ICloud - "đám mây" của Apple sẽ là mây trắng bồng bềnh cho người dùng iOS, cũng là mây đen ẩn chứa bão tố với kẻ đối địch Android. Tính năng của nó vượt cả những sở trường của Android.

Trước khi Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) 2011 của Apple diễn ra, mọi người đều tin rằng dịch vụ sắp ra mắt iCloud của Apple là một dạng iTunes trực tuyến ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (tạm gọi là iTunes-mây). Có nghĩa là chủ nhân của thiết bị Mac sẽ có thể truy cập, thưởng thức kho nhạc, phim, podcast và nhiều thứ khác qua kết nối Internet. Và còn hơn thế, hãy tưởng tượng iCloud sẽ kế nhiệm MobileMe - một sản phẩm hiệu quả thấp một cách bất thường - để cung cấp khả năng đồng bộ email, danh bạ, lịch làm việc vào kho lưu trữ trực tuyến và có thể truy cập ở bất cứ đâu. Hai tính năng này cho thấy Apple sẽ sử dụng iCloud như một vũ khí chủ lực để cạnh tranh với hệ điều hành Android của Google.

Thế mạnh của Android: cài đặt đơn giản, đồng bộ trực tuyến

Một trong các tính năng tốt nhất của các thiết bị chạy trên nền Android là quá trình cài đặt vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần đăng nhập tài khoản Google và mọi thứ sẽ tự động được đồng bộ trực tuyến, bao gồm e-mail, lịch làm việc, danh bạ liên lạc và trong tương lai sẽ là cả các phần mềm Android nữa.

Mặc dù Google rất nỗ lực, nhưng trong lĩnh vực cung cấp nội dung, Android Market không phải là một khu vực lưu trữ tiện lợi và đa dạng như iTunes của Apple. Với iTunes, người dùng có thể tải về (mua) hoặc thuê các chương trình TV, phim ảnh, âm nhạc, podcast hoặc các nội dung có tính chất khuyến học (kiểu "iTunes U").

Thực ra, Google cũng mới đưa ra dịch vụ Movies (thuê phim) trên “chợ” Android của mình, nhưng các đầu phim còn quá ít. Còn Google Music thì chẳng hơn gì một website lưu trữ trực tuyến tích hợp giao diện chơi nhạc (Tham khảo: Mọi điều về dịch vụ nhạc, phim trực tuyến của Google). Nói chung các tính năng của nó có vẻ hấp dẫn, nhưng không đột phá. Để có thể dùng được dịch vụ này của Google, bạn phải tải về một phần mềm cài trên máy tính, sau đó hì hục tải kho nhạc của mình lên mạng trong vài ngày hoặc lâu hơn tùy theo tốc độ đường truyền và dung lượng kho nhạc (mà hiện giờ, hầu như ai cũng có khoảng 10 GB nhạc, có khi đến cả 100 GB).

Tóm lại các ưu điểm của Android nằm ở việc cài đặt và sử dụng đơn giản, đồng bộ trực tuyến e-mail, danh bạ, phần mềm, thưởng thức nhạc, phim trực tuyến lưu trữ trên “mây”, những việc mà trước đây Apple không cung cấp. Muốn có các tính năng này, người dùng sản phẩm Apple phải nhờ đến dịch vụ của bên thứ 3.

Nhưng điều này đã bắt đầu thay đổi vào đêm qua, khi Apple công bố iCloud.

iCloud: tiện lợi và dễ dàng hơn Android

Nếu Apple chỉ muốn cạnh tranh với những ưu điểm của Android đã nói ở trên, hãng chỉ cần đưa ra một ứng dụng iTunes-mây thuần túy là đủ, nghĩa là lưu trữ mọi thứ có trong iTunes của người dùng vào trung tâm dữ liệu là xong. Nhưng với iCloud, còn hơn thế - mọi thiết bị iOS và Mac của người dùng sau khi đăng nhập bằng tài khoản Apple có thể đồng bộ tất cả danh bạ, lịch làm việc, các phần mềm, nhạc và phim với nhau thông qua đám mây. Ngay cả việc Twitter được tích hợp vào iOS 5 cũng mang đến một sự tiện lợi tương tự, bạn có thể tweet một bức ảnh của mình ngay từ trong thư viện ảnh mà không cần phải đăng nhập vòng vèo vào các chương trình khác nhau của hãng thứ 3 cung cấp như trước đây. Với iCloud, một ID và một mật khẩu là đủ cho tất cả.

Về khía cạnh lưu trữ dữ liệu, iCloud cũng giống một dịch vụ lưu trữ trực tuyến được ưa thích hiện nay là Dropbox: mọi dữ liệu sẽ được tự động đồng bộ hóa giữa các thiết bị với nhau theo thời gian thực bằng cơ chế push (đẩy). iCloud miễn phí 5 GB lưu trữ cho mọi người dùng iOS, Mac OS và Windows, không tính ứng dụng, nhạc và video mua từ iTunes, và quan trọng nhất là không có quảng cáo. Theo lời của "sếp sòng" Apple, "chúng tôi cũng sử dụng những dịch vụ này và chúng tôi không muốn nhìn thấy quảng cáo xuất hiện".

Ý tưởng của iCloud vốn đã được Steve Jobs phác họa tại WWDC 1997, bắt nguồn từ việc muốn thay đổi cách người dùng tương tác với máy tính khi phải đồng bộ thủ công toàn bộ những dữ liệu của mình sang các thiết bị khác nhau. Giờ đây, một khi được đưa lên iCloud, toàn bộ dữ liệu của người dùng sẽ tự động "chạy" xuống tất cả các thiết bị đăng kí, không quan tâm đó là nền tảng nào (tất nhiên phải là thiết bị Apple). Điểm đặc biệt là mọi việc được thực hiện hoàn toàn tự động và người dùng “thậm chí không cần lấy thiết bị ra khỏi túi”.

iCloud mang lại một gương mặt mới cho MobileMe. Danh bạ, lịch được đồng bộ hóa tự động giữa các thiết bị với nhau và lưu trữ an toàn trên máy chủ đám mây. Người dùng còn có thể chia sẻ lịch làm việc cho nhau và các email có đuôi @me.com sẽ tự động được push xuống máy người dùng.

Sự ra mắt của iCloud cũng giúp Apple loại bỏ sự khó chịu của người dùng iOS trong việc kiểm tra tình trạng kho ứng dụng của họ. Trước đây, các ứng dụng đã mua và chưa mua trên App Store được hiển thị như nhau, tức là vẫn hiện ra chữ Buy và làm người dùng rối trí (nhất là khi kho ứng dụng của họ có khoảng vài trăm ứng dụng miễn phí và trả phí). Sau đó, Apple bổ sung thêm nút Installed cho các ứng dụng đã tải nhưng vẫn chưa làm người dùng hài lòng. Với iCloud, một phần mềm chuyên dụng sẽ hiển thị toàn bộ các ứng dụng từng mua, đúng hơn là gom các thông tin bạn cần về một nơi để dễ dàng truy xuất. Bạn chỉ cần bấm vào để xem thông tin mà không mất công tìm kiếm như trước đây. Không chỉ với phần mềm, các cuốn sách mua trên Book Store cũng có cơ chế kiểm soát y như vậy, rất tiện lợi.

Với mong muốn để người dùng không phụ thuộc nhiều vào máy tính (tức iTunes truyền thống), Apple cho phép các tập tin sao lưu (backup) của thiết bị iOS được tải lên iCloud. Các tập tin backup này được máy thực hiện mỗi ngày và chỉ có thể tải lên thông qua Wi-Fi. Mỗi khi có 1 máy mới hay reset máy cũ, bạn chỉ cần nhập lại tài khoản là các dữ liệu sẽ từ từ được nạp xuống, kể cả dữ liệu riêng của từng ứng dụng hay thiết lập của chúng.

Tất cả các tính năng trên sẽ được đưa thành các ứng dụng riêng rẽ hoàn toàn miễn phí để người dùng dễ quản lí. Ngoài ra, Apple còn đưa ra ứng dụng "Documents in the Cloud" để đồng bộ hóa các tập tin Pages, Keynote hay Number lên đám mây và cho phép đồng bộ hóa giữa các thiết bị. Tất cả các lập trình viên sẽ có thể tích hợp iCloud vào phần mềm của mình thông qua các giao diện lập trình ứng dụng (API) được Apple cung cấp. Phần mềm Documents in the Cloud sẽ hỗ trợ Windows và cho phép đồng bộ hoàn toàn 1 tập tin hay chỉ 1 đoạn văn bản trong tập tin đó.

Tính năng tiếp theo là Photo Stream, đồng bộ hóa hình ảnh giữa tất cả các thiết bị iOS, Windows và Mac với nhau. Theo đó, hình ảnh trên iOS được lưu trữ trong 1 album riêng tên là Photo Stream, trên Mac là trong iPhoto, trong khi trên Windows là thư mục Pictures. Photo Stream có khả năng lưu trữ 1.000 tấm ảnh người dùng chụp hoặc đưa vào Photo Stream gần nhất trên thiết bị iOS còn Mac và Windows thì lưu trữ vĩnh viễn. Tuy nhiên, các hình ảnh trên máy chủ Apple sẽ chỉ được lưu trữ 30 ngày, nếu bạn không muốn mất chúng thì chuyển chúng sang album khác. Photo Stream không tính vào dung lượng 5 GB của iCloud.

Một tính năng khác gọi là iTunes on the Cloud sẽ cho phép người dùng đẩy các bản nhạc mình đã mua đến 10 thiết bị khác nhau mà không tốn tiền mua lại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp âm nhạc, một nhà bán lẻ cho phép chúng ta thực hiện điều đó. Ngay khi bấm vào nút Buy trên iPhone thì bản nhạc đó cũng tự động được đẩy vào iPad qua iCloud.

Cuối cùng, một tính năng tuyệt vời và mang tính đột phá khác là iTunes Match có giá 24,99 USD (~ 500.000 đồng) cho 1 năm sử dụng. iTunes Match sẽ tự động nhận dạng toàn bộ kho nhạc (không mua bằng iTunes) của bạn mà không phải tải lên máy chủ. Nếu phát hiện bài hát nào có trong cơ sở dữ liệu thì nó sẽ tự động nâng cấp bài hát lên thành file nhạc ACC 256Kbps không có mã quản lí bản quyền DRM. Những bài hát không có sẵn trong cơ sở dữ liệu của iCloud sẽ được đồng bộ lên máy chủ.

Trong buổi trình diễn, Steve Jobs công kích trực diện đối thủ cạnh tranh khi so sánh rằng mức giá 24,99 USD này rẻ hơn rất nhiều so với 50 USD (~1 triệu đồng) của dịch vụ Amazon Cloud Drive và nhấn mạnh các bài hát đã nằm sẵn trên "mây" nên người dùng không phải mất thời gian tải lên lên máy chủ như với dịch vụ của Amazon. Hơn nữa, iTunes Match hoàn toàn không giới hạn số lượng bài hát (ước tính iTunes Store có khoảng 18 triệu bài hát) trong khi giá hiện tại cho 5.000 bài của Amazon là 50 USD còn cho 20.000 bài là 200 USD (~4 triệu đồng)/năm.

Với đám mây này, Apple mang đến tiện ích tối đa cho người dùng thiết bị của mình. Apple cho thấy họ không những cạnh tranh được mà có thể còn làm tốt hơn ưu thế vốn có của các máy Android, vốn đang dừng ở khâu đăng nhập đơn giản và đồng bộ trực tuyến ở mức cơ bản.

Giống như sau mỗi lần WWDC, các đối thủ cạnh tranh của Apple sẽ lại phải căng sức đổi mới tính năng sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp để tránh khỏi cảnh thị phần điện toán di động rơi vào tay Apple ngày một nhiều. Ai sẽ là người tiên phong đủ "tài phép" chống lại “phù thủy” Steve Jobs?

Theo PcWorld.



Bình luận

  • TTCN (0)