai Au  3

Bình luận bị ẩn

Gõ tiếng Việt không dấu