Liên doanh SonyEricsson đã được 10 năm.

Sony đang cần phải phát triển mạnh mẽ hơn các mặt hàng điện tử gia dụng của mình nhằm chống lại Samsung và Apple.

Cuộc chiến giành niềm tin của người dùng ngày càng khốc liệt và Sony - người có thể giành toàn quyền chỉ huy Sony Ericsson cần nỗ lực nghiêm túc để trở thành đối thủ cạnh tranh ngang sức của Samsung cũng như cần thực hiện các chính sách tích cực hơn để chống lại Apple. Trong khi đó, các sản phẩm trong lĩnh vực điện tử gia dụng về chức năng và mức độ tương tác đang bắt đầu ngày càng xích lại gần nhau.

Tờ Wall Street Journal thông báo rằng, Sony đang tiến gần tới việc mua lại phần hùn của Ericsson trong liên doanh Sony Ericsson năm nay vừa tròn 10 năm. "Các nhà sản xuất điện tử gia dụng đang tìm cách bứt lên đám đông cạnh tranh, và sự tương tác của máy tính bảng, smartphone và tivi trong cùng một phòng khách đang góp phần tích cực vào mục tiêu này", nhà phân tích của IDC Francisco Jeronimo giải thích - Mỗi một nhà sản xuất điện tử gia dụng đều cố chiếm vị trí trọng yếu trong phòng khách của các khách hàng".

Ngoài sự khác biệt của sản phẩm, sự tích hợp các tiêu chí khác nhau của chúng cũng mang lại cho các nhà cung cấp những ưu thế bổ sung xét từ quan điểm nội dung. Hiện tại, Samsung tỏ ra xuất sắc trên thị trường tivi, smartphone và máy tính bảng. Nhưng với những mặt mạnh của Apple, Samsung không thể xem thường. Apple đang có các sản phẩm iPhone, iPad và Apple TV, còn trong tương lai, cứ xét theo tin đồn, Apple còn có các tivi thông minh hoạt động trên nền tảng hệ điều hành iOS. Còn Sony thì vẫn mạnh về tivi, đồng thời đang lưu ý nhiều hơn đến máy tính bảng chạy hệ điều hành Android và các hộp giải mã tín hiệu truyền hình (set-top box). Dự kiến, máy chơi game cầm tay Playstation Vita sẽ hỗ trợ kết nối 3G...

Một số nhà phân tích đang xem xét hợp đồng giữa Sony và Ericsson như một yếu tố đã đến hồi kết. "Trên thực tế, Sony cần làm việc này từ 3 - 4 năm về trước" - Ben Wood, Giám đốc nghiên cứu của Công ty CCS Insight nói - Tuy nhiên, được toàn quyền kiểm soát Sony Ericsson là triển vọng hấp dẫn không chỉ từ khía cạnh tích hợp các thiết bị điện tử gia dụng thế hệ mới. Nếu có các dòng sản phẩm thành công, bản thân smartphone cũng hứa hẹn lợi nhuận đáng kể. Ví dụ, trong quý 2 năm nay, bộ phận viễn thông của Samsung đã mang lại cho công ty 45% lợi nhuận. Cho nên, các nhà khổng lồ trên thị trường điện tử tiêu dùng, trong đó có Sony, đều có ý muốn hòa vào xu hướng này một thời gian nhất định".

Nhiều phát kiến, trong đó có các phát kiến trong lĩnh vực máy ảnh, máy chơi nhạc và các nền tảng trò chơi điện tử sẽ được Sony sử dụng vào smartphone. Tính tới những kiện cáo bản quyền thời gian qua trong lĩnh vực smartphone (ví dụ Apple kiện Samsung hay Oracle kiện Google), việc có được sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế là yếu tố then chốt của bất cứ thoả thuận nào liên quan công nghệ di động hiện nay. "Công ty Ericsson trong liên doanh Sony Ericsson có một phần sở hữu trí tuệ quan trọng và nếu như Sony có ý muốn toàn quyền Sony Ericsson thì các vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ là các yếu tố quan trọng nhất trong đàm phán", Wood khẳng định.

Hiện tại, không bên nào trong liên doanh Sony Ericsson có thể đáp ứng tình hình đang đặt ra. Sony Ericsson đang cố chứng tỏ mình như một nhà sản xuất smartphone chạy hệ điều hành Android của Google. Tuy nhiên, trong cuộc chiến khốc liệt với Apple và các nhà sản xuất thiết bị di động Android như HTC và Samsung, Sony Ericsson đang rất chới với.

Trong quý 2 năm nay, Sony Ericsson thông báo lỗ ròng 50 triệu USD. Ở một chừng mực nào đó, điều đó là do công ty gặp phải thiên tai động đất - sóng thần hồi tháng 3/2011 ở Nhật Bản. Mặc dù số lượng sản phẩm mở rộng, Sony Ericsson không cạnh tranh lại được với các đối thủ trên thị trường smartphone cao cấp. Công ty cho đến nay vẫn chưa thể giới thiệu smartphone nào chạy bộ xử lý 2 nhân. Có gì đó cần thay đổi. Sony phải hoặc là đầu tư sâu vào liên doanh Sony Ericsson và tích cực hơn trong điều hành liên doanh hoặc là thu hẳn liên doanh về mình để toàn quyền kiểm soát. Tuy nhiên, vấn đề "toàn quyền" của Sony cũng đang khó khăn tựa như vấn đề khả năng cạnh tranh của liên doanh này trên thị trường smartphone vậy.

"Không rõ Sony có thực sự hướng mạnh vào mảng điện thoại hay không - Jeronimo lưu ý - Theo cách nhìn của tôi sau chừng đó năm tồn tại của liên doanh với Ericsson, Sony đã đến lúc phải mang "con chung" về để toàn quyền kiểm soát". Các đại diện của Ericsson từ chối bình luận các thoả thuận có thể có với Sony về số phận của liên doanh. Họ chỉ nói bất kỳ thay đổi nào trong quan hệ giữa hai công ty đều phải đạt được sau bàn đàm phán. Sony cũng từ chối đưa ra bình luận của mình.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)