Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, an ninh mạng là một vấn đề toàn cầu và không trừ bất kì một quốc gia nào, kể cả những nước rất mạnh về CNTT.

Điều quan trọng là phải chủ động, bản lĩnh và đặc biệt phải có giải pháp tốt để chúng ta có thể hạn chế được đến mức tối đa những thiệt hại trong lĩnh vực này gây ra.

Năm 2011 được đánh giá là một năm “nóng” của các vấn đề an ninh mạng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Những vụ việc tấn công an ninh mạng đã diễn ra với tần suất khá dày.

Tại Việt Nam, chưa có năm nào, các tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí cả các cơ quan báo chí và những người dùng cá nhân phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, các vụ việc tấn công mạng nhiều đến vậy.

Việc “sống chung” với tội phạm mạng, hacker cần được tính đến bằng cách mỗi tổ chức, doanh nghiệp, và cả các cơ quan báo chí cần nâng cao nhận thức về vấn đề này…

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của các tờ báo điện tử trong việc đảm bảo an toàn an ninh mạng hiện nay?

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Có thể nói, trong thời gian qua, báo điện tử và trang tin điện tử đã có sự phát triển nhanh về số lượng, chất lượng. sự ra đời hiện nay của hàng trăm báo điện tử, trang tin điện tử của các cơ quan báo chí là một kênh cung cấp thông tin rất lớn. Trên đó chứa đựng một khối lượng thông tin, dữ liệu hết sức lớn không chỉ của các cơ quan báo chí mà của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, việc chuẩn bị xây dựng đầy đủ tất cả từ quy chế, cơ chế hoạt động, đặc biệt hệ thống đảm bảo an toàn cho báo điện tử thì các cơ quan báo điện tử vẫn chưa làm tốt vấn đề này.

Ví dụ như các sự cố vừa rồi, hacker tấn công một số báo điện tử, trang tin điện tử đến mức sập mạng. Tuy nhiên, việc đối phó còn khá bị động. Cuối cùng phải thông qua cơ quan chức năng, kĩ thuật để xử lí vấn đề này.

Rõ ràng, thực tế này đặt ra mấy việc. Để đảm bảo an toàn nội dung thông tin, trước hết báo điện tử, trang tin điện tử phải có đội ngũ quản trị mạng. Đặc biệt phải có một cơ sở hạ tầng kĩ thuật bảo đảm để thực hiện tốt an toàn. Đây là vấn đề rất lớn mà các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử và trang tin điện tử cần phải quan tâm đúng mức trong thời gian sắp tới.

Trách nhiệm trong vấn đề bảo đảm an toàn cho báo điện tử, trang tin điện tử không chỉ bảo đảm an toàn cho việc hoạt động của cơ quan báo chí mà còn bảo vệ an toàn cho một khối lượng dữ liệu, tư liệu rất quan trọng.

Chính vì thế, đối với các cơ quan phải có đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ không chỉ những người làm tốt chuyên môn nội dung mà còn phải có đội ngũ quản trị mạng tinh thông, nhất là trong hệ thống thiết bị đảm bảo an toàn.

Ngoài ra cũng phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên, kể cả những người làm nội dung và người làm công nghệ để bảo đảm tốt nhất cho vấn đề an toàn trên mạng.

Cũng phải hết sức chủ động trong việc phòng ngừa. Việc chủ động phòng ngừa bao giờ cũng tốt hơn rất nhiều. Khi để sự cố xảy ra đến mức tê liệt một tờ báo điện tử, sau đó mới đối phó thì rõ ràng sẽ bị mất rất nhiều độc giả. Và việc khôi phục lại lượng độc giả đó không phải đơn giản. Do vậy làm sao nâng cao nhận thức được vấn đề này, chủ động phòng ngừa là rất quan trọng.

Vừa rồi với sự cố của báo điện tử VietnamNet, để giải quyết được đã phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lí và nhà cung cấp dịch vụ. Chỉ có sự phối hợp như vậy thì mới có thể xử lí được.

Có nhiều ý kiến cho rằng các báo và trang tin điện tử đang khá e dè, “ngại” hacker. Thứ trưởng bình luận như thế nào về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng khi mà cả xã hội đều lên tiếng, đồng sức, đồng lòng đấu tranh chống lại các loại tội phạm thì mọi tội phạm đều phải e ngại khi có hành vi tấn công mới.

Riêng trong lĩnh vực tội phạm mạng, hacker tấn công các báo, trang tin điện tử nếu không lên án và không có biện pháp thì càng bị tấn công. Vì vậy chúng ta phải thể hiện sự chủ động, bản lĩnh và đặc biệt phải có giải pháp tốt để có thể hạn chế được đến mức tối đa những thiệt hại trong lĩnh vực này gây ra.

Cơ quan quản lí nhà nước có hỗ trợ nào cho các cơ quan báo chí trong việc phòng và chống an ninh mạng, thưa Thứ trưởng?

Có rất nhiều việc phải làm. Thứ nhất, về mặt tổ chức, sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác an ninh, an toàn mạng. Củng cố và xây dựng một đơn vị có đầy đủ chức năng, quyền hạn để làm nhiệm vụ chức năng quản lí về an toàn mạng. Đây là một vấn đề rất lớn.

Thứ hai là xây dựng các thể chế trong công tác này, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật trong vấn đề an toàn mạng. Hiện Bộ đang tập trung để xây dựng nghị định thay đổi Nghị định 97 về quản lí Internet. Trong đó có cả cơ sở hạ tầng mạng và nội dung thông tin trên mạng.

Thứ ba là tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí các vi phạm trong lĩnh vực này. Tất nhiên đây là lĩnh vực rất khó. Song bằng nhiều biện pháp, giải pháp, nhất là với hệ thống báo điện tử, trang tin điện tử cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi người dân bởi thực trạng mất an toàn, an ninh mạng là một vấn đề rất lớn, hiện hữu, mang tính toàn cầu.

Đặc biệt là các hành vi, thủ đoạn trong vấn đề này ngày càng tinh vi, phức tạp. Nếu như không nhận thức đầy đủ, không thấy hết thực trạng, tình hình và không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chắc chắn ta khó đảm bảo được vấn đề an toàn an ninh mạng trong điều kiện phát triển như hiện nay.

Tôi nghĩ với những biện pháp như vậy, chúng ta sẽ từng bước giải quyết được vấn đề này. Cũng phải nói rằng đây không phải là vấn đề có thể giải quyết hoàn chỉnh trong một sớm một chiều vì đây là vấn đề toàn cầu. Ngay cả những quốc gia rất mạnh về CNTT, rất có kinh nghiệm về vấn đề này cũng đang hết sức đau đầu về vấn đề an ninh, an toàn mạng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo VnMedia




Bình luận

  • TTCN (0)