Di động vẫn đem lại nguồn lợi nhuận chính cho VNPT. Ảnh: Hoàng Hà.

Kế hoạch cổ phần hóa MobiFone đã được Thủ tướng phê duyệt từ trước nhưng VNPT vẫn dự kiến đây là một phương án tái cơ cấu trình Chính phủ. Đằng sau đó là một dụng ý khác.

Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo có trách nhiệm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) tiết lộ, tổ chức này có dự kiến 3 phương án trình Chính phủ về tái cơ cấu có liên quan đến việc thoái vốn, nhưng văn bản chính thức vẫn chưa được gửi đi. Ông này chia sẻ, tập đoàn này cũng có nhiều điều “khó nói” trong việc thiết kế phương án thoái vốn tới 80% tại một trong hai mạng di động (MobiFone hoặc VinaPhone).

Ông nói: “Nếu chỉ thực hiện cổ phần hóa như các đơn vị khác và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tỉ lệ khoảng 30% thì sẽ bình thường, nhưng đằng này là thoái vốn tới 80% tại đơn vị đang mang về 50% lợi nhuận toàn tập đoàn”. Vị lãnh đạo này chia sẻ, xét về lẽ thông thường, ai cũng có thể hiểu được sự băn khoăn của VNPT khi thực hiện quy định nêu trên.

Trong số 3 phương án mà VNPT dự kiến trình Chính phủ, cổ phần hóa MobiFone cũng được đưa vào danh sách. Thế nhưng, về thực chất đây là kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt từ trước và đang thực hiện. Trả lời câu hỏi: “Vì sao VNPT lại dự kiến trình thông qua một phương án đã được phê duyệt từ trước?”, vị lãnh đạo nói trên chỉ cười chứ không trả lời.

Ông này nói: “Theo tôi, phương án tốt nhất sẽ là thực hiện từng bước như Ngân hàng Công Thương Việt Nam - một tổ chức thuộc lĩnh vực cũng nhạy cảm tương tự như viễn thông, đã làm. Đầu tiên, bán một lượng vừa phải cổ phần lần đầu ra công chúng, rồi tiếp đến tìm nhà đầu tư chiến lược với tổng tỉ lệ dưới 30%. Còn nếu tính ngay tới mức 80% thì không khả thi và cũng là điều khó với VNPT”.

Lãnh đạo trên bổ sung, VNPT sẽ trình lên phương án sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn tất thông tư hướng dẫn việc thoái vốn. Hiện tại, khi các văn bản này còn chưa ban hành thì tập đoàn chưa có bất kì ý kiến chính thức nào.

Đại diện của MobiFone cho biết, mạng di động này rất muốn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa nhưng toàn bộ các phần việc cần làm còn lại thuộc thẩm quyền của những cơ quan cao hơn.

Một cựu lãnh đạo của VNPT phân tích, chỉ cần nhìn vào dự kiến trình cả phương án đã được duyệt và đang bị chậm thực hiện vài năm, có thể thấy rằng tập đoàn này muốn kéo dài thời gian. “Việc thực hiện sẽ phụ thuộc vào phương án được VNPT đề xuất, nếu chưa ổn thì phải làm lại và trình lần nữa. Cứ như vậy vài lần thôi cũng đủ làm tiến trình kéo dài thêm cả năm rồi. Điều này cộng thêm với tình hình không thuận của thị trường chứng khoán càng khiến thời gian bị trì hoãn thêm”, ông này nói.

Phát biểu tại một hội nghị viễn thông tổ chức hồi đầu tháng, ông Trần Đức Lai – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ khó thực hiện trong năm 2011. Nguyên nhân được ông Lai đưa ra chủ yếu là khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động đến nền kinh tế và quá trình cổ phần hóa của Việt Nam.

Trong báo cáo của mình tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ được tổ chức tuần trước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Cao Viết Sinh lại khẳng định, đây là thời điểm cần thúc đẩy cổ phần hóa để cải thiện hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước.

Chia sẻ về kinh nghiệm đẩy nhanh cổ phần hóa cả trong thời điểm khủng hoảng, ông Lê Đức Thọ - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng, điều này phụ thuộc vào quyết tâm của người đứng đầu tổ chức.

“Cổ phần hóa không chỉ nhằm mục tiêu bán được cổ phiếu với giá cao mà còn là cam kết đổi mới, đa dạng hóa hình thức sở hữu để tạo ra một tổ chức năng động hơn. Bên cạnh đó là việc thu hút thêm chất xám, nguồn lực công nghệ và quản lí từ các đối tác chiến lược. Vì thế, khi đã có lộ trình thì cần thực hiện đúng cả khi thị trường chứng khoán có khó khăn”, ông Thọ nói.

Theo VnExpress




Bình luận

  • TTCN (0)