Thế giới ngày nay đang có quá nhiều tin tặc.

Chống hacker và chống vi phạm bằng sáng chế cùng những tranh cãi liên quan là những phần tin nổi bật nhất trong thế giới công nghệ tuần qua.

Cuộc chiến tin tặc

Theo kết quả điều tra của Công ty An ninh mạng Bkav, trong tháng 7/2011 đã có 3.068 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam, các loại virus này đã lây nhiễm trên 5.627.000 lượt máy tính. Trong đó, đáng chú ý là đã có ít nhất 85.000 máy tính của Việt Nam bị hacker lấy cắp dữ liệu vì nhiễm virus của mạng botnet Ramnit và nhiều thông tin "mật" của hàng ngàn cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có thể đã nằm trong tay tin tặc. Sự việc hàng chục ngàn máy tính bị kiểm soát và lấy cắp dữ liệu đang là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cho thấy tình trạng lộ, lọt thông tin tại Việt Nam đang trở nên đáng báo động.

Theo kết quả nghiên cứu của Bkav, các biến thể virus, mạng lưới botnet Ramnit được hacker điều khiển bằng giao thức IRC thông qua nhiều máy chủ đặt ở nước ngoài như Mỹ, Nga, Đức và Trung Quốc. Hacker đã tạo lập botnet Ramnit bằng cách phát tán virus qua tất cả các con đường như: USB, khai thác lỗ hổng phần mềm, gửi email đính kèm virus, gửi link qua các chương trình chat… Thậm chí, virus Ramnit còn giả mạo các phần mềm phổ biến như Macromedia Flash Player, Adobe Acrobat Reader, Windows Update… để hòng qua mặt người sử dụng.

Tuy nhiên, bản phúc trình do Công ty An ninh mạng McAfee công bố tuần qua mới thực sự gây sốc khi cho thấy, nhiều tổ chức, cơ quan và chính phủ, đã là nạn nhân của tin tặc. Không chỉ chính phủ các nước Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Canada, lãnh thổ Đài Loan, mà cả các tổ chức quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Cơ quan chống Doping thế giới cùng một loạt các công ty từ các nhà thầu quốc phòng đến các công ty công nghệ cao... cũng là nạn nhân của tin tặc.

Phó Chủ tịch của McAfee Dmitri Alperovitch nói: "Chưa thể biết là điều gì xảy ra đối với các dữ liệu bị đánh cắp, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này cũng đủ giúp cho kẻ cắp tạo ra các sản phẩm cạnh tranh tốt hơn hoặc đánh bại một đối thủ tại các cuộc đàm phán quan trọng". Tuy vậy, nhiều chuyên gia tin học cho rằng phát hiện của McAfee mới chỉ là một phần bề nổi nhỏ của cả một tảng băng chìm khổng lồ, cho dù quy mô của vụ tin tặc này thực sự là rất lớn. Tiến sĩ Mark Gregory thuộc Đại học RMIT cho biết, tin tặc đã lấy cắp được cả một kho tàng khổng lồ về trí tuệ và tài sản lớn ở mức chưa từng có trong lịch sử.

Alastair MacGibbon, Giám đốc Trung tâm An toàn Internet đồng thời là Giám đốc sáng lập Trung tâm Hình sự kỹ thuật cao Alastair MacGibbon tại Australia cho biết, sau khi đột nhập vào hệ thống, tin tặc sẽ quyết định tấn công những nạn nhân nào hoặc đánh cắp loại thông tin gì. Theo ông, danh sách các mục tiêu nói trên đã gợi nhiều mối nghi ngờ, bởi chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng đang thu thập thông tin trên mạng Internet nhằm chống lại những nhà cạnh tranh.

Trong báo cáo của mình, McAfee không chỉ đích danh quốc gia nào đứng sau vụ tin tặc này, song ông Alperovitch xác định rằng nhiều vụ thâm nhập các tập đoàn quốc phòng là nhằm đánh cắp thông tin về công nghệ quân sự nhạy cảm. Theo ông, kẻ cắp không chỉ nhằm vào lợi ích kinh tế, mà cả vào lợi ích chính trị lẫn quân sự. Tất cả những điều đó cho thấy "thủ phạm rõ ràng là một nhà nước". Tuy nhiên, chuyên gia Jim Lewis thuộc McAfee khẳng định, nhiều khả năng Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công bởi một số mục tiêu thông tin thuộc phạm trù quan tâm của quốc gia này.

Đáp lại cáo buộc này, các cơ quan truyền thông của Trung Quốc đã cực lực lên án “sự tố cáo vô trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế. Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết cáo buộc rằng quốc gia này đứng đằng sau các vụ tấn công và xâm nhập mạng của nhiều tổ chức, trong đó có cả Liên Hợp Quốc, Mỹ, ủy ban Olympic quốc tế cùng nhiều công ty chế tạo vũ khí là không có cơ sở. “Thật là thiếu trách nhiệm, nếu liên hệ Trung Quốc tới những kẻ tin tặc trên mạng”, tờ báo này phản ứng.

Cuộc chiến sáng chế

Hệ điều hành cho di động Android của Google, đã đạt được những bước tiến ngoạn mục chỉ sau hơn 2 năm ra mắt. Thị phần trên phân khúc smartphone tăng mạnh, từ chưa tới 3 % lên tới 48 % (theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Canalys). Một số chuyên gia thậm chí còn nghĩ rằng Android sẽ nhanh chóng “làm nên chuyện” và theo gương Microsoft trong lĩnh vực máy tính những năm 1990 để trở thành bá chủ. Tuy nhiên, vẫn có một thứ có thể chặn đứng, hoặc ít nhất làm chậm lại tiến trình này của hệ điều hành non trẻ. Đó là cuộc chiến bằng sáng chế.

Cư dân mạng tuần qua đã bất ngờ khi Phó chủ tịch pháp chế của Google lên blog công ty tố cáo Apple, Oracle, Microsoft và các hãng công nghệ khác đang sử dụng các “bằng sáng chế không có thực” để tiến hành một chiến dịch chống lại Google. Dưới tiêu đề bài viết “Khi các bằng sáng chế tấn công Android” đăng tải trên trang blog của Google, Phó chủ tịch David Drummond cho biết: “Các đối thủ của Google đang tìm cách gây khó khăn cho quá trình sản xuất các thiết bị chạy trên nền Android. Thay vì cạnh tranh bằng việc sản xuất các thiết bị hoặc tính năng mới, họ đang sử dụng đến biện pháp kiện tụng”.

Có thể lược qua danh sách các vụ tranh chấp diễn ra gần đây như sau: Oracle đang yêu cầu Google trả 6 tỷ USD do sử dụng phần mềm di động Java của hãng. Công ty công nghệ Apple kiện nhà sản xuất Đài Loan HTC vi phạm bằng sáng chế, và vào ngày 15/7 tòa án đã đưa ra quyết định có lợi cho Apple, có thể dẫn tới một lệnh cấm nhập khẩu các điện thoại HTC vào Mỹ. Trong khi đó, một vụ kiện tương tự giữa Apple và Samsung cũng xảy ra ở Australia vào ngày 1/8. Samsung cũng đã phải nhượng bộ không bán các phiên bản Galaxy Tab “hơi giống” iPad.

Theo ông Drummond, có khoảng 550.000 thiết bị chạy Android được kích hoạt mỗi ngày và kết quả khả quan này đã trở thành mục tiêu của một chiến tấn công thù địch có tổ chức của "liên minh" Microsoft, Oracle, Apple, và các công ty khác, nhằm chống lại Android, thông qua các bằng sáng chế không có thực”. Ông Drummond cho biết, với chiêu bài bằng sáng chế, các đối thủ của Google đang cùng nhau đòi hỏi một khoản phí bản quyền trị giá 15 USD cho mỗi thiết bị Android. Ông Drummond khẳng định đây là một hành động gây khó nhằm làm tăng chi phí sản xuất đối với các thiết bị chạy Android.

Trang GenK dẫn nguồn tin từ Phone Arena bình luận, về cơ bản thì khi các sáng chế trở thành công nghệ, chúng như những câu chữ trong văn học. Do đó, bạn có thể phát triển một sáng chế thành một đoạn mã cụ thể nhưng lẽ dĩ nhiên nó không phải là tất cả. Vì thế, ví dụ trong cuộc chiến gần đây giữa Oracle chống lại Google thì nó chỉ chung chung là về các đoạn mã được dùng trong hệ điều hành Android. Các sáng chế sẽ trở thành một ý tưởng lớn, thậm chí nhiều sáng chế hợp lại mới thành một ý tưởng, đó là lý do tại sao các sáng chế trở nên hữu dụng. Khi sở hữu một sáng chế, bạn có quyền chống lại những ai sử dụng trái phép nó.

Các vụ tranh chấp pháp lý đang ngày một vượt tầm kiểm soát. Các công ty lớn nhỏ lao vào vòng xoáy của những thương vụ mua bán sáng chế hay kiện tụng một cách điên cuồng. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này lại là những người sử dụng đầu cuối. Các hãng lớn nhỏ thi nhau phơi nhau ra tòa, đòi hỏi quyền sở hữu sáng chế và tất nhiên là cả tiền bồi thường. Và rồi, sau tất cả cuộc chiến ấy, cái giá phải trả là thiết bị đầu cuối đắt hơn khi phải gánh thêm các chi phí về sáng chế, và người dùng đầu cuối lãnh đủ.

Theo VnEconomy



Bình luận

  • TTCN (0)