Cuộc chiến giữa các fan cũng không kém phần khốc liệt so với sự đối đầu của các hãng sản xuất.

Sự lên ngôi của iPhone, Android phone kéo theo hàng triệu fan công nghệ và cũng từ ấy nổ ra hàng tỉ cuộc khẩu chiến mỗi khi có một thông tin bất lợi cho bất kì phe nào.

Ảnh
Không khó để đọc được những comment quá khích kiểu này tại các diễn đàn công nghệ.

Gạch, đá bay khắp forum

iPhone và các dòng điện thoại Android hay Windows Phone là những dòng sản phẩm công nghệ được ưa chuộng trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoại lệ. Số lượng người dùng ngày một tăng, đồng nghĩa với việc các diễn đàn, cộng đồng fan của các thiết bị này cũng tăng nhanh theo cấp số.

Bên cạnh những thành viên tích cực với những đóng góp các bài viết hướng dẫn, thủ thuật cũng như cách đánh giá vấn đề một cách khách quan thì cũng còn đó những anti-fan quá khích đầy “máu lửa”, sẵn sàng nhảy bổ vào bất cứ chủ đề nào lỡ “chê” sản phẩm ruột của mình.

Dọc các diễn đàn Tinhte, Cộng đồng Sohoa hay VoZ, đâu đâu cũng thấy topic lập lên của các phe ủng hộ và phản đối. Các cuộc khẩu chiến này thường xoay quanh các chủ đề Apple – Samsung hay Android – iOS, và thường nó diễn ra vô tận bởi phe nào cũng cho rằng mình đúng, sản phẩm mình tôn thờ là. .. số 1.

Nhẹ thì trích dẫn lại bài của nhau để bóc mẽ, nặng nề thì “tôm cá”, “mày tao”, “ngu dốt”, bay ra ào ào khiến ngay cả những bên không liên quan cũng cảm thấy nóng mặt. Đến mức nhiều chủ đề vừa lập ra chưa đầy 24 giờ đã quá 30 trang với hàng trăm post và nếu Admin không can thiệp bằng cách khóa lại thì nó còn kéo dài đến vô tận.

Anh Quang Hà, thành viên mạng Tinhte cho biết: “Hôm trước mình mới đẩy lên 1 tin bài về việc Samsung thua kiện Apple tại Úc. Vừa post lên diễn đàn là lập tức đã có iFan nhảy vào comment với lời lẽ cực đoan theo kiểu ‘đáng đời bọn sao chép, kiện cho tiệt đường làm ăn’, và sau đó là những cuộc cãi vã dài vài chục trang trong chủ đề này”.

Cuộc đua công nghệ giữa các hãng di động cũng như những thương vụ cạnh tranh trên thị trường đã tạo nên một bức tranh sôi động của thế giới công nghệ nhưng từ đó cũng tạo ra những “Chí Phèo” online kiểu mới, vốn là những fan cuồng của các thương hiệu sản xuất thiết bị.

Chỉ cần 1 topic lập ra với những thông tin tiêu cực về sản phẩm mình đang sử dụng hoặc có cảm tình là bất cần đúng sai, liền ngay sau đó “gạch đá” online bay vèo vèo giữa các bên.

Điểm hài hước là, có những thành viên khi tham gia comment trong các chủ đề này cũng chưa chắc đã từng sử dụng thiết bị Android nào nhưng cứ vì tâm lí bày đàn mà nhảy vào chê ỏng chê eo khi so với các thiết bị khác.

Anh Hải, admin diễn đàn công nghệ kể lại: “Có những thành viên còn quá khích đến mức sau màn đấu khẩu về HĐH di động trên diễn đàn thì quay ra mạt sát nhau ở bất cứ chỗ nào có mặt nhau. Vậy là vô hình chung các chủ đề trao đổi trở thành các bãi chiến trường với lời lẽ thô tục và không còn mang tính học hỏi, giao lưu”.

Một điểm dễ thấy là, phần lớn các cộng đồng mạng Việt Nam vẫn chủ yếu mang tính bầy đàn và “hung hăng” một cách quá đáng. Chưa nói đến các chủ đề của các phe anti-fan lập ra khiêu khích nhau thì ngay cả với những bài viết biên dịch lại từ báo nước ngoài của những thành viên trung lập cũng trở thành nơi đấu khẩu của các dân “Pro” công nghệ nhưng lắm mồm và cực đoan.

Fan cuồng cãi nhau, ngư ông đắc lợi

Ngư ông ở đây được hiểu là các nhà sản xuất và phân phối. Việc càng nhiều khẩu chiến, càng nhiều tranh cãi thì các nhà sản xuất càng được lợi bởi sản phẩm, thương hiệu được nhắc đến nhiều hơn, có lợi hơn về truyền thông.

Trong khi đó, các “Chí Phèo” online thì lại chẳng nhận ra rằng mình đang sôi máu, nóng mặt vì những thứ vô bổ và mất đi lí trí để suy xét, chỉ thấy khen/chê là nhảy vào quăng gạch bất kể đúng sai.

Trong nhiều trường hợp, các cuộc khẩu chiến được châm ngòi bởi những nickname mới toe và vô hình chung các thành viên khác lao vào mà không biết rằng mình đang dính bẫy của các nhân viên truyền thông của các hãng.

Phần thiệt hại chỉ có các quản trị diễn đàn gánh bởi ngoài việc các thành viên quá khích lăng mạ, xúc phạm nhau phải xử lí câu chữ để đảm bảo tính “sạch sẽ” của diễn đàn thì họ còn tốn tài nguyên dung lượng hosting.

Đồ công nghệ cũng là một thứ vật chất có yêu, có ghét, và vì vậy lẽ dĩ nhiên trong những cuộc so sánh đối đầu sẽ không bao giờ có hồi kết. Các hãng ngoài việc tạo sóng về dư luận thì cũng có được những ghi nhận, phản hồi hoàn toàn miễn phí để từ đó làm truyền thông, marketing cho sản phẩm mới.

Có lẽ đến giờ này mới hiểu tại sao Facebook không có nút Dislike (Không thích) như người ta kì vọng, bởi lẽ nếu xuất hiện chức năng này, mỗi note, mỗi comment trên các kênh truyền thông sẽ trở thành thảm họa khi người người đua nhau ấn nút “ghét”.

Việc sành và sính đồ số thì rõ ràng không thể có một quy chuẩn chung, nhưng xét về mặt đạo đức, rõ ràng những “fan cuồng” nên có một cách nhìn nhận công tâm cũng như bình tĩnh hơn để tránh những tranh luận vô bổ và trở thành công cụ cho kẻ khác đắc lợi.

Theo VietNamNet



Bình luận

  • TTCN (0)