Trung Quốc sẽ khó mà có được doanh nhân công nghệ tầm cỡ như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg bởi doanh nhân Trung Quốc quá thực dụng, luôn đặt việc kiếm tiền lên trên hết.

Khi Dave McClure, một nhà đầu tư mạo hiểm đến từ thủ phủ ngành công nghệ Mỹ Silicon Vallry, phát biểu tại hội nghị doanh nhân ở Trung Quốc vào tuần trước, ông hết lời khen ngợi giới doanh nhân tại đây.

Ông nói: “Doanh nhân Trung Quốc thông minh và táo bạo hơn doanh nhân Mỹ. Bắc Kinh là một trong số ít nơi trên thế giới mà tốc độ đổi mới còn nhanh hơn tại thủ phủ ngành công nghệ Mỹ".

Thế nhưng tại Trung Quốc thời gian gần đây, tâm trạng của giới doanh nhân trở nên không được hứng khởi như vậy. Cái chết của “thiên tài” công nghệ Steve Jobs khiến người Trung Quốc đau đầu suy nghĩ tại sao Trung Quốc không có được doanh nhân công nghệ tầm cỡ như Steve Jobs của Apple, Mark Zuckerberg của Facebook, người đưa ra sản phẩm thay đổi thế giới.

Ông Lee Kaifu, người từng đứng đầu Google Trung Quốc và nay đang quản lí Innovation Works, nơi hỗ trợ cho các công ty Internet mới tại Trung Quốc, nhận xét: “Các công ty Trung Quốc có thể có giá trị thị trường và mô hình kinh doanh y hệt Apple chỉ trong 10 năm thế nhưng thật khó để mong Trung Quốc có được sự đổi mới nào theo kiểu Apple".

Dù số lượng người dùng Internet tại Trung Quốc hiện đã lên mức 500 triệu, cao hơn tổng dân số của Liên minh châu Âu và con số này tiếp tục tăng trưởng hàng ngày, phần lớn ý tưởng của ngành công nghệ Mỹ được bắt chước từ Mỹ.

Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến Baidu, công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, là phiên bản của Google. Trong khi đó Renren, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, được thực hiện đúng theo kiểu mẫu của Facebook. Ngoài ra, Trung Quốc có khoảng 5 nghìn phiên bản của groupon, trang chuyên kinh doanh hàng hóa dịch vụ giảm giá của Mỹ.

Người Trung Quốc tự khẳng định rằng họ không hề kém sáng tạo. Ông Gong Yu, doanh nhân Internet kiêm giám đốc điều hành của Qiyi, trang video thuộc sở hữu của Baidu, phân tích: “Bởi thị trường Internet Trung Quốc lạc hậu quá nhiều năm so với Mỹ, vì vậy doanh nhân Internet tại Mỹ chắc chắn sẽ phải đối đầu với nhiều vấn đề trước".

Nhiều doanh nhân Internet Trung Quốc đồng ý với luận điểm này. Ông Wang Xing, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành tại Meituan, một trong những trang bắt chước Groupon tại Trung Quốc nói: “Vấn đề không phải ở chỗ thông minh như thế nào mà ở chỗ làm sao đến được đó trước, giống như việc đi hái nấm vậy".

Ông Wang từng được coi như Mark Zuckerberg của Trung Quốc bởi ông học theo Facebook, sáng lập ra mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Renren vào năm 2005. Chưa đầy 1 năm sau đó, ông bán nó với giá chưa đầy 4 triệu USD cho Oak Pacific Interactive, một công ty Internet mới tiến hành IPO trong năm nay. Renren hiện được định giá ở mức 2,25 tỉ USD.

Ông phân trần: “Tôi học về hệ thống máy tính vì vậy tôi hiểu về mạng xã hội. Nó cũng giống nhau cả thôi". Tuy nhiên khi ông đưa ra được định nghĩa về mối liên kết đó, Friendster và Facebook đã tồn tại.

Ông Wang cũng chẳng lấy gì làm tiếc. Ông tin thu nhập và thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc thực ra chưa phát triển đến độ cần đến sản phẩm Internet mang tính cách mạng: “Khi tiêu dùng phát triển, có thể kể đến 3 giai đoạn. Thứ nhất, hãy xem xét đến số lượng, cung cấp đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu. Thứ hai, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Cuối cùng mới đến giai đoạn người tiêu dùng phát triển về thị hiếu. Thị trường Internet Trung Quốc hiện mới ở giai đoạn thứ 2".

Nhiều chuyên gia cho rằng, xét đến quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc, cũng hoàn toàn bình thường khi người ta muốn tận dụng nhanh chóng cơ hội kinh doanh. Ông McClure nói: “Tại Mỹ, doanh nhân trước tiên phải luôn đổi mới để tìm kiếm thị trường. Nếu bạn sống tại một đất nước có dân số tới 1,3 tỉ dân và nhìn thấy một ý tưởng kinh doanh có thể kiếm được tiền, thật ngớ ngẩn nếu không học theo".

Doanh nhân Internet phần đông đều thực dụng như vậy. “Nhiều công ty công nghệ mới tại Mỹ đưa ra ý tưởng mà họ muốn hiện thực hóa và đến mãi sau đó họ mới quan tâm đến lợi nhuận. Tại Trung Quốc, mọi chuyện khác hoàn toàn. Tiền đến trước, đổi mới đến sau".

Nếu nhìn vào tiểu sử của giới doanh nhân Internet Trung Quốc, người ta có thể thấy được nhiều điều. Rất ít người bỏ học giữa chừng như doanh nhân Internet tại Mỹ. Phần đông họ có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực đang làm trước khi tự khởi nghiệp kinh doanh.

Robin Li làm kĩ sư phần mềm cho Dow Jones và Infoseek, một website chuyên về tìm kiếm trực tuyến tại Mỹ, sau đó ông mới lập ra Baidu vào năm 2000. Jack Ma dậy môn thương mại quốc tế và quản lí một công ty công nghệ thông tin do Bộ Thương mại Trung Quốc thành lập trước khi sáng lập ra Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu và giá trị giao dịch vào năm 1999.

Ông Lei Jun, một trong những nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nổi nhất tại Trung Quốc, chỉ hỗ trợ cho những công ty của bạn bè hay người liên quan và những doanh nhân nào có khả năng thành công lớn hơn theo thời gian. Ông đã đầu tư vào hơn 20 công ty như Vancl, công ty kinh doanh quần áo trực tuyến, và Keniu, công ty chuyên cung cấp phần mềm bảo vệ.

Nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, người mang lại nguồn cung vốn lớn hơn cho các công ty công nghệ Trung Quốc mới thành lập, thực hiện theo nguyên tắc tương tự. Hàng ngàn trang bắt chước Groupon tại Trung Quốc đã hình thành nhờ tiền từ nhóm nhà đầu tư này.

Theo TTCN/FT



Bình luận

  • TTCN (1)
suzuya  221

làm sao so sánh tung của với U.S được Smile