Samsung đang vướng vào vòng lao lý.

Dai dẳng và ngày càng quyết liệt, đó là những diễn biến xung quanh vụ điều tra hành vi hối lộ của Samsung mới đây đối với các quan chức chính phủ Hàn Quốc. Samsung bị tố cáo là đã lập quỹ đen 220 triệu USD chuyên để hối lộ các uỷ viên công tố, thẩm phán và những nhà làm luật.

Trên website Samsung Electronics liên tục đưa tin về các dự án và sản phẩm mới của hãng, trong đó có việc ra mắt chủng loại ổ cứng trạng thái rắn (SSD) mới, mẫu điện thoại di động Katalyst kết nối Wi-Fi. Tuy nhiên, tất cả những thông tin đó đều không trấn an được dư luận khi các quan chức cao cấp nhất của tập đoàn này đã bị toà án cấm rời khỏi đất nước để phục vụ cuộc điều tra. Ngoài ra, một cuộc truy tìm ráo riết các tài liệu hỗ trợ vụ hối lộ này cũng được toà án tiến hành.

Khi nghe tới cái tên "Samsung", người ta thường nghĩ tới điện thoại di động và TV độ phân giải cao. Mặc dù hầu hết mọi người đều nghĩ rằng Samsung chủ yếu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, nhưng trên thực tế hãng này còn tham gia vào các công việc như đóng tàu, cơ khí, xây dựng, bán lẻ, tài chính và giải trí. Tại chính quê nhà của mình, Samsung đang làm tâm điểm vụ scandal mà người ta ví với vụ Watergate hồi những năm 70 ở Mỹ.

Theo báo cáo chưa được công bố, các thẩm phán đang điều tra những cáo buộc cho rằng Samsung đã dùng tiền để hối lộ quan chức chính phủ và những nhân vật có ảnh hưởng khác để nới lỏng quy trình kiểm tra các hoạt động quản lý của tập đoàn này.

Một số hãng thông tấn nước ngoài cho biết Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun hồi cuối tháng 11 vừa qua đã chấp thuận lời đề nghị chỉ định một luật sư độc lập để điều tra vụ tham nhũng của Samsung.

Vụ điều tra trên được thực hiện từ đầu tháng trước sau khi Kim Yong-chul, người từng giữ vai trò cố vấn luật pháp chính của Samsung từ năm 1997 - 2004, nêu ra những nghi vấn liên quan. Gần như ngay lập tức, Samsung bác bỏ cáo buộc này. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Samsung bị tố cáo làm sai luật. Còn nhớ trước đây (10/2005), toà án Seoul đã tuyên án 2 cựu quan chức cao cấp của Samsung khi giúp đỡ con cái của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee mua phần lớn cổ phần trong tập đoàn giải trí Everland dưới mức giá thị trường.

Nói chung, những cuộc điều tra trước đây về hoạt động của Samsung thường chỉ có tác động rất ít tới tập đoàn được điều hành theo mô hình gia đình trị này. Tại sao ? Bởi khi đó Samsung còn là một trong những tổ hợp công nghiệp có quan hệ gắn bó với chính phủ Hàn Quốc, và chính phủ cần những công ty như Samsung để khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh.

Còn cuộc điều tra hiện tại lại được cho là phức tạp và nghiêm trọng hơn rất nhiều bởi người tố cáo chính là một quan chức cấp cao quen thuộc với "gia đình" Samsung trước đây. Hiện, tầng lớp lãnh đạo của Samsung đã dần chuyển sang thế hệ thứ 3 khi con trai của chủ tịch hãng này, Lee Kun-hee, đang chuẩn bị kế nghiệp cha.

Nhận xét và tác động của cuộc điều tra trên, Phòng Thương mại Hàn Quốc cho rằng nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến cả nền kinh tế nước này. Với 159 tỉ USD doanh thu năm 2006 - tương đương với 1/6 GDP, và 1/5 giá trị xuất khẩu và thị trường chứng khoán, Samsung vẫn là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Hàn Quốc.

(Theo Văn Hân - Vnmedia/BetaNews)



Bình luận

  • TTCN (0)