Nâng cấp hệ thống thiết bị máy tính trong các trường học đang được ngành giáo dục Đà Nẵng quan tâm

Tâm lí “coi thường” doanh nghịêp (DN) nhỏ của nhiều lao động trẻ đã khiến các DN tin học ở Đà Nẵng gặp khó khăn trong trọng dụng người tài. Họ đang tìm cách thay đổi tình hình…

Từ tâm lý!

Thống kê cho thấy bình quân hàng năm, thị trường lao động Đà Nẵng được bổ sung gần 5 ngàn sinh viên, học sinh tin học và CNTT mới ra trường. Nhưng các DN tin học địa phương vẫn luôn thiếu nguồn nhân lực giỏi…

Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Tin học Phương Tùng cho biết, tình trạng thiếu nhân lực CNTT giỏi từ lâu đã là vấn nạn của các DN máy tính địa phương. Dù vào cuối hè hàng năm, số hồ sơ đăng kí xin việc của các sinh viên CNTT mới tốt nghiệp không ngừng tăng, nhưng việc tìm người trẻ đủ sức đảm đương yêu cầu công việc của các DN là rất khó khăn. Không ít công ty tin học đang kinh doanh “cầm chừng”, vì khuyết thiếu các cán bộ đủ năng lực theo vi trí.

Các DN Đà Nẵng đã thấy rõ 2 nguyên nhân chính. Trước hết là tâm lí “coi thường” DN nhỏ ở nhiều lao động trẻ. Nhiều sinh viên bản địa luôn chỉ coi các công ty máy tính là chỗ tạm thời dừng chân để học thực hành trong khi chờ đợi tuyển dụng của các cơ quan nhà nước hoặc của những công ty, tổ chức đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Khoa Long, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Tin học Phi Long nói: cứ tuyển sinh viên vào, đào tạo, rèn luyện xong là họ bỏ đi, không có cách gì níu giữ”. Thứ hai, với 1 thị trường nhỏ, dân số chưa quá 1,1 triệu và thu nhập cơ bản chưa cao, cơ hội kinh doanh thành công để khẳng định năng lực của các nhân sự giỏi rất hạn chế. Nhiều người cho rằng các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, thị trường lớn, công việc luôn tăng sức ép, là môi trường tốt để thi thố cạnh tranh.

Còn Đà Nẵng, với sức mua kém nên gần như người quản lí nào cũng bị áp lực về doanh số, nên không thể tự tin đảm nhận thách thức lớn hơn. Người trẻ có năng lực nản lòng nên tìm cách dịch chuyển đi nơi khác, hoặc tự huy động vốn ra làm ăn riêng. Từ đó, nhân lực có năng lực để tham gia điều hành tại các công ty máy tính ngày càng giảm.

Có thể ngăn “chảy chất xám” !

Ảnh
Thiếu vắng nhân lực giỏi về điều hành quản lí luôn là vấn đề của các doanh nghiệp tin học Đà Nẵng

Các DN máy tính Đà Nẵng đang nỗ lực thay đổi để thu hút nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao. Điều lạc quan là gần đây, thị trường Đà Nẵng đã tốt hơn bởi nhu cầu tiêu dùng hàng công nghệ cá nhân và đầu tư ứng dụng CNTT đều tăng. Cùng với chính sách phát triển hạ tầng CNTT và tăng tốc tin học hóa của chính quyền, nhiều đơn vị, tập đoàn CNTT lớn đã để mắt đến Đà Nẵng.

Trên cơ sở đó, theo ông Hùng, chỉ cần các DN mạnh dạn cơ cấu lại bộ máy, có chiến lược phát triển cân đối là tìm được người mình cần. Nếu đặt ra các yêu cầu công việc cụ thể, giao việc chuyên sâu, chế độ đãi ngộ phù hợp là sẽ giữ được người làm. Các ưu đãi dành cho nhân sự trẻ phải được tính đến: hỗ trợ đào tạo, dành hỗ trợ thuê nhà cho lao động nơi khác đến, điều kiện sinh hoạt…

Nạn “chảy máu” chất xám CNTT ở Đà Nẵng đang có hướng chững lại, thậm chí thu hút được nhân sự các địa phương khác đổ về…

Nhiều chủ DN vốn hờ hững về các nhu cầu giao lưu đối thoại, sự kiện cộng đồng trong tập thể lao động của mình làm cho người giỏi cảm thấy thiếu hấp dẫn. Họ dễ dàng chuyển đi khi nơi khác kêu gọi. Vì thế, DN đối đãi với nhân sự giỏi không chỉ bằng chính sách tiền lương…

Ông Trần Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Tin học và Viễn thông T&H nhận ra rằng điểm nên được xã hội quan tâm là môi trường đánh giá, lao động có trình độ, tay nghề giỏi. Vì thế, nhiều nhân sự CNTT giỏi có thu nhập hàng tháng còn kém hơn cả nhân viên pha chế ở các quầy bar. Như vậy nên có sự hỗ trợ tốt hơn từ các cơ quan chức năng và dư luận xã hội trong sẻ chia khó khăn để các DN máy tính Đà Nẵng có thêm cơ hội gỡ rối thiếu nhân lực giỏi.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (2)
zava123  39

ở đâu là nguồn nhân lực có sẵn?

ở đâu cũng nói thiếu nhân lực CNTT nhưng các doanh nghiệp luôn yêu cầu phải có kinh nghiệm. một nghịch lý mà ai cũng biết, nhưng không bao giờ thừa nhận "sinh viên mới tốt nghiệp làm gì có kinh nghiệm". các doanh nghiệp không giúp đỡ sinh viên, không tạo đều kiên sinh viên tiếp xúc thực tế thì làm gì có nguồn nhân lực chất lượng cao. sinh viên tốt nghiệp rất là nhiều, nhân lực rất là nhiều, bao nhiêu trong số đó có sẵn kinh nghiệm?

Kenbin  1

Môi trường làm việc

Thật sự thỳ môi trường làm việc ở Đà Nẵng thua xa những nơi khác, cách làm việc cũng vậy, vì thế nó tạo sự chán nãn, thiếu sức hút đối với các sinh viên và nhân tài.

Điều đặc biệt hơn là trong quá trình tuyển nhân sự, các công ty chỷ xem xét bằng cấp và đòi hỏi kinh nghiệm, còn thực lực như thế nào thỳ chưa quan tâm, đó cũng là một vấn đề nên xem lại trước khi nhận xét: "coi thường DN nhỏ".