Một nhà máy của Foxconn. Ảnh: Internet.

Sau khi đài PRI có phóng sự hé lộ thực trạng làm việc khổ sai tại các nhà máy của Tập đoàn Foxconn - nhà cung ứng và sản xuất các thiết bị điện tử cho Apple, mới đây, tờ New York Time lại tung ra một bài viết đào sâu thêm vấn đề này.

Trong bài báo, các thành viên quản trị Apple cho biết có sự tranh cãi ngay trong ban quản trị. Nhiều thành viên cho rằng cần phải cải thiện điều kiện làm việc của công nhân tại các nhà máy này nhưng các ý kiến đó lại dễ dàng bị dập tắt do lo sợ sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Apple và nhà cung cấp, cũng như khả năng tiến độ sản xuất bị ngưng trệ.

Không còn sự lựa chọn nào!

“Apple đã biết vấn đề này hơn 4 năm nay và nó vẫn còn tiếp diễn” - một thành viên cho biết. Apple cũng đưa ra những điều khoản buộc các nhà sản xuất cung ứng phải tuân theo để bảo đảm nhân viên, công nhân làm việc với điều kiện an toàn. Apple cũng tiến hành các chiến dịch thị sát tại các nhà máy của Tập đoàn Foxconn, phát hiện nhiều vi phạm về điều kiện lao động và buộc phải nhanh chóng khắc phục. Tuy nhiên, thực trạng lao động tại các nhà máy này vẫn chưa được cải thiện.

Trong các điều khoản lao động đăng trên trang web của mình, Apple ghi rõ nếu các nhà thầu sản xuất còn tiếp tục vi phạm hoặc không thể xử lí các vấn đề về chính sách lao động, Apple sẽ ngay lập tức cắt hợp đồng. Dù vậy, Apple rất ít khi thực sự cắt hợp đồng với các nhà sản xuất nước ngoài. Apple không có sự lựa chọn nào khác, khi mà chỉ có vài công ty trên thế giới đủ khả năng bảo đảm tiến độ sản xuất thiết bị cung ứng cho các dòng sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường hiện nay như iPad và iPhone.

Tại sao một công ty Mỹ như Apple lại không đặt các dây chuyền sản xuất của mình tại nước này, tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ? Nhiều nhà phân tích lập luận vì ở Mỹ không hề có nhân công giá rẻ và những dây chuyền sản xuất khổng lồ với khả năng đáp ứng nhanh theo yêu cầu của các đơn đặt hàng bất chợt. Điều này cũng đã từng được Steve Jobs - cố CEO của Apple - đặt ra với Tổng thống Barack Obama.

Tại Mỹ, lực lượng lao động cao cấp không ít nhưng lao động tầm trung, có kĩ năng lại thiếu trầm trọng. Trong khi đó, tại các nước khác như Trung Quốc, lực lượng này không những đông đảo mà còn sẵn sàng chấp nhận đồng lương rẻ hơn rất nhiều. Để Apple có thể sản xuất các sản phẩm chất lượng cao với số lượng cực lớn mà vẫn bảo đảm giá thành cạnh tranh, việc lựa chọn các nhà sản xuất nước ngoài gần như là một điều bắt buộc. Một thành viên Ban Quản trị Apple cho biết: “Vì hệ thống đó hoạt động hiệu quả cho chúng tôi”.

Bài viết của tờ New York Times kể lại câu chuyện: Chỉ vài tháng trước khi mẫu iPhone đầu tiên ra mắt, Steve Jobs muốn thay đổi thiết kế của iPhone, thay màn hình nhựa bằng kính chịu lực. Khi các mẫu kính này được đưa đến nhà máy của Foxconn vào nửa đêm ngay sát kì hạn sản xuất, công ty đã đánh thức hàng ngàn công nhân đang ngủ say trong cư xá, cấp cho mỗi người một tách trà và một cái bánh quy để bắt đầu ca làm việc 12 giờ liên tục để kịp tiến độ.

CEO của Apple bức xúc

Với tình trạng như vậy, có lẽ nhiều người sẽ đổ tội hoàn toàn cho các công ty sản xuất. Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác, ngay cả những công ty này cũng không có mấy lựa chọn.

Khi mà thị trường thiết bị điện tử ngày càng nóng, các công ty lớn luôn tìm cách cắt giảm giá thành sản xuất để có thể đạt lợi nhuận cao. Apple luôn là một trong các khách hàng lớn nhất của các nhà thầu của Trung Quốc nhưng họ luôn đặt ra tiêu chí sản xuất với chi phí và lương trả ra rất thấp. Các công ty chuyên sản xuất cho Apple có lợi nhuận rất thấp, vì thế họ buộc phải tìm cách bóc lột công nhân để có thêm lợi nhuận. Điều này dẫn đến công nhân phải làm việc như khổ sai.

Có lẽ hiện tượng này cũng chẳng lạ lẫm gì ở nền kinh tế phát triển “thần kỳ” của Trung Quốc, một nước quá đông dân, trình độ công nghệ kém phát triển. Từ lâu, với việc sử dụng nhân công giá rẻ, giá thành sản xuất thấp là lợi thế cạnh tranh của các nhà thầu Trung Quốc.

Không lâu sau bài viết của tờ New York Times, CEO hiện hành của Apple - Tim Cook - người có công cải tạo dây chuyền sản xuất và phân phối sản phẩm của Apple, đã gửi thư đến nhân viên của hãng này bày tỏ bức xúc trước những thông tin xấu về chính sách lao động. Ông khẳng định Apple chưa bao giờ che mắt bịt tai đối với những hiện trạng như thế: “Như các bạn biết hơn ai hết, những lời luận tội như thế này hoàn toàn ngược lại với những giá trị của Apple. Đó không phải là chúng ta”. Dĩ nhiên, nội dung bức thư chỉ là cách bảo vệ uy tín của Apple, xoa dịu áp lực dư luận và cả nội bộ hãng.

Không chỉ có Apple

Nếu chỉ “đào bới” Apple thì cũng không đúng lắm bởi Apple không phải là hãng duy nhất thuê các nhà thầu Trung Quốc sản xuất linh kiện cho mình. Trong danh sách các công ty thuê Foxconn sản xuất linh kiện còn có Amazon, Dell, Hewlett-Packard, Nintendo, Nokia và Samsung.

Thực trạng điều kiện lao động tệ hại chắc chắn còn diễn ra trong hàng loạt nhà máy khác. Tuy nhiên, cũng như Apple, các công ty này không thể không chọn các nhà thầu giá rẻ tại Trung Quốc, bởi họ không muốn thua đối thủ trong việc cạnh tranh giá cả sản phẩm.

Theo NLĐ




Bình luận

  • TTCN (3)
Hải Nam  30903

"Lỗi" lẽ ra của Apple chứ có phải của Foxconn đâu. Lương ở Foxconn không thấp: kiến thức tiểu học cũng vào làm được, lương lại cao gấp 3-4 lần nông dân làm ruộng đầu tắt mặt tối, vì vậy người mới ùn ùn vào đó làm. Họ mà cải thiện các điều kiện thì Apple sẽ từ bỏ họ, thuê chỗ khác rẻ hơn.

Mình viết "lỗi" trong ngoặc kép bởi vì đó không hẳn là lỗi. Thực tế lợi nhuận của Apple cực cao, họ hoàn toàn có thể giảm lợi nhuận (bằng cách trả cho Foxconn nhiều hơn, để điều kiện làm việc ở đó tốt hơn) mà không ảnh hưởng đến vị trí dẫn đầu của họ. Apple thì không sao, nhưng cổ đông của Apple có thích không? Cách khác là tăng giá thành để giữ nguyên lợi nhuận. Apple cũng không sao, nhưng người tiêu dùng có thích không? Chúng ta ai chẳng thích đồ rẻ mà xịn Tongue

xuan quy  74

apple kinh doanh quá lý trí

Cái đáng giá nhất của apple là tình cảm của người dùng với sản phẩn của họ nhưng họ không dùng một chút xíu tình cảm nào với người cung cấp, nhà sản xuất, đối thủ cạnh tranh. Còn với khách hàng họ cố móc túi đến mức cao nhất có thể. Sẽ có một ngày vật cực tất phản khách hàng sẽ chán ghét cái kiểu kinh doanh vô tình của họ.

Hình ảnh của Apple bây giờ là lợi nhuận quá cao mà không trả lại mốt chút xíu cho cộng đồng. không làm từ thiện, kiện cáo quá đáng. chứ hình ảnh sang trọng và sáng tạo ngày càng mờ nhạt.

Hoang Van Loi  1

tim hieu them ve chiec iphone

Khi xai cai iphone nen biet no san xuat ra sao, tu nhung nguoi lao dong ra sao. Bai bao nay khong biet do nha bao thieu thong tin hay vi ly do gi ma cu lap la lap liem khong noi ra duoc canh lam viec kho sai cua cac nhan cong trong cac hang san xuat cai may iphone nay. Nhieu nguoi da biet nhan cong cac hang san xuat nay lam viec nhu no le va stress den noi bi benh tam than, tu tu nhay lau...Chi chu y toi cong nghe va cach lam an be ngoai cua no thoi thi chi la dua con nit. Cu noi hang Apple lon ra sao, quy mo ra sao, hang nay hang no ra sao, ke hoach gi gi,muu meo lung tung chang co gi hay ho. Noi rong ra,con nhieu thu tren doi nay can duoc tim hieu va biet them nua. Khong nen ton sung va tham chi khong nen xai cai iphone nua, no khong duoc nhan dao dau cac ban