Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử là khó khả thi. Ảnh: QUỲNH ANH.

Chiều 3/11, dự thảo Luật Quảng cáo (QC) được đưa ra trình Quốc hội. Ý kiến đại biểu tập trung tranh luận việc có nên khống chế diện tích QC trên báo điện tử; cần có chế tài hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử…

Nên khống chế diện tích QC thế nào?

Với 5 chương, 47 điều, mục tiêu được đặt ra tại dự luật là điều chỉnh toàn diện hoạt động về QC trên lãnh thổ Việt Nam, xác định những vấn đề cơ bản về nội dung, hình thức QC. Điểm mới trong dự thảo là hoạt động thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị được đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật này. Quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận QC và trách nhiệm pháp lí của cơ quan quản lí nhà nước về QC cũng đã được quy định cụ thể.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật đã quy định cụ thể hơn về hoạt động QC trên các phương tiện báo chí, như bổ sung một số quy định về việc các cơ quan báo chí có nhu cầu được phép ra các trang chuyên QC và phải thông báo với cơ quan quản lí nhà nước.

Để phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính của cơ quan báo chí, dự thảo luật tăng mức khống chế diện tích QC: báo không quá 15%, tạp chí không quá 20% (Pháp lệnh quy định chung một mức là 10%); tỉ lệ thời lượng của báo nói, báo hình lên 10% (Pháp lệnh quy định 5%). Để phù hợp thực tiễn, dự thảo luật cũng quy định diện tích vùng QC cố định và yêu cầu khi thể hiện sản phẩm QC không cố định trên báo điện tử.

Với báo điện tử, vùng QC không được tràn vào vùng nội dung tin và có diện tích không quá 25% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình. Đối với các QC không cố định phải thiết kế các dấu hiệu bảo đảm cho người đọc báo có khả năng từ chối tiếp nhận QC. Nhất trí với quy định tăng diện tích và thời lượng QC cho các loại hình báo chí, song cơ quan thẩm tra dự luật cho rằng việc quy định về diện tích trên báo điện tử là khó khả thi.

Cần quản lí quảng cáo trên blog cá nhân

Theo báo cáo thẩm tra, hiện trong số 34 báo điện tử và 66 trang thông tin điện tử, chỉ có một số ít báo điện tử hoạt động hòa vốn hoặc có lãi, còn lại đều lỗ. Việc hạn chế nguồn thu từ QC sẽ dẫn đến tình trạng nhiều báo không thể tồn tại hoặc khó có điều kiện nâng cao chất lượng nội dung. Nếu quy định cứng nhắc về diện tích QC trên báo điện tử thì sẽ khó áp dụng cho những phương tiện thông tin tương tự. ..

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng dự luật chưa đề cập đến trách nhiệm về QC trang liên kết trên báo điện tử. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này là không khả thi, vì sản phẩm QC của các trang liên kết thay đổi hàng giờ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết kế lại điều 26 về QC trên báo điện tử vì các hoạt động QC thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử… đang nằm ngoài sự quản lí của nhà nước.

Cần có chế tài bồi thường QC

Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cũng chỉ ra, việc quy định rằng người kinh doanh dịch vụ QC và phát hành QC đều cùng phải chịu trách nhiệm về ấn phẩm QC là quá chung chung. Cần làm rõ trách nhiệm của các đối tượng này cũng như trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước, cần nêu rõ chế tài buộc bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động QC khi đưa ra quyết định không đúng, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Về những nội dung cấm trong hoạt động QC, các đại biểu yêu cầu bổ sung quy định cấm doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để QC, nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận QC. Do vậy, cần quản lí chặt nội dung QC, không cho phép dùng lời nói cá nhân, nhất là những người có trách nhiệm, có uy tín trong lĩnh vực để QC.

Quy định rõ trách nhiệm tổ chức bảo hiểm tiền gửi

Sáng 3/11, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật bảo hiểm tiền gửi. Các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lí minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tiền tệ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đề cập đối tượng điều chỉnh của Luật, hầu hết các đại biểu nhất trí quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức bởi mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

T. H

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (3)
ATK  1019

Luật VN ko đuổi kịp phát triển xã hội,luật kinh tế thì đi sau doanh nghiệp.Chứng tỏ mấy ông làm luật ở VN vẫn còn thiếu tầm nhìn.Giống như quy hoạch,lên kế hoạch 5-10 năm,tầm nhìn 20-30 năm,đến khi xây chưa xong thì ông khác lên,lại có tầm nhìn khác Big Grin Chẳng biết mấy ông nhìn thấy cái gì Big Grin

ai lop ziu  335

ăn hại nói phét, làm trò cười cho thiên hạ

Hải Nam  30903

Cái tiêu đề nó giật gân vậy thôi. Chứ đọc nội dung nè:

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết kế lại điều 26 về QC trên báo điện tử vì các hoạt động QC thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử… đang nằm ngoài sự quản lí của nhà nước.

Không hiểu thế nào gọi là "nhiều", mình nghĩ chắc 2-3 ĐBQH đưa ý kiến vậy thôi. Mà ý kiến của ĐBQH thì ai cũng biết rồi, rất "phong phú, đa dạng".