ĐTDĐ đã trở nên phổ biến cả với cả những người nghèo ở vùng cao.

Các hãng viễn thông lớn của Việt Nam đang chạy đua cung cấp dịch vụ Internet, di động ở cả những nơi nghèo nhất dù chưa nhìn thấy lợi nhuận. Lãnh đạo của các nhà mạng khẳng định: họ đang đầu tư cho tương lai của chính mình.

Vài năm trước, tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), nhà mạng Viettel đã tiên phong đưa song di động về đây. Với một huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước và nhiều nơi còn chưa có điện lưới quốc gia thì việc sử dụng các dịch vụ viễn thông vốn chỉ dành cho người có thu nhập cao vào thời điểm đó có vẻ như rất khó hiểu. Thế nhưng, chỉ sau 2 -3 năm, không chỉ có điện thoại di động, Internet tại huyện nghèo nhất nước giờ cũng đã rất phổ biến.

Bên cạnh chương trình Internet trường học mà Viettel triển khai cho các trường , 2 “ông lớn” của VNPT là VinaPhone và MobiFone cũng rất tích cực tham gia với một chương trình tương tự. Sóng di động của cả 2 mạng viễn thông thuộc VNPT cũng đã phủ tới khu vực này. Chính nhờ thế, tại huyện nghèo Mường Lát, người dân có sự lựa chọn đa dạng với 3 mạng di động và 2 nhà cung cấp dịch vụ Internet. Riêng với ngành giáo dục, cả Viettel và VinaPhone và MobiFone đều cam kết cung cấp miễn phí.

Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, viễn thông không chỉ giúp mọi người liên lạc với nhau mà còn là phương tiện giúp thoát nghèo. Đây chính là lí do chúng tôi tiếp tục đầu tư mạnh cho ngành giáo dục, những vùng khó khăn dù chưa thể thấy ngay lợi nhuận. Đó là những khoản đầu tư dành cho tương lai”.

Trên thực tế, cuộc chạy đua giữa các hãng viễn thông đang diễn ra ở khắp mọi nơi và việc cạnh tranh diễn ra ở cả những vùng rất nghèo, chưa thể đem lại lợi nhuận phản ánh sự khốc liệt của thị trường này. Các hãng viễn thông không chỉ đơn thuần cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ… mà còn ganh đua nhau cả về những khoản đầu tư mang ý nghĩa xã hội lớn.

Trước đó, những hoạt động đơn thuần vì mục tiêu xã hội nhưng phải đầu tư lớn thường không được đánh giá cao về hiệu quả cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, các nhà mạng đã có nhiều thay đổi về "đường lối". Năm 2008, Viettel khởi động chương trình Internet trường học với cam kết đưa băng rộng miễn phí tới tất cả các trường học có điều kiện khó khăn trên khắp Việt Nam với kinh phí 300 tỉ đồng mỗi năm (khoảng gần 30.000 trường) -một mức kinh phí lớn. Sau khi Viettel khởi động các dự án xã hội có ý nghĩa, các nhà mạng khác cũng tăng tốc trong cuộc đua thực hiện các chương trình xã hội.

Lãnh đạo một hãng viễn thông lớn chia sẻ: “Chạy đua ưu đãi cho người nghèo, miễn phí các dịch vụ cho ngành giáo dục, thực hiện nhiều chương trình từ thiện, xã hội… về bản chất là một hình thức đầu tư cho tương lai, xây dựng hình ảnh đẹp cho thương hiệu”.

“Chúng tôi mong muốn ngày càng có thêm nhiều công ty khác, và không chỉ lĩnh vực viễn thông, tham gia vào việc hỗ trợ người nghèo, giáo dục để tạo ra một vòng tròn phát triển cho xã hội. Và việc chúng tôi thực hiện nhiều chương trình xã hội, ưu đãi cho người nghèo, giáo dục… cũng là đầu tư cho chính mình bởi khi họ đã thoát nghèo, những học sinh trưởng thành sau này sẽ có nhiều khả năng trở thành khách hàng trung thành của chúng tôi”.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (0)