Hôm 15/3/2012, IDC cho biết, khi Intel và AMD đang tranh 2 vị trí dẫn đầu thị trường BXL x86, Via Technologies tuy bị suy giảm thị phần đã bị thu hẹp vẫn không chịu bỏ cuộc.

Theo hãng nghiên cứu IDC, số BXL x86 xuất xưởng trên khắp thế giới trong quý 4/2011 là 96,9 triệu, và số chip x86 xuất xưởng của Via chỉ đạt 80.000. Trong quý 4 năm trước, Via chiếm 0,3% thị phần và đã xuất xưởng 310.000 BXL máy tính cá nhân x86.

Hãng sản xuất có trụ sở tại Đài Loan này hiện cung cấp chip ít tốn điện năng có đến 4 nhân cho các dòng máy tính phổ thông, nhưng hãng này đã bị xếp vị trí thấp sau khi chỉ chiếm thị phần dưới 1% trong nhiều năm nay. Thị trường BXL là một cuộc đua 2 ngựa, dẫn đầu là Intel chiếm 80,3% thị phần trong quý này, và AMD (Advanced Micro Devices) ở vị trí thứ nhì rất cách xa với 19,6% thị phần. Số BXL xuất xưởng khắp thế giới trong quý 4 tăng nhẹ so với cùng quý năm trước, khi đó là 95,64 triệu đơn vị được xuất xưởng.

Via là một hãng sản xuất trong thị trường netbook, với số netbook xuất xưởng trong thị trường này đã bị suy giảm vì người dùng đang bị máy tính bảng thu hút. Netbook bị suy giảm có thể ảnh hưởng đến Via, theo Shane Rau, Giám đốc nghiên cứu của IDC.

Ông Rau cho biết, netbook rất hút khách vào năm 2009 và đầu năm 2010, khi mà người ta coi trọng chúng vì giá không đắt. Giờ đây, người ta chú trọng đến các yếu tố khác như hiệu năng.

Số BXL xuất xưởng của Via phần lớn gồm sản phẩm C7 và sản phẩm mang thương hiệu Nano, đều nhắm cho máy tính phổ thông. Các loại chip Nano trước đây của Via được Lenovo và Samsung dùng trong netbook, và Dell dùng trong các loại máy chủ ít tốn điện năng được thiết kế cho mục đích riêng.

Ông Rau cho biết, ông không biết hiện giờ có hãng sản xuất máy tính lớn nào có cung cấp sản phẩm Via làm chip chính trong các thương hiệu máy tính cụ thể hay không.

Theo ông, hầu hết sản phẩm của họ đều bán cho các hãng ở châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều hãng máy tính ở các thị trường này cung cấp máy tính được lắp ráp theo ý khách hàng, còn được gọi là máy tính “hộp trắng” để trống thương hiệu.

Via cũng đã bị tụt hậu so với Intel và AMD trong lĩnh vực thiết kế và phát triển chip. Chip mới nhất của hãng này được sản xuất theo quy trình 40nm, trong khi Intel dự kiến sẽ tung ra ra các loại chip nhanh hơn và có hiệu quả hơn về điện năng, sản xuất theo quy trình 22nm vào cuối năm nay.

Dù gặp khó khăn, Via sẽ tiếp tục cạnh tranh trên thị trường máy tính, ông Rau cho biết. Một trong những công ty mẹ của Via là Formosa Plastics Group, có vốn mạnh và có thể cung cấp nguồn tài chính cho Via để tiếp tục cạnh tranh.

Ông Rau cho biết, tương lai của Via là ngành điện toán nhúng, mà hãng chiếm một thị phần đáng kể. Hiện giờ, mỗi quý Via xuất xưởng khoảng 400.000 đến 500.000 BXL thiết kế cho các loại hệ thống nhúng, như máy khách mỏng gọn và bảng hiệu kĩ thuật số.

Hãng đã xây dựng một loạt sản phẩm giúp việc sản xuất hệ thống nhúng dùng chip x86 khá đơn giản, bằng cách cung cấp BXL, chipset, đồ họa, bo mạch chính, khung máy và các yếu tố khác như hỗ trợ phát triển. Nhưng IDC không tính số chip nhúng xuất xưởng vào số BXL máy tính.

Ngoài chip nhúng, Via cũng cung cấp card đồ họa và BXL dựa trên thiết kế ARM cho điện thoại di động và máy tính bảng. Hồi tháng 7 năm ngoái, hãng smartphone High Tech Computer (HTC) đã mua lại hãng sản xuất chip đồ họa S3 Graphics của Via với giá 300 triệu USD.

Theo PCWorld VN/IDG News




Bình luận

  • TTCN (0)