Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ trái sang), Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp (bìa phải) thăm gian hàng CNTT của các trường ĐH, CĐ và doanh nghiệp - Ảnh: D.H.

Hôm qua 10.1, tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức hội thảo quốc gia "Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - tt) theo nhu cầu xã hội".

Theo báo cáo từ Bộ Giáo dục - Đào tạo, mặc dù tại Việt Nam, lĩnh vực CNTT-TT vừa hình thành và phát triển, nhưng đã nhanh chóng tham gia vào hầu hết các lĩnh vực và trở thành công cụ không thể thiếu của tất cả các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm, công nghệ thông tin điện tử và viễn thông. Hiện 5 công ty lớn của thế giới như Intel, Renesas, Campal, Samsung, Foxcon (Hồng Hải) đã quyết định đầu tư gần 10 tỉ USD vào Việt Nam để thiết kế và sản xuất vi mạch, máy tính, điện thoại di động, thiết bị viễn thông... Chính từ đây đã dấy lên một làn sóng đầu tư mới vào nước ta để sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ chất lượng cao về CNTT-TT, và nguồn nhân lực là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư.

Intel - nhà sản xuất các bộ vi xử lý cho máy tính lớn nhất thế giới đang đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, cần tuyển 4.000 lao động, trong đó cần gần 1.000 kỹ sư các lĩnh vực điện, điện tử, CNTT, tự động hóa và đến năm 2011, nguồn nhân lực của Intel cần tuyển sẽ tiếp tục tăng cao. Renesas - công ty hàng đầu thế giới về thiết kế, sản xuất vi mạch đang cần tuyển 1.000 kỹ sư về thiết kế bán dẫn...

Tập đoàn Hồng Hải - Đài Loan năm 2007 bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, dự kiến 5 năm tới sẽ đầu tư khoảng 5 tỉ USD và cần hơn 50.000 lao động. Công ty Campal chế tạo máy tính xách tay và thiết bị điện tử viễn thông của Đài Loan hiện đang cần tuyển 1.200 kỹ sư đưa đi đào tạo tiếp ở nước ngoài về làm cán bộ chủ chốt, khi đi vào hoạt động sẽ cần tuyển thêm hàng chục nghìn lao động nữa... Vì vậy, nếu nguồn nhân lực Việt Nam, vốn có lợi thế chi phí thấp, nhưng không có năng lực và kiến thức thì sẽ mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài để tăng tốc phát triển trong 20 năm tới.

Hiện Việt Nam có 13 trường ĐH, Viện Nghiên cứu đào tạo sau đại học về CNTT; 230 trường ĐH và CĐ có đào tạo về CNTT, bình quân mỗi năm đào tạo 10.000 chỉ tiêu; 88 trường có đào tạo về CNTT bậc trung cấp chuyên nghiệp; cùng nhiều chương trình đào tạo quốc tế... Thế nhưng, hiện chưa hình thành hệ thống chứng chỉ quốc gia về đào tạo CNTT để việc đào tạo được chuẩn hóa và liên thông, cũng như việc công nhận chất lượng. Chương trình đào tạo chưa theo kịp nhu cầu phát triển, đội ngũ giảng viên, giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực nghề nghiệp, kỹ năng thực hành, thiếu kiến thức cơ bản về phương pháp giảng dạy... Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực CNTT còn thiếu và nhanh lạc hậu nhưng không kịp bổ sung... Từ những nguyên nhân đó, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi vẫn chưa theo kịp trình độ của một số nước tiên tiến trong khu vực, nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân ĐH, CĐ hoặc học viên trường nghề đã phải đào tạo lại.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng, nên chăng xây dựng những cơ chế chính sách đặc thù cho các cơ sở chuyên đào tạo về CNTT, đó là áp dụng thủ tục đơn giản cho các chủ đầu tư xin phép thành lập trường với thủ tục hành chính đơn giản, rút ngắn thời gian cấp phép. Nhiều đại biểu khác cũng đưa ra những giải pháp trước mắt như: tạo môi trường giảng dạy CNTT hoàn toàn bằng tiếng Anh, xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng phân tích nghề nghiệp trong xã hội, theo hệ thống mở, xã hội hóa và quốc tế hóa...

Những ý kiến này sẽ được tổng hợp nhằm hoạch định một chiến lược dài hơi và thực sự hữu hiệu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT hiện nay với một mục tiêu rất tham vọng mà Bộ Thông tin - Truyền thông phê duyệt trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020: hơn 80% dân số có kiến thức CNTT, học sinh tất cả các cấp đều học CNTT, việc đào tạo CNTT trong các trường ĐH ở Việt Nam sẽ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, 100% sinh viên CNTT sau khi ra trường sẽ vừa có trình độ chuyên môn lẫn khả năng ngoại ngữ để tham gia vào thị trường nhân lực toàn cầu.

Theo Diệu Hiền - Thanh Niên



Bình luận

  • TTCN (0)