Vụ Google mua Motorola Mobility đã làm cho ít nhất một đối tác cảnh giác. Theo thông tin mới đây, chủ tịch hãng Samsung Lee Kun-hee đã triệu tập một cuộc họp ban điều hành cấp cao để bàn về ảnh hưởng của vụ sáp nhập này.

Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2 năm nay, Samsung đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Apple. Trong sự bùng nổ này của Samsung có sự gắn bó chặt chẽ với đồng minh Google, khi mà đại đa số các thiết bị “thông minh” của Samsung bán ra đều sử dụng hệ điều hành Android. Vì vậy, bất kỳ một thay đổi nhỏ nào trong mối quan hệ này đều sẽ gây ảnh hưởng quan trọng tới việc kinh doanh của "đại gia" Hàn Quốc.

Nhật báo Dong-a Ilbo của Nam Hàn cho rằng chủ tịch Lee đã nhận ra vấn đề khi triệu tập một cuộc gặp khẩn cấp với các thành viên quan trọng, trong đó có giám đốc phụ trách bộ phận không dây Shin Jong-kyun, để có thể đưa ra được những điều chỉnh chiến lược kịp thời đối với mảng thiết bị di động, đồng thời sẽ ưu tiên đẩy mạnh nền tảng “Bada” của hãng.

Hiện chưa rõ Samsung có “dòm ngó” sang các nền tảng khác như Windows Phone hay không, hệ điều hành này của Microsoft đang nổi lên như một nơi trú chân an toàn cho các nhà sản xuất phần cứng khi Google đột nhiên sở hữu một nhà sản xuất phần cứng của riêng mình.

Liệu Samsung có thể kịp thích nghi với những biến động (có thể có) này? Công ty phân tích tài chính Travis mới nêu quan điểm trong báo cáo nghiên cứu của mình về trường hợp này: ”Chúng tôi tin rằng những xu hướng thay đổi trong ngành công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh sẽ khiến Samsung phải nỗ lực sáng tạo và phát triển hệ điều hành Bada của riêng họ”.

Cơn chấn động đến từ thương vụ "Googorola" có khả năng sẽ làm cho số lượng các thiết bị Android xuất hiện trên thị trường ít hơn trước, đặc biệt là khi Samsung đang giữ vai trò nhà sản xuất thiết bị Android dẫn đầu khi so với các đối tác khác. Điều này có thể làm cho Android suy giảm thị phần trong tương lai.

Tuy vậy, tập trung phát triển Bada chưa chắc đã phải là hướng đi đúng đắn cho Samsung. Xu thế hiện nay của ngành công nghiệp này là chuyển từ khuynh hướng đóng (tự mình phát triển) sang mở (chọn một nền tảng thông dụng) như trường hợp của Nokia là bằng chứng rõ ràng nhất. Trong quá khứ Nokia đã từng làm mưa làm gió trên thị trường điện thoại di động bằng các thiết bị chạy hệ điều hành Symbian, nhưng rồi do nhiều nguyên nhân khác nhau, Symbian cũng nhanh chóng lụi tàn và nhường chỗ cho các đối thủ trẻ trung hợp thời là iOS và Android. Thật khó để Samsung có thể làm tốt hơn Nokia chỉ bằng hệ điều hành Bada.

Theo PCWorld VN



Bình luận

  • TTCN (1)
Hades Demon  266

Theo mình thì M$ sẽ không bao giờ nhảy vào làm phần cứng với WP trong mọi hoàn cảnh vì đó là nguyên tắc của họ. Còn việc Google chi ra 1 số tiền lớn như vậy không phải chỉ để mua bằng sáng chế. Nếu họ không sản xuất hoàn chỉnh 1 chiếc phone đi chăng nữa thì họ vẫn phải làm 1 cái gì đó để bù đắp cho khoản tiền 12.5B U$D. Còn 1 kịch bản khác là nếu như mỗi nhà sản xuất điện thoại tự làm cho mình 1 os riêng thì có lẽ thế giới di động sẽ đầy hỗn loạn và thiệt hại lớn nhất chính là người dùng. Nhiều khả năng các nhà sản xuất sẽ ưu tiên Window Phone để phát triển lâu dài. 1 phát hiện nhỏ là các nhà sản xuất phần cứng sử dụng riêng 1 phần mềm(hoặc có ít các nhà sx khác sử dụng) thì dễ gặp thất bại cho dù có thời kì hoàng kim, như BlackBerry và Palm hay Nokia với Symbian, Sony với Symbian UIQ hay HP với webOS sắp tới có thể là SamSung với Bada và kể cả Google và Apple nữa