Tăng cường quảng bá trên mạng xã hội là xu hướng chung của mọi thương hiệu trên thế giới, tuy nhiên không phải thương hiệu nào cũng thành công trong lĩnh vực này.

Cũng như Facebook, Twitter là một trong những mạng xã hội hàng đầu mà các chiến lược quảng bá trực tuyến đều phải chú trọng. Dưới đây là một số bài học được đúc kết từ 9 thương hiệu thành công trên mạng xã hội Twitter, bạn cũng có thể áp dụng những bài học này để phát triển thương hiệu trên Facebook.

1. JetBlue

JetBlue là một trong những hãng hàng không giá rẻ hàng đầu tại Mỹ thành công trong lĩnh vực quảng bá trực tuyến trên mạng xã hội. Vào thời điểm viết bài, JetBlue có tới hơn 1,6 triệu Follower trên Twitter và hơn 500.000 fan trên Facebook. Trên trang Twitter của hãng lúc nào cũng có ít nhất 14 nhân viên thường trực tương tác với khách hàng để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc và đặc biệt là xin lỗi khách hàng khi xảy ra sự cố.

Bài học mà JetBlue muốn nhắn nhủ đến các thương hiệu khác là đừng ngần ngại khi phải nói lời xin lỗi tới khách hàng. Hãy để họ hiểu rằng bạn luôn đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu và lắng nghe mọi ý kiến phản hồi của khách hàng trên tinh thần cầu thị.

2. Starbucks

Sở hữu hơn 1,5 triệu Follower trên Twitter, thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks có thể tweet cả ngày về sản phẩm và hệ thống cửa hàng của họ trên toàn cầu. Tuy nhiên đó là một cách quảng bá thô thiển và họ không làm như vậy, họ khéo léo biến trang Twitter của mình thành một nơi mà các "tín đồ" của cà phê có thể thảo luận về mọi chủ đề liên quan đến cà phê cùng với các bài thăm dò và các cuộc thi mà Starbucks tổ chức.

Bí quyết của Starbucks là đừng chỉ biết nói cho khách hàng nghe mà hãy biết lắng nghe khách hàng nói. Hãy biến trang Twitter của mình thành một câu lạc bộ mà những người hâm mộ có thể thoải mái thảo luận về các chủ đề xung quanh thương hiệu của bạn.

3. Vevo

Website cung cấp video ca nhạc hàng đầu thế giới VEVO lại có một con đường khác để dẫn tới thành công. Trên trang Twitter của hãng, họ không chỉ tương tác với khách hàng mà họ còn tương tác với các nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Rihanna, Aziz Ansari hay Lady Gaga. Việc này sẽ gây sự quan tâm và chú ý từ các fan hâm mộ của các ca sĩ này và giúp cho trang Twitter của Vevo có thêm rất nhiều Follower.

Tham gia đối thoại với những người nổi tiếng sẽ giúp thương hiệu của bạn có vị thế cao hơn rất nhiều trên mạng xã hội. Ảnh hưởng của họ là không nhỏ và các fan hâm mộ của họ chắc chắn sẽ bỏ thời gian ra Follow cũng như tìm hiểu về thương hiệu của bạn.

4. Charlotte Russe

Hệ thống cửa hàng thời trang dành cho tuổi teen Charlotte Russe gây ấn tượng đến dân cư mạng xã hội bằng những tin nhắn được gửi trực tiếp tới những Follower mới cùng với những lời mời độc đáo và giá trị. Khi thương hiệu ngày càng phát triển họ luôn có những món quà, giải thưởng cũng như các hợp đồng giá trị cho những người thường xuyên theo dõi tin tức mà họ cung cấp.

Charlotte Russe hiểu được rằng đối với các khách hàng tuổi teen, chỉ cần những phần quà nho nhỏ, những cuộc thi vui nhộn cùng những lời mời nhiệt tình sẽ khiến cho họ thích thú và khiến cho thương hiệu trở nên rất hấp dẫn và cuốn hút.

5. Bergdorf Goodman

Cách tiếp cận với khách hàng của hệ thống các cửa hàng bán lẻ cao cấp Bergdorf Goodman gần giống với Starbuck. Không chỉ chia sẻ về thương hiệu của mình, Bergdorf Goodman thường xuyên tweet về các chủ đề khác liên quan đến thành phố New York, thời trang cũng như các style ăn mặc thịnh hành hiện nay.

Đừng nói những gì bạn muốn khách hàng nghe mà hãy nói những điều mà họ thực sự thích nghe. Hãy thảo luận về tất cả các chủ đề đang "hot" hiện nay và thương hiệu của bạn sẽ trở nên thân thiện hơn rất nhiều với dân cư mạng xã hội.

6. Taco Bell

Hệ thống cung cấp thực phẩm Taco Bell hoà nhập vào cộng đồng mạng xã hội một cách rất khéo léo. Trước những phản hồi tiêu cực từ khách hàng, Taco Bell luôn đón nhận tất cả để rồi họ lại dẫn chứng những phản hồi tích cực của các khách hàng khác để họ hiểu rằng "sản phẩm nào thì cũng có mặt tốt và chưa tốt, đừng nhìn sản phẩm của chúng tôi bằng một con mắt phiến diện".

Bí quyết của Taco Bell là đừng tỏ ra quá nghiêm túc trên mạng xã hội, hãy tìm cách làm đơn giản hoá mọi việc và xử lí chúng một cách hợp lí nhất có thể. Hãy tin tưởng vào chất lượng dịch vụ mà chúng ta đã mang đến cho khách hàng và quan trọng là hãy tìm cách để họ hiểu được giá trị đó.

7. Delta

Trên trang Twitter của mình, hãng hàng không Delta đã cam kết lắng nghe mọi phản hồi của khách hàng suốt 24 giờ của cả 7 ngày trong tuần. Quả vậy, Delta luôn lắng nghe và phản hồi mọi thắc mắc cũng như khiếu nại của khách hàng mà không cần quan tâm đến thời gian và vị trí phản hồi.

Để trở thành một thương hiệu uy tín và cạnh tranh, hãy đặt vấn đề hỗ trợ khách hàng lên hàng đầu cho dù. Hãy chắc chắn rằng mỗi một câu hỏi của khách hàng sinh ra phải có một câu trả lời của hãng đáp lại, kể cả thắc mắc của khách hàng không nằm trong giờ hành chính.

8. Dunkin' Donuts

Thương hiệu bánh rán và cà phê thế giới Dunkin' Donuts liên tục khuấy động trang Twitter của hãng bằng các cuộc thi nho nhỏ hết sức vui nhộn với những phần thưởng nho nhỏ và ý nghĩa. Điều này khiến cho khách hàng của Dunkin' Donuts rất thích thú và thường xuyên ghé thăm trang Twitter của họ, hành động này cũng thu hút được rất nhiều khách hàng tiềm năng.

Kinh nghiệm từ Dunkin' Donuts cho chúng ta thấy rằng đừng đăng tải những thông tin quảng bá khô khan và tẻ nhạt về thương hiệu của mình trên trang Twitter. Hãy tổ chức thật nhiều những cuộc thi nho nhỏ trên tinh thần "vui là chính" cùng với những phần quà ý nghĩa để ai cũng có thể chiến thắng.

9. Cisco Systems

Công ty cung cấp các thiết bị và giải pháp liên quan đến mạng và công nghệ này tận dụng triệt để tính năng hashtags của Twitter giúp cho người đọc luôn kiếm tìm được các tweet khác cùng chủ đề với từ khoá mà họ nhấn mạnh. Hashtags có tác dụng phân loại các tweet theo từ khoá mà, người dùng chỉ cần nhấp chuột vào hashtags để tìm kiếm thêm các thông tin bổ ích khác.

Tận dụng được triệt để tất cả các tính năng mà Twitter cung cấp là một lợi thế, hãy bỏ thời gian ra để tìm hiểu và học hỏi chúng. Sử dụng hashtags đúng nơi và đúng lúc sẽ giúp cho khách hàng nắm được điều mà bạn muốn nhấn mạnh trong một mẩu tweet tối đa chỉ 140 kí tự.

Theo Mashable.



Bình luận

  • TTCN (0)