Sự phát triển của các hệ thống thanh toán dành riêng cho báo điện tử như Press+ hay One Pass đã giúp nhiều tờ báo dễ dàng hơn trong việc buộc độc giả phải trả phí đọc báo trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo – 20% từ việc bán báo, đã đổ vỡ không gì cứu nối buộc một loạt các báo điện tử tìm đến giải pháp yêu cầu độc giả phải trả tiền đọc tin tức.

Không thể tránh khỏi

Ngày 10/10 tới đây, Baltimore Sun, tờ báo 175 tuổi đời ở bang Maryland (Mỹ) sẽ chính thức trở thành thành viên mới nhất của câu lạc bộ những tờ báo bắt buộc độc giả phải trả tiền cho việc đọc phiên bản báo điện tử của họ. Bằng một công cụ đơn giản, Baltimore Sun sẽ theo dõi số lần người dùng bấm vào những bài báo của họ và khi đã đủ 15 lần trong một tháng, họ sẽ yêu cầu độc giả đó phải trả tiền để được đọc tiếp.

Có lẽ, đã đến lúc độc giả và cả các tòa soạn hiểu rằng việc thu phí báo điện tử là bước đi không thể tránh khỏi của ngành công nghiệp báo chí thế giới.

Hồi tháng 4/2010, PaidContent, một ấn bản điện tử chuyên theo dõi mảng truyền thông, báo chí cho biết, nước Mỹ đã có khoảng 26 tờ báo (cả báo địa phương và báo liên bang) đã tiến hành thu phí độc giả trực tuyến. Sang năm 2011, hơn 100 tờ báo trên khắp thế giới đã bắng đầu sử dụng Press+, hệ thống thanh toán trực tuyến do một cựu lãnh đạo của tờ Wall Street Journal phát triển để theo dõi và yêu cầu độc giả trả tiền đọc báo điện tử. MediaNews, một tập đoàn báo chí lớn đã đưa tổng số tờ báo có thu phí của mình từ 2 tờ trong năm 2040 lên tới 23 tờ trong năm 2011 này.

Tuy nhiên, phải thừa nhận là các tờ báo có thu phí chủ yếu là những tờ mang tính địa phương chuyện biệt còn với những tờ báo lớn có độ phủ rộng, “thu phí độc giả trực tuyến” vẫn là một cụm từ tương đối xa lạ ngoại trừ một số tên tuổi lớn như New York Times, Times of London hay Wall Street Journal.

“Các tờ báo địa phương là một phần khó có thể thiếu đối với cộng đồng của họ và thường không bị cạnh tranh nên việc dựng tường thu phí (paywall) là việc khá đơn giản”, Ken Doctor, tác giả của công trình nghiên cứu “Nền kinh tế tin tức” (Newsonomics) lý giải về sự khác biệt này.

Trong “câu lạc bộ những báo điện tử có thu phí”, châu Âu là khu vực có nhiều thành viên nhất. Kể từ hồi tháng 5/2011, Slovakia đã thiết lập “bức tường thu phí” ảo trên toàn quốc áp dụng chung cho 9 tờ báo có lượng xuất bản (truy cập) lớn nhất nước này. Kể từ đó, người dân Slovakia phải trả tối thiểu 2,9 euro mỗi tháng để đọc 1 trang báo điện tử. Mức phí này có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí nơi người dùng đăng ký hay tần suất đọc tin tức của họ. Piano Media, công ty xây dựng hệ thống thanh toán này đang ấp ủ một kế hoạch thiết lập hệ thống tương tự áp dụng cho toàn châu Âu kể từ đầu năm 2012.

Ảnh
Sự sụp đổ của mô hình 80% doanh thu từ quảng cáo, 20% từ bán báo đã buộc các tòa soạn phải quyết liệt hơn trong việc thu phí đọc báo điện tử.

Vội vã tìm “bầu sữa” mới

Nhưng vì sao các tờ báo điện tử lại bỗng nhiên vội vã đến vậy trong việc áp dụng cơ chế tính phí đọc báo trong khi những nguy cơ “tự sát” vẫn tiềm ẩn?

Một trong những lý do là sự tiến bộ của công cụ Press+ và One Pass (do Google phát triển) đã có khả năng tiếp nhận độc giả đăng ký đọc báo trực tuyến. Sự phổ biến ngày càng lớn của dòng thiết bị máy tính bảng iPad của Apple là một lời giải thích khác. Rất nhiều tờ báo điện tử trên thế giới đã có ứng dụng chạy trên môi trường hệ điều hành iOS (dành cho iPhone, iPad) và có thể bắt buộc độc giả đi qua “cổng thanh toán”. Tất nhiên, độc giả dùng máy tính bảng hay smartphone vẫn có thể đọc tin miễn phí thông qua trình duyệt nhưng ở đó họ sẽ phải “tiêu hóa” một lượng quảng cáo khá lớn cũng như nhiều sự bất tiện khác.

Jim Moroney, ông chủ của tờ Dallas Morning News (Mỹ), lý giải rằng ngành công nghiệp báo chí đã từng sống khỏe nhờ mô hình “80-20” (80% doanh thu đến từ quảng cáo và 20% doanh thu đến từ nguồn bán báo) nhưng mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn mà không gì cứu vãn nổi.

Tính riêng trong lĩnh vực báo chí Mỹ, doanh thu từ quảng cáo cả từ báo in lẫn báo điện tử đã giảm từ mức 9,6 tỷ USD trong quý II năm 2008 xuống còn khoảng 6 tỷ trong quý II năm 2011 này. Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA) cho biết, có rất ít tòa soạn dám tin rằng họ sẽ phục hồi nên giải pháp duy nhất mà họ có thể làm (một cách vội vã) hiện nay là tăng giá bán báo và áp dụng cơ chế thu phí độc giả trực tuyến.

Tín hiệu lạc quan

Thực tế áp dụng của nhiều tờ báo cho thấy, khi bức tường thu phí được dựng lên, lượng truy cập vào website của tờ báo điện tử đó sẽ giảm nhưng thường là không lao dốc một cách đột ngột và cũng thường không kéo dài. Tờ báo địa phương Tulsa World của bang Oklahoma (Mỹ) cho biết, họ đã áp dụng cơ chế thu phí đọc báo điện tử kể từ hồi tháng 4/2011 và trong những tháng tiếp theo lượng truy cập của họ đã giảm mạnh nhưng đến tháng 8, lượng truy cập đã tăng trở lại và thậm chí còn cao hơn con số của tháng 8 năm ngoái – thời điểm mà tờ báo này vẫn đang miễn phí.

“Chúng tôi có một lượng độc giả đọc báo in nhưng không bao giờ đọc báo điện tử”, Robert Lorton, ông chủ của tờ Tulsa World cho biết, “Hiện chỉ có chưa đến một nửa số độc giả đăng ký mua báo in dài hạn của chúng tôi đăng ký đọc báo điện tử dù họ được đọc miễn phí”.

Rất nhiều tờ báo khác cũng đưa ra những báo cáo tương tự.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)