"Mùa" ra máy mới của các hãng điện thoại Nhật thường trùng mùa hoa anh đào nở (tháng 4) và tháng 10 hàng năm.

Các dòng điện thoại mới ở Nhật Bản thường ra khoảng tháng 4 và tháng 10 với nhiều tính năng ấn tượng. Tuy nhiên, người mua cần tìm hiểu kĩ nếu không muốn rước điện thoại Nhật về làm "đồ chặn giấy".

Mùa ra máy mới

Mặc dù khó tương thích với các mạng ở ngoài Nhật, điện thoại nội địa Nhật vẫn đang là một thú chơi của nhiều "'fan" công nghệ Việt Nam. Theo anh Quốc Anh, một người mê điện thoại Nhật ở phố Lí Thường Kiệt, Hà Nội, kiểu dáng và tính năng thời thượng là những điểm thu hút nhất ở điện thoại Nhật khi anh bắt đầu khám phá các sản phẩm này. Tính năng trên điện thoại Nhật thường được thiết kế theo các phím tắt tượng trưng, giúp giảm số lần thao tác trên máy và tiết kiệm thời gian. Máy cũng thực hiện các tác vụ rất nhanh, và có những tính năng bảo mật "không đụng hàng".

Quốc Anh cho biết, điện thoại ở Nhật thường ra sản phẩm mới theo lộ trình nửa năm một, thường vào tháng 4 và tháng 10. Sê-ri nào cũng có những điểm mạnh riêng và thường có những bước tiến dài hơn so với điện thoại sản xuất ở những nơi khác. Trước đó, khoảng tháng 3, tháng 9, các hãng thường có chương trình khuyến mãi, giảm giá điện thoại đời cũ. Mức giá chênh lệch giữa đầu và cuối mùa có thể từ 100-150 USD (khoảng hơn 2-3 triệu đồng).

Tuy nhiên, thị trường điện thoại Nhật gần đây cũng có một số thay đổi.

Xem nơi sản xuất qua kí hiệu máy

Phần lớn điện thoại Nhật được sản xuất tại Nhật và phục vụ thị trường nội địa. Chỉ khoảng từ năm 2010 mới có một vài dòng được sản xuất ngoài biên giới Nhật Bản, chủ yếu là Trung Quốc. Ví dụ Sony, Sharp có một số máy như: SH13C, SH01D sản xuất ở Trung Quốc (có ghi rõ “Made in China ) hay LG cũng có một số dòng sản xuất ở Hàn Quốc (ghi rõ “Made in Korea”).

Ngoài ra có 1 số dòng máy của Sharp xuất tại thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, châu Âu. Để phân biệt có thể tham khảo như sau:

Hàng xuất thị trường Trung Quốc có kí hiệu là SHxxxC; hàng xuất Đài Loan có kí hiệu Wx-Txxx; hàng xuất Hồng Kong có kí hiệu SXxxx; các phiên bản châu Âu thì thường xuất cho nhà mạng Vodafone kí hiệu xxxSH.

Theo các hãng sản xuất, các điện thoại này không có sự khác nhau về chất lượng khi được sản xuất ở các quốc gia khác nhau. Dùng hay không dùng loại nào chỉ là vấn đề thuộc về sở thích của người dùng mà thôi. Tuy vậy, nhiều người dùng Việt Nam có xu hướng thích sưu tầm và sử dụng điện thoại sản xuất tại Nhật.

Những tính năng dễ bị ảnh hưởng sau khi giải mã

Theo anh Trung, một người chơi điện thoại Nhật ở phố Chùa Láng ( Đống Đa, Hà Nội), phần lớn các điện thoại Nhật sau khi giải mã (unlock) mạng để dùng được ở Việt Nam, khi lướt web thường chỉ hiển thị ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật và không hỗ trợ tiếng Việt. Để có thể sử dụng được ngôn ngữ tiếng Việt hoặc lướt web có hỗ trợ tiếng Việt thì phải dùng các dòng máy chạy hệ điều hành Android. Một số dòng đời mới sử dụng hệ điều hành Android còn có thể dùng được ứng dụng văn phòng.

Hiện chỉ có 1 nhà mạng lớn ở Nhật có bản quốc tế là Docomo. Còn lại, máy của các nhà mạng khác mang về Việt Nam đều phải unlock do điện thoại Nhật được mã hóa để chỉ sử dụng nội địa.

Trong trạng thái phải unlock, nhiều điện thoại Nhật sẽ thiếu một số tính năng thiết thực so với ban đầu. Điều làm người dùng Việt Nam khó chịu nhất là tình trạng không ổn định sóng. Với các máy Softbank sóng chập chờn, khi mất thì cũng mất luôn tính năng nghe nhạc, chụp ảnh..., và phải sử dụng sim chính hãng để khôi phục lại các tính năng đó. Bên cạnh đó vẫn có một số sê-ri hoặc một số máy unlock xong dùng hoàn toàn bình thường về chất lượng sóng. Vì vậy, để mua và sử dụng được những chiếc điện thoại Nhật ưng ý, không lỗi, người chơi phải tìm hiểu kĩ hoặc gặp được người bán tư vấn tận tình, uy tín.

Xu hướng mới của điện thoại Nhật

Theo các chủ cửa hàng chuyên điện thoại Nhật, các hãng điện thoại Nhật gần đây đều chú trọng trang bị chức năng 3D, chống thấm nước cho các dòng máy mới. Tiên phong trong số này phải kể đến SH12C. Điện thoại này được trang bị màn hình 3D AQUOS tích hợp 2 camera 8 Mpx quay và chụp 3D với ISO 3200, quay HD 1280 x 720 pixel, hiệu ứng âm thanh vòm rất hay.

Ảnh
SH12C ra tháng 4/2011 là điện thoại có màn hình 3D không cần kính đầu tiên trên thế giới.

Các tính năng mới như màn hình 3D, chống nước tiếp tục được các hãng đưa ra với 2 phong cách: truyền thống Nhật với kiểu dáng xoay, gấp, chụp ảnh 16,3 Mpx, màn hình 3D, quay chụp ảnh dưới nước (ví dụ các dòng Ca01c, SH10C, F02D) hay sử dụng hệ điều hành Android với CPU dual-core, màn hình 3D, camera 12,1 Mpx, 13,1 Mpx chống nước (như SH01D, P02D, F05D, F07D). Ngoài ra còn có 1 số sản phẩm sử dụng sạc không dây, sạc năng lượng mặt trời (như SH13C, SH805UC).

Huyền thoại 903SH

Người chơi và yêu điện thoại Nhật không thể không biết đến chiếc Sharp 903 bởi những tính năng thời thượng mà nó được trang bị ở thời điểm ra mắt (năm 2005). 903SH cũng là một minh chứng cho khả năng đi trước về công nghệ của những chiếc điện thoại Nhật. Dưới đây là mô tả về 903SH qua cảm nhận của một người dùng.

Ảnh
"Huyền thoại" 903SH, điển hình cho mấu điện thoại truyền thống của Nhật.

“Màn hình sắc nét mà ai cũng ngạc nhiên khi được nhìn. Phím bấm rất nhẹ, mượt. Màn hình lớn thể hiện được nhiều chi tiết hơn. Âm thanh nghe gọi rất nét. Tính bảo mật nâng lên một tầm cao nữa so với các seri trước đó. Một bước nhảy về thiết kế. Khi 903SH ra mắt, đó là một hiện tượng làm sững sờ những tín đồ điện thoại Nhật. Khi đó tôi đang dùng seri 902SH được vài tháng và quyết định đổi ngay sang seri mới này".

Theo người dùng này, 903SH có các tính năng vượt trội (tính theo thời điểm ra mắt) như camera 3,2 Mpx, zoom quang 2x (cho hình ảnh sâu, chân thật, nằm trong top đầu điện thoại chụp ảnh cho đến hiện tại), nhật kí 90 cuộc gọi đi + đến + nhỡ, màn hình 2,4 inch sắc nét nhất thời bấy giờ, bảo mật cao cấp dành cho những người khó tính.

Cho đến nay đã 7 năm kể từ khi ra mắt, 903SH vẫn còn được nhiều người muốn mua để làm kỉ niệm hoặc dùng chụp ảnh. Không ngẫu nhiên mà người dùng gọi nó là "huyền thoại".

Có thể nói, chính từ 903SH mà thế giới biết đến “điện thoại Nhật”. Chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại Nhật ở Hà Nội cho biết, cách đây 1 năm, 903SH được dân buôn điện thoại chào mua với giá 5 triệu đồng/chiếc bất kể tình trạng máy thế nào, chỉ cần khi bật máy màn hình sáng là được.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (2)
Lê Ngọc Hùng  3

hay ! rất bổ ích

Bình Vũ  8

Theo mình được biết thì LG là công ty Hàn Quốc chứ không phải công ty Nhật